Điều gì khiến Dương Tự Trọng không còn ‘ngoan cố’?

Ở phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dương Tự Trọng tỏ ra “ngoan cố”, không chịu khai nhận. Điều gì đã khiến thái độ của bị cáo này thay đổi hoàn toàn ở phiên phúc thẩm?

Phiên sơ thẩm xét xử Dương Tự Trọng và các đồng phạm tội 'Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài', bị cáo Dương Tự Trọng tỏ ra khó hiểu khi những lời khai tại tòa của ông ta chỉ luôn là: “Tôi không nhớ”, “tôi không biết”, “tôi không phủ nhận cũng không công nhận”...

Lời giải thích - thời gian gần đây, gia đình bị cáo xảy ra nhiều chuyện nên đã ảnh hưởng đến trí nhớ của ông ta đã không thuyết phục được HĐXX và những người dự tòa.

  • Bản án sơ thẩm của TAND Thành phố Hà Nội cho rằng, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Dương Tự Trọng không nhận tội, chưa thành khẩn khai báo đầy đủ hành vi phạm tội...

Dù bị cáo có công nhưng cần áp dụng mức án nghiêm khắc nhất mới xứng đáng với hành vi, ý thức của bị cáo.

Vì lẽ trên, ông Trọng đã phải nhận về mình mức án 18 năm tù giam- mức án khá cao cho tội 'Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài'.

Đến phiên phúc thẩm, bị cáo Trọng đột ngột thay đổi thái độ. Ông ta khai vanh vách từng chi tiết của vụ án.

Ông Trọng cũng thừa nhận nội dung bản cáo trạng là đúng, việc ông ta bị truy tố tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" là đúng tội, chỉ không đồng ý vì bị truy tố ở khoản 3 nên phải chịu mức án cao.

Theo những phân tích của chính bị cáo Trọng tại tòa, nếu không bị truy tố ở khoản 3, mức án cao nhất mà ông ta phải chịu nhiều nhất là 7 năm tù giam.

Vì vướng "một ông anh” ?

Theo lời khai của ông Trọng tại tòa, trước khi đưa anh trai bỏ trốn, là một đại tá công an, ông ta hiểu rằng như vậy mình sẽ phạm tội "Che dấu tội phạm".

Tuy nhiên, ông Dương Chí Dũng không chỉ muốn bỏ trốn mà còn muốn trốn ra nước ngoài một thời gian. Thấy em trai còn nhiều “lăn tăn”, ông Dũng nói: “Không bàn cãi nữa”.

  • Dương Tự Trọng; Dương Chí Dũng
    Điều gì đã khiến thái độ của bị cáo này thay đổi hoàn toàn ở phiên phúc thẩm?

Vâng lời anh, ông Trọng đã đẩy câu chuyện đi theo hướng khác, bất lợi hơn cho mình. “Tất cả anh em tham gia chỉ là giúp anh Dũng lẩn trốn, còn việc trốn ra nước ngoài đều là ý của anh Dũng”, lời khai của ông Trọng tại tòa.

Thêm một lý do khiến ông Trọng không còn có ý định ngăn cản anh trai trốn ra nước ngoài là do: “Anh Dũng nói ý đồ đi nước ngoài, tôi hỏi anh có chắc chưa, anh Dũng nói là anh N đã nói thế rồi... Tôi nghĩ anh N và anh Dũng tầm hơn tôi rất nhiều nên tôi đã cho người đến đón anh Dũng”.

Và như vậy, ông Trọng không chỉ vướng tội "Che dấu tội phạm" như ông ta “dự tính” ban đầu. Ông Trọng đã phải nhận 16 năm tù vì tội "Đưa người khác trốn đi nước ngoài".

Ông Trọng khai ở phiên tòa phúc thẩm rằng: “Tôi chưa nhận tội ngay là vì lý do anh N. Anh ý là lãnh đạo của tôi. Hôm nay tôi xin khai. Việc các bị cáo tham gia, trước đây tôi không khai là do không nói được, chứ không như đánh giá của bản án sơ thẩm”.

Ở phiên tòa sơ thẩm, sau khi nghe các bị cáo khác khai lại hành trình đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài, khi được HĐXX hỏi: “Bị cáo thấy lời khai của các bị cáo khác có đúng không?”, ông Trọng luôn trả lời: “Tôi không công nhận, cũng không phủ nhận”.

Nhưng ở tòa phúc thẩm lần này, ông Trọng đã có thái độ tích cực hơn.

Ông ta trình bầy: “Lời khai của anh em ở đây là đúng cả. Anh N cũng là người rất tốt với tôi, tôn trọng tôi trong công việc, lại cho con anh ấy gọi tôi là thầy”.

Bị cáo Trọng đã thừa nhận hành vi của ông ta và các lời khai của các bị cáo khác là đúng, chỉ đề nghị xem xét vai trò của các bị cáo khác trong việc đưa anh trai bỏ trốn ra nước ngoài. Theo ông Trọng, các bị cáo khác chỉ thừa hành theo chỉ đạo của ông ta mà lâm tội.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại