Đi thể dục, thiếu nữ suýt tử vong vì rắn cạp nia cắn

Hà Thu |

(Soha.vn) - Đi thể dục buổi tối, H bất ngờ bị rắn cạp nia tấn công phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận bệnh nhân H, 20 tuổi, ở Thường Tín – Hà Nội bị rắn cạp nia tấn công trong lúc đi tập thể dục buổi tối.

Theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân: H có thói quen đi bộ thể dục vào buổi tối quanh đường làng. Khi bệnh nhân đi qua đoạn đường, một bên là làng, một bên là cánh đồng lúa thì bị rắn cạp nia bất ngờ tấn công.

Ngay sau khi bị rắn cắn, H đã được gia đình sơ cứu và đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thường Tín để cứu chữa.

Tại Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, tình trạng của H ngày càng xấu đi và ngay lập tức bệnh viện đã làm các thủ tục cho bệnh nhân chuyển viện tuyến trên điều trị.


	H đang được điều trị tích cực tại phòng hồi sức tích cực - Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

H đang được điều trị tích cực tại phòng hồi sức tích cực - Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch với biểu hiện sụp mi, đồng tử giãn to, hôn mê, co giật, khó thở, liệt cơ toàn thân... Chỉ chậm một chút nữa thôi, bệnh nhân sẽ tử vong,” bác sĩ Nguyên cho biết.

Các bác sĩ của Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải thở máy và nằm theo dõi ở phòng hồi sức tích cực của Trung tâm.

Trao đổi với chúng tôi, PGS. TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trong 2 năm qua, Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai tiếp nhận 57 nạn nhân tuổi từ 14 đến 68 tuổi bị rắn cạp nia cắn. Bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng sụp mi, đồng tử giãn to, hôn mê, liệt cơ toàn thân, phản xạ gân xương yếu… Một phần lớn bệnh nhân bị hạ Na máu nghiêm trọng.

Với những nạn nhân bị rắn cạp nia cắn, hạ Na máu có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề như hôn mê, co giật, phù não, liệt cơ làm tăng nguy cơ tử vong.

Nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ nhanh chóng lâm vào tình trạng rối loạn ý thức, hôn mê, co giật, hạ thân nhiệt, suy tuần hoàn, rối loạn nhịp thở, giảm phản xạ gân xương.”

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng cho biết: “Trúng độc do rắn cắn là một trong những dạng trúng độc phổ biến nhất hiện nay. Mùa hè là thời điểm gia tăng mạnh mẽ của những ca trúng độc do rắn độc cắn.

Bắt đầu từ đầu tháng 4, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã liên tiếp tiếp nhận những ca trúng độc do rắn cạp nia, rắn hổ mang cắn. Rất may là chưa có trường hợp bệnh nhân nào tử vong.

Bên cạnh trúng độc do rắn độc cắn còn có những ca trúng độc do côn trùng, do ngộ độc thực phẩm, ngộ độc khí, ngộ độc dung môi gia dụng…”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại