Đề xuất rút gọn bậc phổ thông còn 9 năm

daquynh |

Ý kiến trên được đưa ra tại cuộc tọa đàm "Hướng tới một nền giáo dục thật sự đổi mới" diễn ra vào ngày 9/10.

Tại đây, những diễn giả nổi tiếng như GS Hoàng Tụy, GS Hồ Ngọc Đại, PGS Văn Như Cương, TS Mai Liêm Trực, nhà giáo Phạm Toàn… đã cùng đưa ra những ý kiến sâu sắc về vấn đề đổi mới giáo dục nước nhà.

Giáo dục Việt Nam đang lạc hướng?

GS Hoàng Tụy cho rằng, trước tiên, để đổi mới hệ thống giáo dục, phải đổi mới tư duy về sứ mệnh của giáo dục và hội nhập với hệ thống giáo dục của thế giới.

Bản thân ông nhận ra khuyết điểm lớn nhất của giáo dục thời gian qua là vẫn giữ khư khư cách làm của mấy chục năm trước, khiến nền giáo dục Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới.

Theo quan điểm của GS Hoàng Tụy, giáo dục Việt Nam cần có sự hội nhập hóa, phải theo những giá trị đã được nhân loại khẳng định là đúng đắn. Việc đổi mới cho dù rất khó khăn nhưng cũng cần đoạn tuyệt với các quan niệm và cách nghĩ cũ đã ăn sâu vào nhiều thế hệ.

“Chúng ta không thể ôm khư khư mãi cách làm giáo dục như bao nhiêu năm về trước, một nền giáo dục lạc hậu có thể khắc phục được nếu tăng tốc, nhưng một nền giáo dục lạc hướng so với thế giới thì mãi mãi không thể hội nhập được, không phát triển được… không nên coi giáo dục là một phương tiện để đào tạo ra những con người phục vụ xã hội theo một tư tưởng định trước”, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.

de-xuat-rut-gon-bac-pho-thong-con-9-nam

Các chuyên gia có tâm huyết với giáo dục tại hội thảo. Ảnh Thiên Trường.

Bên cạnh đó, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, cho rằng đề án “Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện” do Bộ GD-ĐT và Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XI chưa có những đổi mới thực sự.

Ông Trực cho rằng những kỳ vọng về sự đổi mới thực sự lại chưa được thực hiện. Ông cũng lấy ra ví dụ cần phải đổi mới kiểu như công nhận cơ chế thị trường năm 1986, phải nhìn thẳng vào sự thật như đã nhìn vào sự thật thời kỳ bao cấp trước đây mới là đổi mới.

Rút ngắn bậc phổ thông còn 9 năm

GS Hoàng Tụy cho rằng nên giảm số năm trong bậc học phổ thông. Sau 9 năm học phổ thông, học sinh có thể vào cuộc sống hoặc dự bị lên đại học. Còn hệ thống giáo dục đại học, ông cho rằng nên học theo hệ thống giáo dục đại học hiện đại, tiên tiến của nước Mỹ.

TS Lê Trường Tùng (Hiệu trưởng ĐH FPT) một lần nữa nhấn mạnh giáo dục là một dịch vụ xã hội đặc biệt, Nhà nước nên cung cấp một mô hình giáo dục hoàn toàn miễn phí.

de-xuat-rut-gon-bac-pho-thong-con-9-nam

Hiệu trưởng ĐH FPT - ông Lê Trường Tùng đưa ra đề xuất bậc phổ thông còn 9 năm và nhận được sự đồng tình của phó giáo sư Văn Như Cương, tiến sĩ Mai Liêm Trực. Ảnh Thiên Trường.

Ông Tùng cũng cho rằng, trong điều kiện Việt Nam hiện nay khi ngân sách chưa thể đảm bảo cho một mô hình giáo dục hoàn toàn miễn phí thì cần đầu tư có trọng tâm.

Vì vậy, trách nhiệm của Nhà nước là tập trung nhiều vào hệ thống giáo dục phổ thông, còn lại xã hội hoá bậc giáo dục đại học một cách triệt để để thu hút đầu tư.

Ở bậc đại học, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ cho những nhân tài, sinh viên nghèo và một số ngành đặc thù khó thu hút doanh nghiệp tư nhân như công đoàn, lao động, các lĩnh vực xã hội…

TS Lê Trường Tùng cũng đưa ra một phương án mới với bậc học phổ thông chỉ còn 9 năm (5 năm tiểu học và 4 năm trung học), thay vì 12 năm.

Sau khi học xong trung học, học sinh có thể vào cao đẳng hoặc vào thi vào đại học. Bậc cao đẳng cũng được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu tương đương với bằng trung cấp hiện nay.

Chia sẻ về phương án đề xuất học phổ thông chỉ còn 9 năm, ông Mai Liêm Trực cũng rất đồng tình với ý kiến này.

Theo ông Trực, phương án học phổ thông 9 năm là hợp lý, sau đó phân luồng để học sinh có thể học nghề hoặc vào đại học.

Cũng có ý kiến đồng tình ủng hộ, PGS Văn Như Cương cho rằng, chương trình hiện nay có nhiều kiến thức không cần thiết, có thể cắt giảm đến 1/3.

Tuy nhiên, theo ông, học văn hóa thì 9 năm là đủ, nhưng đào tạo con người 9 năm lại là ít. Vì vậy, bậc phổ thông cần học 11 năm, hết THCS sẽ có hai hệ thống, một là học nghề, hai là như truyền thống để học cao hơn.

de-xuat-rut-gon-bac-pho-thong-con-9-nam

PGS Văn Như Cương cho rằng, chương trình hiện nay có nhiều kiến thức không cần thiết, có thể cắt giảm đến 1/3. Ảnh thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 - Lê Hiếu.

PGS Văn Như Cương nhấn mạnh: “Lỗ hổng rất lớn của giáo dục hiện nay là chưa dạy được thế nào là trung thực, thế nào là giả dối cũng như học sinh thiếu kiến thức thực tế”.

Đồng ý với quan điểm cần cấu trúc lại bậc học phổ thông cho gọn nhẹ và xã hội hóa các bậc học cao hơn, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng phải chia giáo dục phổ thông thành hai giai đoạn.

Giai đoạn một có 6 năm, Nhà nước chi toàn bộ, kể cả tiền sách vở. Giai đoạn hai có 3 năm, nhà nước và cha mẹ học sinh cùng chia sẻ kinh phí. Hết bậc học phổ thông, người học phải tự đóng học phí.

Cũng có ý kiến đồng tình với việc phải cải cách nền giáo dục nhưng GS Trần Xuân Hoài lại đề xuất giữ nguyên số năm học phổ thông như hiện nay, và học sinh chỉ phải thi một lần khi hết bậc học phổ thông. Học sinh tốt nghiệp sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình học.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại