Đấu tranh bảo vệ chủ quyền: Mềm dẻo nhưng không nhân nhượng

Trước những chiến công lừng lẫy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thế giới phải công nhận VN không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào.

LTS: Gần đây, liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một số đối tượng bất hảo và thế lực thù địch đã lên tiếng rêu rao kích động tình hình xã hội Việt Nam, cố tình suy diễn: “Trước hành động vi phạm chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc, Việt Nam đã nhu nhược trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc, không có nhiều biện pháp bạo lực xua đuổi Trung Quốc ra khỏi lãnh hải, mà chỉ “đấu tranh miệng” theo kiểu nửa vời”… Báo Quân đội nhân dân có loạt bài phân tích, làm rõ vấn đề này.

Bài 1: “Hòa hiếu” - kế sách giữ nước nghìn đời của dân tộc Việt Nam

Cần khẳng định, chủ trương, chính sách và các biện pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam thời gian qua trước hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Đó không phải là sự nhu nhược mà là tổng thể các biện pháp hòa bình đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng; là kế sách “hòa hiếu” bảo vệ Tổ quốc có từ nghìn đời của một dân tộc rất yêu chuộng hòa bình.

Trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã từng chiến thắng giặc phương Bắc với những Ải Chi Lăng, Bạch Đằng Giang, Đống Đa, Ngọc Hồi... ; chiến thắng thực dân Pháp xâm lược bằng trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu…; chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược bằng những Đồng Khởi, Ba Gia, Khe Sanh;... Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... Trước những chiến công lừng lẫy trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thế giới phải công nhận, dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào.

Thế nhưng, Việt Nam chỉ dùng đến bạo lực khi không còn sự lựa chọn nào khác và đấu tranh vũ trang chỉ là biện pháp cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử cho thấy, trước họa xâm lăng, Việt Nam luôn biết cách thể hiện thiện chí hòa hiếu để bảo vệ Tổ quốc một cách hiệu quả.

Thế nhưng để "nói rõ điều ngay lẽ gian”, thực hiện chính sách hòa hiếu với những kẻ chủ tâm đi xâm lược không phải là việc dễ. "Đại Việt sử ký toàn thư” ghi lại đoạn chiếu thư của Hoàng đế nhà Tống gửi cho vua Lê Đại Hành (năm 971): "... Nay ta đang chỉnh đốn xe cộ quân lính, truyền hiệu lệnh chiêng trống. Nếu chịu theo giáo hóa, ta sẽ tha tội cho. Nếu trái mệnh, ta sẽ sai quân đánh”. Tương tự, Hoàng đế Nguyên Mông Hốt Tất Liệt đối xử với vua Trần Thánh Tông (năm 1279) bằng câu nói trịch thượng: "Nếu quả thật ngươi không tự đến ra mắt được thì hãy lấy vàng thay thân, hai hạt châu thay mắt, thêm vào đó, lấy hiền sĩ, phương kỹ, con trai, con gái, thợ thuyền, mỗi loại hai người, để thay cho sĩ nhân. Nếu không thì hãy tu sửa thành trì mà đợi xét xử”… Vậy nhưng, với tinh thần hòa hiếu, đặt lên trên hết lợi ích chủ quyền và lợi ích quốc gia, dân tộc, các vua, chúa Việt Nam đã có cách ứng xử khéo léo, hiệu  quả trước những thách thức và sức ép bành trướng của quân xâm lược.

Vua Lê Đại Hành tổ chức thết tiệc đãi sứ mang chiếu thư đến Hoa Lư, lại còn thân lội ruộng bắt cá cho sứ giả xem và thấy sự chan hòa của nhà vua nước Việt. Vua Lý Nhân Tông sẵn sàng đem voi đi cống cho nhà Tống, nhưng là để đổi lại, thu hồi lại được cả vùng đất châu Quảng Nguyên (Cao Bằng). Còn Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, trước sự ngông nghênh, ngang ngược của sứ giả Sài Thung, vẫn ân cần làm thơ tống tiễn về nước: “Không biết đến bao giờ mới lại được gặp mặt/ Để ân cần nắm tay nhau mà kể chuyện hàn huyên…”.

Ngược dòng lịch sử, vua Quang Trung từng thể hiện tư tưởng hòa hiếu của dân tộc qua câu nói: "Hai nước đánh nhau cũng không phải là phúc cho dân” và chỉ ra quyết sách "Ngoại giao hòa bình” và thường gọi là "Khéo về giấy tờ”, tức là giỏi thương lượng, đàm phán để giữ vững bờ cõi. Trước đó, vua Lê Thánh Tông cũng kiên trì sự nghiệp này. Biên niên sử năm 1473 ghi trong sách "Đại Việt sử ký toàn thư”, có chép lại câu nói của nhà vua khi chỉ thị cho Thái bảo Lê Cảnh Huy: "Một thước núi, một tấc sông của ta, cũng không được đem bỏ đi. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của tổ tiên làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di”. Lê Thánh Tông dặn dò kỹ lưỡng bề tôi về phương pháp đấu tranh: "Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, ta còn có thể sai sứ sang phương Bắc, nói rõ điều ngay lẽ gian”.

Những câu chuyện xử trí mềm dẻo về sách lược để thực hiện chiến lược giữ nước qua các triều Lý, Trần, đến Tây Sơn... cho thấy sự linh hoạt, uyển chuyển của đối sách nhân nhượng với tinh thần hòa hiếu trong bang giao của dân tộc ta.

Trong thời đại Hồ Chí Minh, trước những kẻ thù xâm lược hùng mạnh, Việt Nam đã phải tiến hành nhiều biện pháp hòa bình mềm dẻo để bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết câu mở đầu Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946): "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Điều đó cho thấy, Việt Nam luôn kiên định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, nhưng biết cách linh hoạt, khéo léo, mềm dẻo trong đấu tranh để đạt mục tiêu đó. Với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bác Hồ và Chính phủ Việt Nam đã ký nhiều hiệp ước, chấp nhận nhiều yêu sách của kẻ thù vì “thế nước, lực nước” buộc phải chấp nhận, để đổi lại những lợi ích phục vụ mục tiêu cao nhất của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, trong điều kiện mới, nắm vững tình hình thế giới, khu vực và đất nước, Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) "Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới" chủ trương thực hiện tốt các quan điểm về chủ động giữ nước, lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc; quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, kiên trì chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cố gắng gia tăng hợp tác, tránh xung đột, đối đầu; tránh bị cô lập, lệ thuộc...

Liên quan đến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, tinh thần và lời văn của Tuyên bố DOC…, Việt Nam khẳng định quan điểm: Bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc, Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vẫn luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, thể hiện thiện chí kiên trì giải quyết bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Như vậy có thể thấy, Việt Nam thể hiện rõ tinh thần “hòa hiếu” trong đấu tranh. Hòa hiếu trên cơ sở đặt mục tiêu bảo vệ chủ quyền đất nước lên cao nhất, vĩnh viễn; hòa hiếu vì tình hữu nghị của hai Đảng, hai dân tộc, hai đất nước; hòa hiếu là nhằm giữ vững môi trường hòa bình của khu vực, thế giới; hòa hiếu cũng chính là vì danh dự của Trung Quốc, bởi lẽ hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền nước láng giềng gần của Trung Quốc đang bị nhân loại tiến bộ kịch liệt phản đối, lên án. Trung Quốc cần dừng ngay các hoạt động sai trái trên để lấy lại hình ảnh và danh dự của chính mình trong cộng đồng quốc tế. Chính vậy, quá trình đấu tranh từ ngày 2-5-2014 đến nay, phương thức đấu tranh của Việt Nam nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong nước và bạn bè thế giới. Từ kết quả công tác đối ngoại, dư luận thế giới cực lực phản đối, lên án mạnh mẽ hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc.

Con người Việt Nam, đất nước Việt Nam luôn yêu chuộng và tôn trọng hòa bình. Việt Nam mềm dẻo với chính sách ngoại giao rộng mở trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trên thế giới (trong đó có Trung Quốc). Việt Nam có thiện chí trên mặt trận ngoại giao, nhưng đồng thời luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chủ quyền của dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Điều đó cho thấy: Dân tộc ViệtNam "mềm dẻo" nhưng không nhu nhược trước bất cứ một thế lực nào.

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại