Dân tộc ít người nhất Sa Pa chống chọi với giá lạnh

Nhiệt độ xuống thấp, trang bị không đủ ấm, người Xa Phó (Nậm Sài, Sa Pa) phải đốt lửa trong bếp để sưởi ấm.

Người Xá Phó, hay còn gọi là người dân tộc Phù Lá, sống chủ yếu dựa vào việc làm nương và chăn nuôi. Họ chủ yếu sống ở xã Nậm Sài. Là một xã khó khăn của huyện Sa Pa nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã lên tới trên 70%, trong đó riêng người dân tộc Xa Phó có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn các dân tộc khác (trên 90%). Dân tộc Xa Phó có 126 hộ dân với khoảng 400 người.

Khoảng 3 năm trở lại đây, nghề thủ công truyền thống đã mai một. Các gia đình chỉ còn trông chờ vào những rẫy ruộng bậc thang. Để vào được Nậm Sài (cách thị trấn Sa Pa 30km) phải đi hết 3 giờ đồng hồ do đường xá đi lại khó khăn, liên tục bị sạt lở và sương mù bao quanh.

 

Ngoài công việc làm nương rẫy, người Xa Phó chỉ chăn nuôi gà, lợn. Thời gian gần đây rét mướt nên họ ngồi cạnh nhau bên bếp lửa sưởi ấm, bên trong nhiều ngôi nhà người Xa Phó chỉ có chiếc giường, vài chiếc nồi và vách ngăn bằng tre nứa để làm bức tường.

Được hỗ trợ nhiều nhưng đời sống người dân nơi đây vẫn khó khăn, một phần do địa chất đồi núi nhiều đá, mưa lạnh quanh năm nên việc gieo trồng thường xuyên khó khăn. Một năm người Xa Phó thiếu đói 4 đến 5 tháng.

Anh Nhù Lửa Sa, thôn Nậm Kéng cho biết: "Mùa đông năm nay lạnh hơn mọi năm nên chăn nuôi, trồng trọt gặp nhiều khó khăn, kèm với chim chóc, chuột thường xuyên hại mùa màng, cả nhà 7 người trông chờ vào nương lúa nên liên tục thiếu ăn".

Trẻ em ở Nậm Sài thường xuyên ngồi bên bếp lửa, chúng ít ra ngoài vì trời lạnh.

Một số trẻ em được hỗ trợ quần áo từ các tổ chức từ thiện, tuy nhiên những ngày giá rét vẫn đi chân trần.

 

Nghề thêu thủ công truyền thống chỉ còn vài hộ giữ được, chị Lù Thị Khá chia sẻ: "Một năm lên nương có vài ba lần, thời gian còn lại để thêu thùa, chăm sóc con cái. Thêu không đem lại kinh tế vì một năm chỉ thêu được từ 2-3 chiếc váy dùng để mặc".

Khách đến nhà, anh Nhù Lửa Sa lại mang 2 bát rượu ra mời khách, không có vốn chăn nuôi, trồng trọt, người đàn ông có vợ và 2 con này suốt ngày say xỉn.

Một năm, người Xa Phó ở Nậm Sài, Sa Pa được nhận 2-3 chuyến quà từ miền xuôi lên. Chủ yếu là các đồ dùng nhu yếu phẩm cần thiết kèm theo đó là thóc, ngô giống, thậm chí là tivi.

Bà Ngô Thị Khó (85 tuổi) thuộc diện hộ nghèo của thôn Nậm Kéng (Nậm Sài) nên được hỗ trợ ti vi, bà cho biết ngoài tiêu chuẩn gia đình khó khăn thì những hộ có nhiều công xá làm đường liên thôn, liên bản sẽ được chính quyền xem xét để tặng tivi, thóc giống, ngô giống.

Sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức từ thiện giúp một bộ phận người Xa Phó ở Sa Pa trở nên bớt khó khăn hơn. Họ đã dần được tiếp cận với các phương tiện thông tin truyền thông.

Người dân nơi đây nhận được rất nhiều giống lúa, ngô theo chương trình 135 và từ các doanh nghiệp hảo tâm. Anh Lò Lu Sa tâm sự: "Được tặng nhiều giống nhưng người dân chưa có biện pháp canh tác nên chim chuột ăn hết, phân bón không có nên cây phát triển chậm lắm".

Quanh năm mây mù mưa phủ, người  Xa Phó ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài vì vị trí địa lý xa xôi.

Trường thôn Nậm Kéng (Nậm Sài) Ngu Hư Sa cho biết, ngoài những khó khăn về chăn nuôi, trồng trọt, đường xá thì nguồn nước ở đây cũng rất hiếm, cách đây không lâu tổ chức Unicef tặng những chiếc chum để đựng nước mưa, nhưng do thiếu nước nên bị đóng cặn hết. Người dân muốn lấy nước dùng, phải xuống những con suối cách nhà cả cây số.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại