Đại tướng và kỷ niệm khai sinh Quân đội nhân dân Việt Nam

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn được 34 người để lập nên đơn vị đầu tiên của đội quân chủ lực .

Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc thành lập đội quân vũ trang chủ lực đầu tiên của Việt Minh: “Đây là việc hệ trọng. Đoàn thể giao cho chú cáng đáng. Chú có làm được không? Chúng ta bây giờ còn yếu, địch lại đang mạnh nhưng chúng không thể tiêu diệt được ta. Có phải không?”.

Võ Nguyên Giáp làm được ngay: “Thưa Bác, làm được!” Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Được Bác Hồ giao trách nhiệm mới tôi thấy rất vui. Tôi nghĩ đến ngày cắm cờ đỏ sao vàng lên đỉnh núi Phia-U-Oác”. Biết rằng đánh du kích rất gian khổ và đầy nguy hiểm, Võ Nguyên Giáp đã nghĩ ông có thể bỏ mạng trong rừng núi Cao - Bắc - Lạng.

Đêm hôm đó, cùng nằm bên cạnh, Võ Nguyên Giáp nghe Hồ Chí Minh nói chuyện đến 3 giờ sáng. Trong cái đêm lạnh giá đó, không một ánh lửa, đầu gối lên một khúc gỗ, hai người phác ra kế hoạch đánh du kích để lật đổ chính quyền thuộc địa. Hồ Chí Minh vạch ra những nét lớn về tổ chức và cách thức hoạt động của đội quân giải phóng. Ông cũng nói cả vấn đề tiếp tế lương và đạn dược. Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh nếu chúng ta biết dựa vào quần chúng nhân dân thì kẻ địch sẽ không bao giờ tiêu diệt nổi chúng ta.

Từ hôm sau Võ Nguyên Giáp bắt tay ngay vào công việc. Ông tìm hai đồng chí tin cậy là Vũ Anh và Lê Quảng Ba, đưa họ đến sau hang Pắc Bó để thảo luận chi tiết cách thức tổ chức, lựa chọn cán bộ cho đội quân giải phóng. Họ chọn Hoàng Sâm làm đội trưởng quân sự và Xích Thắng làm chính trị viên.

 	Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng).

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng).

Lực lượng lúc đầu gồm một trung đội có ba tiểu đội chọn từ các đội tự vệ vũ trang ở các huyện Hà Quảng, Hoà An và Nguyên Bình. Trong lúc họ đang thảo luận thì Hồ Chí Minh đến ngồi nghe và khi ba người quay nhìn ông, ông gật đầu tỏ ý tán thành. Ông nhấn mạnh phải luôn luôn nhớ: “Tinh thần quần chúng bao giờ cũng phải mạnh hơn vũ khí. Nếu chúng ta có thể dựa vào dân thì không kẻ thù nào đánh bại được chúng ta.”

Đêm hôm đó, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp còn tiếp tục trao đổi. bàn bạc đến khuya về viễn cảnh của đội quân giải phóng. Hồ Chí Minh nói: “Trong một cuộc cách mạng, yêu cầu của nhân dân phải đặt lên hàng đầu”.

Khi đó, Hồ Chí Minh gợi ý đặt tên cho đội quân tương lai là Đội quân Giải phóng Việt Nam. Ngày hôm sau, Hồ Chí Minh lại gọi riêng Võ Nguyên Giáp và nói thêm muốn đưa phong trào lên cao thì hoạt động của quân giải phóng lúc này là phải coi trọng chính trị hơn quân sự. Và đội quân giải phóng sẽ lấy tên là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có nhiệm vụ giác ngộ và tổ chức quần chúng, hoạt động chính trị phải đặt lên trên tác chiến và công tác tuyên truyền giác ngộ dân chúng phải quan trọng hơn tiến công quân sự.

Vậy là Võ Nguyên Giáp - một cựu giáo viên dạy sử ở trường trung học - giờ đã được giao chỉ huy một đội quân chưa hình thành. Cũng như trước đây Quốc hội Mỹ năm 1775 đã bổ nhiệm George Washington một đạo quân chưa hình thành ở châu Mỹ thì nay Võ Nguyên Giáp cũng được giao nhiệm vụ chỉ huy một lực lượng chưa có quân số, chưa được tổ chức và chưa được huấn luyện thành thục. Như vậy, trong một hang sâu được chiếu sáng bằng những ngọn đuốc, ông đã bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình với tư cách là người chỉ huy quân sự đầu tiên của nước Việt Nam. Lúc đó ông mới 33 tuổi.

Tuy đã nói với Võ Nguyên Giáp chi tiết về cách thức tổ chức đội quân cách mạng nhưng Hồ Chí Minh vẫn viết nhiều chỉ thị liên quan đến tổ chức các đơn vị chính quy và trong nhiều lần gặp gỡ, hai người đều nghiên cứu xem xét chi tiết sức mạnh quân sự của Pháp và tình trạng thực tế của đối phương. Họ trao đổi về trình độ, khả năng của cán bộ, về công tác hậu cần, tiếp tế cho bộ đội, về các vùng có thể ưu tiên lập căn cứ.

Hồ Chí Minh yêu cầu trong vòng một tháng phải xuất quân đánh một trận, một trận táo bạo, tấn công quyết liệt để giành phần thắng. Đánh thắng trận đầu đó sẽ có tác dụng rất lớn về mặt tuyên truyền gây thanh thế cho Việt Minh. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải bí mật, nhanh chóng, tích cực. Một lần đánh ở tây, lần khác đánh ở đông, tạo thế bất ngờ khiến địch không kịp trở tay. Ra đi không trống giong, cờ mở, trở về không để lại dấu vết (Hồ Chí Minh nhắc lại câu trong Binh pháp của Tôn Tử: “Lai vô ảnh, khứ vô hình”).

 	Tướng Giáp trở thành Tổng chỉ huy quân sự đầu tiên năm 1944, khi đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập

Tướng Giáp trở thành Tổng chỉ huy quân sự đầu tiên năm 1944, khi đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập

Võ Nguyên Giáp tổ chức gặp gỡ với những người chỉ huy trung đội ở Hà Quảng. Các buổi thảo luận diễn ra khá sôi nổi bởi sự có mặt của những người vừa học các lớp quân sự ở Trung Quốc trở về. Họ dùng một tảng đá lớn dưới một gốc cây cổ thụ trong khu rừng già làm bàn viết. Họ nên mở cuộc tiến công như thế nào là tốt nhất? Lựa chọn mục tiêu như thế nào? Làm thế nào để giành phần thắng mà không phải hy sinh quá nhiều sinh mạng và hao phí súng đạn? Đánh mục tiêu cố định hay mai phục đánh địch đang di chuyển. Súng đã hiếm, đạn còn hiếm hơn nữa. Mỗi khẩu chỉ có hai mươi viên đạn. Một ngày thảo luận sôi nổi kết thúc bằng bữa tiệc thịt khỉ mà họ bắt được trong rừng.

Cuối cùng Võ Nguyên Giáp chọn được 34 người để lập nên đơn vị đầu tiên của đội quân chủ lực của cách mạng. Ông đặt tên là Trung đội Trần Hưng Đạo theo tên gọi của vị anh hùng dân tộc. Họ là người được lựa chọn trong số các tiểu đội trưởng, các chỉ huy trung đội hay những đội viên có phẩm chất tư cách đặc biệt xứng đáng và thành tích xuất sắc của các toán vũ trang địa phương trong thung lũng Đình Cả.

“Quân đội” ấy ban đầu chỉ có 2 khẩu súng lục, 19 khẩu súng trường, 14 cạc-bin và 1 trung liên, trong đó có những khẩu cổ lỗ ra đời từ những năm 1905.

Ngày 22/12/1944, vào lúc 5 giờ chiều, Võ Nguyên Giáp chủ trì lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đó là một chiều mùa đông giá rét nhưng mọi người đều hết sức phấn khởi. Lần đầu tiên họ tập hợp đứng dưới ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh. Võ Nguyên Giáp đọc một bài diễn văn dài nhấn mạnh tầm quan trọng và trách nhiệm của mỗi người từ nay phải gánh vác. Ông nói: “Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Chúng ta sẽ đặt cao hơn hết thảy tinh thần hy sinh anh dũng.”

Ông kêu gọi tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khổ, triệt để tuân theo kỷ luật và tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên.

Tất cả mọi người đọc vang 10 lời thề:

1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc để Việt Nam trở thành một nước độc lập.

2.Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.

3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.

4. Lúc nào cũng khẩn trương hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sỹ tiên phong giết giặc cứu nước.

5. Tuyệt đối giữ bí mật.

6. Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì không bao giờ cung khai phản bội.

7. Hết sức ái hộ bạn chiến đấu, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.

8. Hết sức giữ gìn vũ khí.

9. Khi tiếp xúc với dân sẽ làm đúng ba điều răn: "không lấy của dân" – "không dọa nạt dân"- "không quấy nhiễu dân" và ba điều nên: "kính trọng dân" – "giúp đỡ dân" – "bảo vệ dân", để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí giết giặc cứu nước.

10. Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và Quốc thể của Việt Nam.

Sau mỗi lời thề được Võ Nguyên Giáp dõng dạc đọc lên, mọi người hô vang: “Xin thề!”.

Sau này Võ Nguyên Giáp kể lại những người có mặt trong buổi lễ chiều hôm đó đều chứa chan phấn khởi, tin tưởng vào tương lai, vào tiền đồ của đội quân giải phóng, sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Để kỷ niệm ngày thành lập đáng ghi nhớ, nêu cao truyền thống cách mạng, buổi lễ kết thúc bằng bữa cơm đạm bạc, không có rau, không có muối do đồng bào địa phương ủng hộ.

Khi bóng đêm phủ hết tán rừng, giữa làn gió lạnh, mọi người ngồi xung quanh đống lửa nói chuyện đến nửa đêm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại: “Trong một đêm đông giá buốt, giữa rừng sâu, quân đội đã được khai sinh như thế đó”.

(Trích sách: Võ Nguyên Giáp - Chiến thắng bằng mọi giá)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại