Đại gia đi xe biển số ngoại giao

vytran |

Họ chẳng làm cho cơ quan ngoại giao nào cả, họ là những người giàu có, 100% Việt Nam.

Bất cứ ai có chút kiến thức về thuế đều hiểu rõ mánh khoé của họ: Các nhà ngoại giao nhập xe vào Việt Nam để sử dụng đều được miễn thuế nhập khẩu (thuế suất khoảng 100%). Khi các đại gia mua xe của những người nước ngoài nhập được theo kiểu này, thì giá bán thường “mềm” đáng kể (sau khi hai bên đã chia nhau phần chênh lệch thuế) so với giá thị trường. Xe càng khủng, giá càng đắt, thì khoản lợi lách thuế càng lớn và phần lợi của cả hai bên càng nhiều.

Song xe không thể sang tên cho đại gia Việt Nam được vì khi bán lại thì nhà “ngoại giao” bị truy thu thuế. Xe nhập vào được miễn thuế với điều kiện xe đó được “tái xuất” khi nhà ngoại giao không dùng nữa, hoặc được “thanh lý” cho người hay tổ chức trong nước (khi đó phải truy thu thuế ở mức xe đã khấu hao).

Nếu xe đã cũ và được thanh lý thì thuế cũng chẳng đáng là bao.

Hình minh họa trêninternet. Nguồn Lao Động

Và đi xe xịn, mới cóng, mang biển số ngoại giao vừa “thật oai” (có mấy cảnh sát giao thông dám “rờ đến” xe gắn biển ngoại giao), lại vừa rẻ, và sau một số năm “tận hưởng” nếu thích thì sang tên cho mình hay cho kẻ khác (với mức thuế tượng trưng của xe đã khấu hao gần hết). Về mặt pháp lý, họ không có lỗi trong tính toán thiệt hơn của mình, nhiều nhất chúng ta chỉ có thể chê trách họ về mặt đạo đức.

Đấy cơ bản là cách tính toán của các đại gia Việt đi xe biển ngoại giao. Họ giàu nên biết tính toán lắm! Chỉ nhà nước là thiệt và các nhà ngoại giao đứng đắn bị mang tiếng. Hiện tượng trên đã xảy ra từ nhiều chục năm nay.

Thiết nghĩ tất cả nhân viên thuế vụ từ cấp địa phương đến Bộ Tài chính, tất cả những người làm trong ngành hải quan đều hiểu rõ mánh khoé này.

Số lượng xe mang biển ngoại giao trôi nổi là bao nhiêu, số thuế thất thu lớn chừng nào?

Theo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 22.6.2011, từ “1998 đến hết tháng 8-2009 có 4.366 xe thuộc các đối tượng ngoại giao nhập khẩu. Trong đó chỉ có 230 xe đã làm thủ tục tái xuất; 1.758 xe đã làm thủ tục chuyển nhượng (hoặc tiêu hủy). Còn lại 2.378 xe, trong đó có 1.158 xe đang “trôi nổi” chưa làm thủ tục chuyển nhượng hoặc đã chuyển nhượng thì cũng chẳng đóng thuế (số thuế ước tính lên tới cả nghìn tỷ đồng)”.

Để xem con số thất thoát thuế cả ngàn tỷ đồng này lớn nhỏ, hãy so với vài con số sau: 899 tỷ 991 triệu đồng là con số mà 75 cơ quan trung ương đã tiết kiệm được trong chủ trương “tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2011 của các bộ, cơ quan trung ương theo nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ” (công văn số 7244/BTC-NSNN ngày 2.6.2011). Số thất thoát lớn hơn tổng dự toán chi quản lý hành chính năm 2011 của Văn phòng Chủ tịch nước (112,6 tỷ) và của Văn phòng Quốc hội (801 tỷ) cộng lại.

Những người mua và sử dụng xe mang biển ngoại giao là những ai? Họ phải là những người giàu và có quan hệ tốt với (những người có quan hệ mật thiết với) các cơ quan ngoại giao, các cơ quan nhà nước Việt Nam. Chắc chắn cảnh sát giao thông và Bộ Tài chính (Hải quan) biết rõ người bán là ai (lần từ biển số cấp cho ai, của cơ quan ngoại giao nào) và cũng chẳng khó để biết người mua là ai.

Như vậy, quản lý mấy thứ này đâu có là chuyện khó. Quá dễ là đằng khác! Cũng chẳng có gì “tế nhị” ngoại giao ở đây cả.

Nhưng khó quản lý, những người có trách nhiệm than vãn, vì chưa có văn bản pháp lý! Ai ra các quy định pháp lý? Không phải chính mấy ông bà này hay sao? Chính họ. Ít nhất họ cũng phải là những người đề xuất cách giải quyết, lấp các kẽ hở pháp lý.

Còn bao nhiêu khoản “thất thu” nho nhỏ như cả ngàn tỷ đồng đối với xe mang biển ngoại giao do các đại gia Việt Nam sử dụng.

Nếu những người có trách nhiệm làm việc tận tuỵ, họ đã không để cho các khoản thất thu như vậy xảy ra. Hoặc nếu có xảy ra, thì kịp thời có giải pháp để khắc phục. Giảm được thất thu, thì có nguồn để tăng lương, tăng thu nhập cho chính họ, làm cho bộ máy nhà nước trong sạch hơn, hoạt động hiệu quả hơn, làm cho công bằng xã hội được cải thiện hơn, chặn được mánh khoé của những người giàu vừa muốn đi xe có mác ngoại giao cho oai vừa tiết kiệm tiền cho họ nhưng tổn hại đến lợi ích quốc gia. Hay một vài người trong số họ biết kỹ, nhưng cố tình để thế nhằm chiều ý các đại gia vì các lý do riêng tư khác?Có thể nói, để hiện tượng người Việt chẳng dính dáng gì đến các cơ quan ngoại giao mà ngang nhiên đi xe mang biển số ngoại giao, không những làm tổn hại đến uy tín của đất nước mà cũng gây tổn thất thuế, làm cho pháp luật không nghiêm, đó là trách nhiệm của các quan chức nhà nước và cơ quan nhà nước liên quan.

Theo Lao Động

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại