Cúm A/H7N9: Nguy cơ gây tử vong ở người rất cao

Hà Thu |

(Soha.vn) - Cúm A/H7N9 là một loại virus cúm mới thâm nhập vào cơ thể con người gây bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao...

Đó là nhận định của PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) về dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Không loại trừ khả năng cúm A/H7N9 lây được từ người sang người

Theo bác sĩ Bùi Vũ Huy, virus cúm có 3 tuýp huyết thanh là cúm A, cúm B và cúm C. Cúm B, C chỉ có ở người và gây thành dịch bệnh ở địa phương với quy mô nhỏ lẻ. Còn cúm A không chỉ phổ biến ở người mà còn phổ biến ở các loại động vật (gia súc, gia cầm, động vật hoang dã,…)

Để phân loại virus cúm nào gây bệnh ở người và gây bệnh ở động vật, người ta dựa vào hai kháng nguyên bề mặt của virus cúm là kháng nguyên H và kháng nguyên N. Kháng nguyên H có 15 loại, được chia từ H1 – H15. Kháng nguyên N có 9 loại, được chia từ N1 –N9.

Cúm A ở người gồm có H1N1, H3N2, H2N2. Từ H4 trở đi gây bệnh ở động vật như: H5N1, H7N9…

Bác sĩ Huy cũng cho biết thêm, trong những năm gần đây, một số virus cúm đã vượt qua danh giới loài để lây từ động vật sang người như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9,… để lại những hiểm họa lớn cho sức khỏe và tính mạng của con người.


	PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)

PGS. TS Bùi Vũ Huy – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội)

“Các chủng virus cúm gây bệnh ở động vật thông thường không xuất hiện ở loài người. Tuy nhiên, khi virus cúm ở động vật đã lây sang người sẽ rất khó chữa trị và kiểm soát. Đơn giản vì đó là loại virus cúm mới, lạ chưa từng xuất hiện ở con người. Khi loại virus này thâm nhập vào cơ thể con người qua các con đường khác nhau sẽ làm cơ thể nhiễm bệnh rất nặng, độc tính cao, hiểm nghèo,… và nặng hơn rất nhiều so với các loại cúm A thông thường vẫn gặp ở người.

Nguyên nhân chính là do con người chúng ta chưa miễn dịch và chống đỡ được với loại virus cúm mới này…” bác sĩ Huy nói.

Chia sẻ về con đường lây nhiễm của cúm A/H7N9, bác sĩ Huy nhấn mạnh, chưa có tài liệu và công trình nghiên cứu khoa học nào có thể chứng minh virus cúm H7N9 có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ khả năng ấy.

 Nguy cở tử vong cao từ 50-100%

Bác sĩ Huy phân tích: “Có 4 yếu tố nhiễm bệnh ở người. Thứ nhất, con đường xâm nhập của virus vào cơ thể người có phù hợp không? Thứ hai, mật độ virus có đủ lớn không? Thứ ba, độc lực của virus có mạnh không? Và cuối cùng, sức đề kháng của mỗi người ở mức độ như thế nào?

Thực tế, đã có 1 số đại dịch cúm ở con người như, đại dịch cúm A/H1N1, A/H2N2, A/H3N2. Cúm A/H7N9 có thể bùng phát thành đại dịch trong trường hợp virus H7N9 lây được từ người sang người. Hiên tại, chưa có bằng chứng khoa học để chứng minh H7N9 lây được từ người sang người.

H7N9 là một loại virus mới thâm nhập vào loài người, bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao từ 50-100%. 10 trường hợp nhiễm bệnh ở Trung Quốc đã có 6 người tử vong. Biểu hiện lâm sàng giống với cúm A/H5N1. Bên cạnh đó có một số cảnh bệnh đặc biệt hơn gây tổn thương cơ, tiêu cơ nặng nề, viêm thận, suy tạng nặng nề hơn...”


	Nguy cơ tử vong của dịch cúm A/H7N9 cao từ 50-100%

Nguy cơ tử vong của dịch cúm A/H7N9 cao từ 50-100%

Nguy cơ bùng phát cúm A/H7N9 tại Việt Nam rất cao

Bác sĩ Bùi Vũ huy cũng cho biết, khả năng lây truyền cúm A/H7N9 từ Trung Quốc sang Việt Nam rất cao. Tình trạng nhập lậu, buôn bán gia súc, gia cầm bừa bãi, không có kiểm soát từ Trung Quốc hiện nay là con đường dễ dàng cho dịch cúm A/H7N9 lây lan nhanh chóng.

Cúm A/H5N1 cũng như cúm A/H7N9 chưa có một thông báo chính thức nào là đã có vắc-xin điều trị. Ngay cả với một số loại virus thông thường ở người đã có vắc-xin điều trị cũng luôn luôn biến đổi.

10 ca nhiễm cúm A/H7N9 tại Trung Quốc là những ca bệnh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận. Do là những ca đầu tiên nên kinh nghiệm điều trị còn thiếu. Các bác sĩ chỉ biết điều trị cứu sống bệnh nhân bằng mọi giá. Biến chứng bệnh ở đâu, điều trị ở đấy. Ví dụ, bệnh viêm phổi thì chữa viêm phổi bằng mọi biện pháp như dùng kháng sinh hỗ trợ, thở máy,…

 Cần chủ động phòng tránh bệnh

Để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh cúm A/H7N9, bác sĩ Huy nhấn mạnh, trong lúc dịch xảy ra, cần nghiêm túc không vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới dưới bất cứ hình thức nào. Động vật lành cũng không được vận chuyển, trao đổi.

Con người cũng phải hạn chế đi lại, giao dịch. Về nguyên tắc tại một địa phương có dịch phải khoanh vùng, hạn chế đi lại, giao tiếp để dịch bệnh không lan tràn. Đừng vì lợi ích nhỏ mà mang họa vào thân.

Cần chủ động phòng tránh từ xa. Bộ y tế cần lắng nghe kinh nghiệm phòng tránh cúm của chuyên gia y tế nước bạn để có khuyến cáo phù hợp với nhân dân. Chuẩn bị đối đầu với dịch bệnh nếu xảy ra, phương tiện chữa bệnh, phương tiện bao vây dập dịch.

Cộng đồng cần có thái độ nghiêm túc. Tất cả các ngành cần phối hợp phòng tránh dịch bệnh. Các cá nhân cần nhận thức đúng đắn về dịch bệnh, không nên vì lợi ích cá nhân mà đánh đổi lợi ích chung. Chính quyền địa phương tại chỗ cần phối hợp với các ngành để phòng tránh, ngăn chặn dịch bệnh. Khoanh vùng dịch bệnh và tiêu hủy toàn bộ gia súc, gia cầm trong khu vực có dịch theo tiêu chuẩn dịch tễ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại