Cụ ông 70 tuổi có 2 vợ, 7 con treo cổ tự tử trong cô độc

Có vợ con đuề huề, cuộc sống không đến nỗi khó khăn, nhưng cụ ông ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” lại chọn cho mình cái chết bằng cách treo cổ trong sự cô đơn đến cùng cực .

Ngày 15.8, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết, ông Phạm Văn Thiên (70 tuổi) đã treo cổ tự tử tại địa bàn thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.

Cái chết lúc bình minh

Khoảng 15h ngày 12.8, trong lúc chơi trò trốn tìm, 2 cháu trai Huỳnh Văn Khang (8 tuổi) và Huỳnh Nhật Trường (7 tuổi) đã phát hiện ông Phạm Văn Thiên treo cổ tự tử trong gian bếp của ông Phạm Văn Tấn (53 tuổi, em trai út của ông Thiên). Nhận được trình báo về vụ chết người bất thường xảy ra trên địa bàn, lực lượng Công an huyện Tuy Phước và Công an xã Phước Quang đã có mặt tại hiện trường lập biên bản, lấy lời khai ban đầu của các nhân chứng. Ngay sau đó, phòng pháp y Công an tỉnh Bình Định cũng có mặt để tiến hành khám nghiệm tử thi.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện một tô bún đang ăn dở dang, cạnh đó là túi hành lý đựng quần áo, vật dụng cá nhân, lá thư tuyệt mệnh được phát hiện trong túi áo tử thi được viết bằng chữ nguệch ngoạc với nội dung vì cô đơn, buồn bã nên tự tìm đến cái chết. Theo nhận định của cơ quan công an, thời điểm ông Thiên treo cổ chết là vào sáng cùng ngày, lúc gia đình ông Phạm Văn Tấn đi vắng nhà.

Thi thể ông Thiên được bàn giao cho anh Phạm Văn Cẩn (45 tuổi, con trai cả của ông Thiên) cùng gia đình tổ chức hậu sự. Sau khi hay tin ông Thiên qua đời, 2 người vợ là bà Nguyễn Thị Thế (64 tuổi, mẹ anh Cẩn, ở thôn Nha Lâm, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) và bà Trần Thị Hạnh (60 tuổi, ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cùng các con đã về chịu tang chồng, cha. Được biết, vợ cả (tức bà Thế) có 5 người con với ông Thiên, còn bà Hạnh có với ông 2 mặt con.

Bà Nguyễn Thị Thế - người vợ cả kể lại câu chuyện đời mình.

Đời 2 vợ nhưng cuối cùng vẫn… trắng tay

Tìm hiểu được biết, ông Thiên là người con thứ 4 trong một gia đình nông dân nghèo đông anh chị em. Do gia đình khó khăn, nên việc học của ông Thiên bị gián đoạn. Mặc dù vậy, ông Thiên không lo tìm việc, kiếm tiền phụ giúp gia đình mà thường xuyên tham gia nhậu cùng đám trai làng hư hỏng. Năm ngoài 20 tuổi, ông Thiên đi lính. Khi gia đình ông Thiên chạy tản cư vào TP.Quy Nhơn (Bình Định) thì quen biết với gia đình bà Thế. Cô gái xinh xắn tuổi mười tám đôi mươi đã lọt vào mắt xanh anh lính. Mỗi khi được nghỉ phép dăm ba ngày, anh lính lại tìm về để gặp người “trong mộng”. Tuy nhiên, thấy ông Thiên mùi rượu nồng nặc với khẩu súng trong tay nên bà Thế sợ hãi, tìm cách lẩn tránh. Bị mẹ ép buộc, bà Thế đành chấp thuận lấy ông Thiên làm chồng. Đôi vợ chồng trẻ được cha mẹ ông Thiên cất cho căn nhà nhỏ tại thôn Tri Thiện để ở, 3 đứa con lần lượt chào đời trong thời chiến tranh.

Nhớ về tháng ngày sống trong “địa ngục trần gian” với gã chồng vũ phu mà giọt nước mắt người phụ nữ suốt đời khổ vì chồng con cứ lăn dài trên khuôn mặt phúc hậu. “Thú thực ngày đó tôi không hề yêu thương gì ổng, mà do hoàn cảnh đưa đẩy mới vậy. Bao nhiêu năm trời về làm vợ bấy nhiêu năm tôi phải hứng chịu những tủi nhục đó, đêm ngày ổng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với tôi. Để giữ gìn hạnh phúc, tôi đã nhiều lần khuyên can chồng bớt thói rượu chè, cờ bạc nhưng bị ổng giở thói vũ phu suốt một thời gian dài. Hễ đi lính khỏi nhà thì thôi, khi về là tôi bị no đòn...”, bà Thế kể lại ký ức tủi hờn.

Những tháng ngày sống trong “địa ngục trần gian ấy”, có nhiều lúc bà Thế muốn thoát khỏi người chồng “ác ôn”, nhưng vì thương các con nhỏ dại vắng bàn tay chăm sóc che chở của mẹ, bà đành cắn răng cam chịu. Sau ngày giải phóng, hai người con chung tiếp tục chào đời khi mà cuộc sống gia đình ngày càng rơi vào cảnh khốn khó. Mình bà Thế sớm chiều tảo tần buôn bán nuôi con, nuôi chồng, lúc nông nhàn bà làm bánh tráng bán. Thấu hiểu nỗi đau vật chất lẫn tinh thần của mẹ, những người con lớn lên đều đi tìm việc để đỡ đần gánh nặng cơm áo, gạo tiền cho mẹ.

Trong khi đó, ông Thiên đâm ra đổ đốn, rượu chè, cờ bạc thâu đêm suốt sáng. Rồi của nả trong nhà lần lượt “đội nón ra đi”. Năm 1980, vợ chồng ông Thiên, bà Thế chính thức ly hôn, đường ai nấy đi. Bà Thế nhận nuôi các con, còn ông Thiên về nhà cha mẹ sống với những người anh em ruột của mình. Được biết, sau này bà Thế đi bước nữa, lấy ông Châu Văn Khương (nay 71 tuổi, ở xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định) và có thêm 2 mặt con. Hiện đôi vợ chồng già vẫn sống hạnh phúc bên nhau.

Tuy nhiên, với bản tính bất cần, sống kiếp phong trần nay đây mai đó, sau thời gian “tá túc” với người thân, ông Thiên rời quê hương đi làm thuê kiếm sống, thỉnh thoảng mới về quê hương. Trong lần làm phụ hồ xây dựng công trình tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, Bình Định, ông Thiên quen với bà Trần Thị Hạnh rồi sống với nhau như vợ chồng hờ. Hai người có với nhau 2 người con (1 gái, 1 trai). Sau một thời gian chung sống ở nhà bà Hạnh, người đàn ông này dần bộc lộ chân tướng “vũ phu lưng dài” và quá khứ “đen như mực”.

“Nhiều đêm tôi nằm khóc một mình vì nỗi tủi hờn và khổ tâm mà người chồng mang đến. Lúc đầu, tôi cũng nhẹ nhàng khuyên nhủ, hy vọng ổng thấu hiểu mà thay đổi suy nghĩ, từ bỏ cờ bạc, rượu chè, lo làm ăn, nhưng ổng đều bỏ ngoài tai. Ba mẹ con tôi sống trong chuỗi ngày đau khổ vì những trận đòn vô cớ từ người chồng vũ phu. Không vừa lòng với ai điều gì, ổng lại về lôi vợ con ra đánh đập”, bà Hạnh chia sẻ. Nhằm thoát khỏi cuộc sống “địa ngục” mà người chồng vũ phu gây ra, bà Hạnh cùng hai con từng bỏ nhà ra đi. Sau khi hay tin ông Thiên đã rời nhà tìm đến nghề thợ đụng kiếm sống, mẹ con bà Hạnh mới quay về nhà.

Cũng như bà Thế, khi được hỏi “vì sao không báo chính quyền?”, bà Hạnh phân trần: “Vì thời điểm đó vẫn còn tình nghĩa vợ chồng. Bản thân nhẫn nhịn những trận đòn tàn ác của ổng cũng chỉ vì mong muốn sự nhẫn nhịn của vợ cùng những lời khuyên can của vợ và những người thân khiến ổng có thể bỏ được thói rượu chè, cờ bạc, tu chí làm ăn”.

“Anh Thiên đi làm ăn tứ xứ, gia đình tôi và các anh chị chẳng biết, thỉnh thoảng ảnh mới về thăm và ở mỗi nhà vài ngày rồi lại lên đường. Tháng 6 vừa rồi, ảnh về nhà vợ chồng tôi ở cho đến ngày ảnh mất. Bản tính ảnh nóng nảy, khó tính nên ít ai sống chung được, 2 người vợ và 7 người con cũng không chịu nổi. Khi sống cùng vợ con thì “cơm không lành, canh không ngọt”, trước khi nhắm mắt cũng chẳng có người thân bên cạnh. Khi hay tin ảnh mất, 2 người vợ và các con của anh trai tôi đều về chịu tang, nghĩa tử là nghĩa tận mà”, ông Phạm Văn Tấn chia sẻ.

Anh Phạm Văn Cẩn - con cả của ông Thiên cho biết: “Bản tính cố hữu của bố tôi như vậy thì làm sao thay đổi được. Mẹ tôi hiền hậu, chịu thương chịu khó làm ăn nuôi các con khôn lớn. Mỗi khi bị bố đánh đòn, mẹ chỉ chỉ biết cắn răng chịu đựng nỗi đau mà không hề than vãn, nhiều lúc bị bố đánh nhưng mẹ giấu anh em tôi. May mắn cho mẹ, sau này đi bước nữa và có cuộc sống hạnh phúc ấm êm với cha dượng tôi”.

Ông Phạm Văn Hiền (56 tuổi, ở thôn Tri Thiện, là anh họ của ông Thiên) cho biết: “Bản tính của Thiên ở trong thôn này không ai lạ gì, bình thường không có rượu vào Thiên tỏ ra thân thiện, thật thà, nhưng khi đã uống rượu thì thay đổi nhanh chóng: Ương bướng, không ai chịu nổi. Nhưng có cái tốt là Thiên chưa bao giờ đụng đến con gà trái bí của ai. Đói rượu, đói ăn thì lặn lội đây đó làm ăn chứ không hề trộm cắp. Khi hay tin người thân mất, 2 bà vợ cùng 7 người con đều tập trung đầy đủ lo hậu sự. Các con đều có hiếu chứ không hắt hủi cha mình. Tự Thiên tìm cách sống đơn thân, khi chết cũng tự mình quyết định”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại