“Cọp xám Tây Nguyên” trả lại “vàng” cho 50 ha rừng Ba Vì

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Trong con người của “đại ca” Hoàng Thân luôn cháy bỏng ước mơ: mang lại màu xanh cho rừng núi. Mặc dù ước mơ đó cần lắm thời gian và công sức trong đó có cả sự hi sinh.

Người trả lại màu xanh cho rừng

Người mà tôi muốn nhắc tới đó là Hoàng Thân, người đang làm chủ 50ha rừng ở vườn quốc gia Ba Vì. 20 năm trước, mỗi khi nhắc tới Hoàng Thân, người ta thường nhắc tới “đại ca” của bãi khai thác vàng sa khoáng sản ở Lũng Cua (cốt 400 Ba Vì). Năm 1991, Hoàng Thân bỗng dưng giải tán 43 bưởng vàng, với đội đào vàng hàng nghìn người gồm rất nhiều người “cộm cán”, thậm chí có lúc bị de dọa cả tính mạng, rồi đi trồng rừng.

Và 20 năm sau, người đời nhắc tới Hoàng Thân là nhắc tới người đã phủ xanh 50ha rừng với bạt ngàn những cây mơ, bạch đàn, cây chè... mà trước đây là những bãi vàng bị đào nham nhở và là hậu quả của cả việc con người chặt phá rừng. của vườn quốc gia Ba Vì. Đây là dự án do Nhà nước giao cho.

“Cọp xám Tây Nguyên” trả lại “vàng” cho 50 ha rừng Ba Vì
"Đại ca" Hoàng Thân đang chăm chú đọc tờ báo được người bạn dưới xuôi mang lên tặng.

Căn nhà xây bằng đá rộng chừng 80m2 của vợ chồng Hoàng Thân gần 20 năm ấy vẫn nằm lặng lẽ, được che chở bởi những tán lá rừng. Ở đó, khi hỏi về điện, Hoàng Thân chỉ cười: Xung quanh là rừng núi, không có điện. Dùng năng lượng tự tạo, nước sạch cũng rất thiếu thốn.

Với Hoàng Thân, dường như ông sinh ra là để gắn bó với núi rừng. Mẹ mất sớm, bố một mình nuôi 8 anh em. Bốn anh trước của ông đều đi bộ đội. Học tập các anh, ông cũng lên đường vào Nam chiến đấu. Năm 1973, khi đó mới tròn 17 tuổi và học hết lớp 7, Hoàng Thân tham gia quân đội và được điều về đội đặc nhiệm, sư đoàn 773, Quân khu 5, Tây Nguyên. Trước khi vào quân đội, Hoàng Thân đã là tay tinh thông võ nghệ do học lỏm được từ bộ đội đặc công đóng quân và tập luyện sau vườn nhà. Thế nên, vào quân ngũ, ông trở thành lính trinh sát giỏi của Sư đoàn. Cả sư đoàn biết tên nhưng không ai biết mặt ông bởi 9 năm ở trong quân ngũ ông không được mặc áo quân phục, chuyên nằm rừng để tiêu diệt địch.

Vì vậy, dù từng trải ở nhiều nơi từ quê nhà Phúc Thọ cho tới Tây Nguyên để làm lính đặc nhiệm. Và ở mảnh đất này, người đời gọi ông là “cọp xám đường Tám, Tây Nguyên”, nhưng cuối cùng Hoàng Thân vẫn về với núi rừng Ba Vì để làm công nhân đào vàng, sau đó để thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng của Đảng và Nhà nước, trả lại “vàng” cho gần 50ha rừng. “Giao cho ai cũng đều là trách nhiệm của công dân và đều phải thực hiện, coi đó là tài sản, là trách nhiệm của mình”, Hoàng Thân nói.

Một trong những bưởng vàng trước đây, nằm ngay sát ngôi nhà của Hoàng Thân.
Một trong những bưởng vàng trước đây, nằm ngay sát ngôi nhà của Hoàng Thân.

 

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, người “đồng hành” với chúng tôi trên quãng đường tìm gặp Hoàng Thân, nói thêm vào câu chuyện: “Khi “đại ca” Hoàng Thân ra quyết định giải tán 43 bưởng vàng cũng phải trăn trở nhiều lắm vì đây là miếng cơm manh áo của dân đào vàng. Lúc ấy, nhiều người không phục, còn mắng Hoàng Thân vì cho rằng “ăn mảnh”. Một số bưởng cộm cán gần trăm người còn đòi ăn thua và thuê người tới “thanh toán” Hoàng Thân.

Nhưng khi biết người đứng trước mặt quyết định giải tán 43 bưởng vàng ấy lại chính là “đại ca” Hoàng Thân, họ đã biết mình sai và cũng dần “tâm phục, khẩu phục” thôi. “Cọp xám” xuống núi đấy”.

Con đường 478 bậc đá nằm trong khu rừng 50ha, dẫn lên đền thờ công chúa Ngọc Hoa
Con đường 478 bậc đá nằm trong khu rừng 50ha, dẫn lên đền thờ công chúa Ngọc Hoa

 

Sau đó, ông Bảo chỉ cho chúng tôi con đường dẫn lên với khu “rừng vàng” mà 20 năm qua, Hoàng Thân đã miệt mài gây dựng. Những cây bương đang được ươm giống cũng đang vươn mình đầy sức sống. 478 bậc đá được hai vợ chồng Hoàng Thân, cứ khi rảnh rỗi lại xếp bậc, trồng cây để làm rừng. Giờ con đường đó đã kiên cố và là con đường nối thẳng lên với đền thờ công chúa Ngọc Hoa (vợ của thánh Tản Viên). Hiện nay, đền thờ này đang có dự án cải tạo, xây dựng mới.

“Tâm nguyện của tôi là nếu trời cho thiên thời địa lợi nhân hoà, tôi sẽ làm cho muôn dân. Tôi làm ở chỗ này với mong muốn mọi người lúc nào buồn hoặc bực nhất có thể tìm tới đó để tạ tội với trời. Và họ tới một lần sẽ muốn tới lần nữa. Đó là tâm niệm của cá nhân tôi”, Hoàng Thân chia sẻ.

Mỗi ngày đọc 3 trang báo

Năm tháng gắn bó với núi rừng của Hoàng Thân có lẽ chiếm phần đa cuộc đời. Thế nhưng đứng trước chúng tôi, người đàn ông với nước da đen xạm từng trải, mái tóc dài bó gọn sau lưng ấy lại có sự am hiểu chính trị khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Hoàng Thân kể, những ngày đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hai vợ chồng ông cũng xuống xuôi chỉ để được vào viếng Đại tướng. Khi tâm nguyện đã hoàn thành, họ lại trở về với cuộc sống núi rừng, với những đàn gà, con lợn… và 50ha rừng.

Và ở sâu trong con người “đại ca” ấy, người ta còn tìm thấy tình yêu và trách nhiệm với vợ con.

Phạm Thị Nghĩa vẫn được mọi người nhắc tới như bóng hồng phía sau “đại ca”. Hai vợ chồng hơn kém nhau 17 tuổi nhưng giữa họ, chưa bao giờ khoảng cách về tuổi tác khiến tình cảm của họ bị lung lạc.

Nghĩa, một cô gái xinh xắn, ưa nhìn, là “tiểu thư" nhưng vì “mê” sự rắn rỏi, từng trải, “mê” cái khí chất của “đại ca” Hoàng Thân, nên mặc dù gia đình phản đối, cô vẫn quyết tâm ở lại rừng gắn bó đời mình với Hoàng Thân. Và hàng ngày làm công việc của một người phụ nữ gia đình, người mẹ của ba đứa con, để “đại ca” chuyên tâm làm tròn trách nhiệm với rừng và non cao.

Chị Nghĩa say sưa đọc những tờ báo cũ được mang lên từ dưới xuôi
Chị Nghĩa say sưa đọc những tờ báo cũ được mang lên từ dưới xuôi

Trong cách nói chuyện của mình, chị Nghĩa luôn thể hiện được cái “tầm” chính trị của một người xuất thân “hoàng tộc”. Ở giữa non cao, tưởng đâu, cái quý nhất với họ là một thứ gì đó liên quan tới vật chất. Nhưng theo lời ông Bảo, ngay từ khi xe của chúng tôi lăn bánh để vượt quãng đường gần 60km tìm tới với gia đình Hoàng Thân, thì cái mà họ rất quý đó chính là những trang báo. Chẳng thế mà, lần nào lên đó ông cũng mang theo cả xấp báo, tạp chí cũ.

“Tôi chỉ giao cho vợ một ngày đọc ba trang báo, một tuần đọc 3kg báo. Đọc để hiểu về pháp luật, hiểu về lòng người, để mở mang trí tuệ”, Hoàng Thân cười.

Không chỉ trả lại màu xanh cho núi rừng, Hoàng Thân còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân lao động. Trong số họ, hầu hết đều là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Và hàng ngày, rừng xanh Ba Vì vẫn hát những khúc ca sinh sôi. Còn với Hoàng Thân, “đại ca” gác kiếm trồng rừng, thì mơ ước vẫn đốt cháy tâm khản của ông chính là phủ xanh lại rừng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại