Cô gái Mường tủi nhục vì 24 năm đeo "hậu môn" trên bụng

Suốt 24 năm qua, dù chăm chỉ, nết na, nhưng cô gái người Mường Bùi Thị Hằng vẫn phải sống trong nỗi tủi nhục, cay đắng, không dám “ngẩng mặt nhìn đời” vì chiếc "hậu môn" dị thường.

Tuổi thơ dữ dội

Ngôi nhà ngói thấp lè tè của gia đình Hằng nằm lọt thỏm giữa những bãi mía xanh bạt ngàn bên triền đê, tách biệt với bản làng Mỹ Lợi, xã Thành Vinh (Thạch Thành, Thanh Hóa). Vừa thấy người lạ, cô gái vội bỏ chạy ra sau vườn.

Bà Trương Thị Xuân (44 tuổi, mẹ của Hằng) cho biết: "Từ nhỏ tới lớn, cứ mỗi lần có khách tới nhà, nó thường xấu hổ bỏ chạy đi trốn. Nó sợ mọi người hỏi han về chiếc hậu môn dị thường". Nén nỗi đau trong lòng, bà Xuân kể về hoàn cảnh éo le của gia đình. Năm 1988, Xuân kết duyên với một thanh niên làng bên là Bùi Văn Hạ (bố Hằng), cả hai đều là người dân tộc Mường.

Ngày đó đói nghèo, đôi vợ chồng trẻ cưới nhau về không có một tấc đất cắm dùi. Vợ chồng bà vay mượn làng nước dựng tạm túp lều ngoài đê để lấy chỗ che mưa che nắng. Với sự chăm chỉ, cần mẫn, đôi vợ chồng trẻ nhận thêm vài mẫu đất đồi để trồng mía, trồng rau. Vài năm sau, khi kinh tế gia đình đỡ túng bấn, họ mới tính đến chuyện sinh con đẻ cái.

Bà Xuân nhớ lại: Năm 1990, bà mới sinh đặng được bé Hằng. Lúc lọt lòng, Hằng bụ bẫm, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, em là niềm vui của đôi vợ chồng trẻ, của dòng họ Bùi. Thế nhưng thật trớ trêu, ngày Hằng chào đời cũng là ngày mẹ khóc nhiều nhất vì đứa con gái đầu lòng không có hậu môn.

Mỗi lần mẹ cho bú, Hằng đều khóc thét lên vì đau bụng. Có lần đau quá, Hằng khóc lịm đi. Mới đầu, vợ chồng bà chủ quan nghĩ rằng con khóc dạ đề. Thế nhưng, cơn đau mỗi lúc một quặn lại, bà bèn địu con đi bộ hơn 4 cây số đường rừng để xuống trạm xá. Và rồi vợ chồng bà đứng tim khi nghe tin con gái bị dị tật hậu môn bẩm sinh. Lo sợ cho tính mạng của con, ông Hạ vội về nhà vay mượn anh em ít tiền để đưa con lên bệnh viện đa khoa tỉnh phẫu thuật.

Bà Xuân cho biết: "Ngày đó gia tài chẳng có gì để cầm cố ngoài túp lều tranh. Để có tiền đưa con nhập viện, vợ chồng tôi vay anh em trong họ và ngân hàng 30 triệu đồng".

Thật trớ trêu, mỗi khi no bụng cũng là lúc bé Hằng khóc lịm đi vì không có đường thải. Lặn lội đường xa tới bệnh viện, song lúc đó bé Hằng còn quá nhỏ, không đủ sức đề kháng, phải đợi 6 tháng nữa mới phẫu thuật được. Giải pháp tạm thời để cứu sống bé Hằng lúc bấy giờ là gắn lỗ "hậu môn giả" trên bụng.

Do điều kiện gia đình khó khăn, không đủ sức để nuôi con trong viện, nên vợ chồng bà Xuân làm thủ tục chuyển bé Hằng về nhà chăm sóc. Trong thời gian điều trị tại nhà, vợ chồng bà lại phải xoay sở lo số tiền gần 100 triệu đồng để phẫu thuật tiếp cho con. Gánh nặng đổ dồn lên vai đôi vợ chồng trẻ. Hàng ngày, ông Hạ đi làm cửu vạn để kiếm tiền còn bà Xuân ở nhà chăm con.

Bà Xuân rưng rưng nước mắt: "Lúc đó, sắp tới ngày phẫu thuật cho con mà vợ chồng tôi vẫn chưa lo nổi số tiền gần 100 triệu đồng. Anh em, làng nước gom cả cũng chỉ được vài chục triệu. Trong lúc túng quẫn, nhà tôi đã phải đem bán vội 1 đôi trâu và 3 sào đất đồi, đồng thời làm sổ vay ngân hàng gần 50 triệu nữa. Vợ chồng tôi động viên nhau, sẽ tìm mọi cách để cứu con dù có tốn kém đến mấy".

Tới ngày phẫu thuật, vợ chồng đưa con xuống bệnh viện tỉnh. Ca phẫu thuật lần này khác lần trước ở chỗ tháo bỏ lỗ hậu môn giả và đặt lỗ hậu môn thật trên bụng nhằm duy trì sự sống lâu dài cho đứa trẻ. Tuy nhiên, việc phẫu thuật gắn lỗ hậu môn trên bụng của Hằng cũng chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài là phải phẫu thuật đặt lại đúng vị trí hậu môn.

Phẫu thuật xong, bệnh tình của Hằng cũng thuyên giảm, cuộc sống đỡ cơ cực hơn. Vợ chồng Xuân Hạ như có thêm động lực mới, họ quyết định sinh thêm 3 người con nữa. Hàng ngày, bà Xuân và bé Hằng đảm đương việc đồi nương, đồng áng, còn 3 đứa em trai nhỏ học hết lớp 7 rồi vào Nam đi làm công nhân.

Mặc dù sinh ra không được lành lặn như chúng bạn, nhưng Hằng vẫn cố vươn lên trong học tập. Suốt quãng thời gian tới trường, năm nào Hằng cũng thuộc diện học sinh khá. Thế nhưng, cũng vì nhà nghèo nên em chỉ học hết cấp 2 rồi theo mẹ lên nương làm rẫy.

Món nợ cuộc đời

Suốt cuộc chuyện trò, Hằng vẫn trốn ở bên chái nhà. Em lánh mặt chúng tôi cho tới khi bà Xuân cầm tay dắt vào nhà. Ngồi nép vào góc giường một hồi lâu, Hằng mới dám ngẩng mặt chuyện trò. Nhớ lại thời ấu thơ, khi còn cắp sách tới trường, không biết bao nhiêu lần Hằng có ý định nghỉ học vì chúng bạn trêu đùa, mỉa mai là đứa không có hậu môn.

Hằng rầu rĩ kể lại: "Em rất khó chịu mỗi khi bạn bè trêu chọc gọi em bằng những cái tên độc địa "Hằng thối", "Hằng tắc tị". Bị các bạn trong lớp chế giễu, cách li, em tủi lắm, chỉ muốn bỏ học. Ngay cả việc đi vệ sinh ở trường em cũng không dám đi vì sợ chúng bạn rình mò. Mấy đứa bạn biến em thành trò đùa cho cả trường. Năm đó, em học lớp 7, một đứa bạn trêu đùa ác ý đã tốc ngược áo em để xem chiếc hậu môn "mọc nhầm" như thế nào. Nghĩ tủi thân, xấu hổ với bạn bè nên em nghỉ học giữa chừng. Một năm sau, cô giáo chủ nhiệm và gia đình động viên, em mới trở lại trường. Học hết lớp 9 thì em nghỉ hẳn".

Hai mẹ con Hằng kể về hoàn cảnh éo le của gia đình.

Dù có đôi lúc tủi phận, nhưng chưa bao giờ Hằng đầu hàng số phận. Hằng là một cô gái có nghị lực, chăm chỉ, hiền lành, em làm việc gì cũng khéo léo, từ thêu thùa may vá cho đến vẽ tranh. Những bức tranh thêu treo tường đều do em tự tay làm. Hàng ngày, trước khi lên nương làm rẫy, Hằng tranh thủ đi kiếm củi, gùi nước, giặt giũ quần áo giúp cha mẹ.

Thời gian nông nhàn, Hằng còn nuôi ngan, vịt, thêu tranh… Em làm mọi việc để kiếm thêm thu nhập, giúp bố mẹ trả nợ. Cách đây 2 năm, bố Hằng bị trật khớp vai không thể tiếp tục nghề cửu vạn được nữa. Thương bố làm lụng vất vả lại đau khớp thường xuyên, Hằng xin bố mẹ vào nam với những mong cải thiện phần nào hoàn cảnh gia đình, nhưng gia đình không đồng ý vì sợ Hằng sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống.

Thời gian lặng lẽ trôi đi, bé Hằng nhỏ xíu, dặt dẹo ngày nào giờ đã trở thành một cô thôn nữ xinh đẹp nhất nhì ở bản Mường này. Thế nhưng, cũng vì những lời bàn tán, dị nghị về Hằng mà trai làng không ai dám tới thăm hỏi. Năm nay 24 tuổi nhưng Hằng vẫn chưa có một mối tình vắt vai hay một đám dặm hỏi nào. Hằng nói trong tiếng nấc: "Em bị như thế này thì ai dám lấy. Mong ước của em là có đủ tiền phẫu thuật để khỏe mạnh trở lại như người bình thường. Có như vậy, em mới đỡ đần cha mẹ và các em được".

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó chủ tịch UBND xã Thành Vinh chia sẻ: “Gia đình anh Bùi Văn Hạ thuộc diện khó khăn của xã. Cách đây vài năm xã có quyên góp xây một căn nhà cấp 4, đồng thời xét duyệt chế độ hộ nghèo cho gia đình anh. Cả vùng biết đến trường hợp của con bé Hằng, ai cũng thương tình, nhưng ở bản nghèo này chẳng giúp được gì cả. Cho đến nay, gia đình anh Hạ vẫn chưa có đủ tiền để phẫu thuật cho con. Rất mong xã hội hãy dành sự quan tâm đặc biệt tới trường hợp đáng thương này".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại