"Chắc chắn Võ Nguyên Giáp là quán quân về hồi ức lịch sử"

Bạch Dương (TH) |

(Soha.vn) - Trước khi trở thành một chính trị gia và tướng lĩnh quân sự nổi bật trong lịch sử Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng là một nhà giáo dạy sử.

Con đường trở thành giáo viên dạy lịch sử của Đại tướng

Năm 1925, Võ Nguyên Giáp tới Huế và thi đậu loại khá vào trường Quốc học Huế. Ông bước vào cổng trường Quốc học Huế đúng vào lúc diễn ra phong trào đấu tranh của nông dân, các tầng lớp trí thức, học sinh Trung kỳ đòi giảm sưu cao, thuế nặng, đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, đòi được để tang nhà yêu nước cách mạng Phan Chu Trinh. Võ Nguyên Giáp nhanh chóng hòa nhập ngay vào phong trào đấu tranh đó.

Từ năm 1929, Võ Nguyên Giáp trở thành một trong những thành viên trong nhóm hạt nhân của Đảng Tân Việt. Với tư cách là Tổng biên tập báo Tiếng dân, Đào Duy Anh giới thiệu Võ Nguyên Giáp với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Võ Nguyên Giáp làm biên tập viên cho báo Tiếng dân, tờ báo đầu tiên ở Trung Kỳ có xu hướng tiến bộ do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương ra mắt bạn đọc vào tháng 7/1928.

	Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sau cuộc khởi nghĩa Xô viết - Nghệ Tĩnh bị thất bại, thực dân Pháp ra sức khủng bố trắng. Tháng 10 năm 1930, Võ Nguyên Giáp cùng với nhiều người bị bắt, trong đó có thầy Đặng Thai Mai và một số bạn ở trường Quốc học Huế. Võ Nguyên Giáp bị kết án hai năm tù giam.

Cuối năm 1930, do Hội Cứu tế đỏ của Pháp đấu tranh đòi thả tù chính trị. Chính quyền Pháp ở Đông Dương buộc lòng phải nhượng bộ, thả một số tù chính trị, trong đó có Võ Nguyên Giáp và Đặng Thai Mai. Thầy Mai thôi dạy trường Quốc học Huế, trở về Vinh, Nghệ An còn Võ Nguyên Giáp bị giải về quản thúc ở quê nhà.

Võ Nguyên Giáp chỉ về quê một thời gian ngắn rồi tìm cách ra Vinh để tiếp tục chí hướng của mình. Với sự giúp đỡ của thầy Mai, ông đã kiếm được việc làm tạm thời.

Năm 1932, thầy Đặng Thai Mai chuyển ra dạy học ở Hà Nội, Võ Nguyên Giáp cũng ra theo thầy. Việc học bị gián đoạn nên khi ra tới Hà Nội, Võ Nguyên Giáp quyết định dành 10 tháng để học, dự thi lấy bằng tú tài phần nhất với tư cách thí sinh tự do và đã đỗ hạng ưu.

Tháng 5 năm 1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc nhà trường, cùng với thầy Đặng Thai Mai. Học trò của thầy Mai, thầy Giáp sau này nhiều người đỗ đạt cao, trở thành những nhà trí thức có uy tín và có người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Võ Nguyên Giáp - Danh tướng am tường sử học

Vừa là nhà sử học vừa là nhà quân sự, tư duy sử học đã giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp có những quyết đoán quan trọng trong chỉ huy kháng chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giành lại trọn vẹn độc lập quốc gia và thống nhất Tổ quốc. Đại tướng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thiên tài quân sự, một anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn.

Đại tướng cho rằng, sự gặp nhau giữa quân sự và sử học là phải tôn trọng lịch sử, phải nhìn nhận đúng sự thật dù cho là sự thật cay đắng, đau xót, là phải xem xét mọi sự việc trên quan điểm lịch sử với sự vận động biện chứng của nó.

Trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều lần kháng chiến bảo vệ đất nước và khởi nghĩa giành lại đất nước, để lại một kho tàng kinh nghiệm vô cùng phong phú, sáng tạo. Nhưng từ kinh nghiệm đó, tổng kết nêu lên thành một hệ thống quan điểm phản ánh tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam thì không mấy nhà quân sự làm được.

	Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà báo Catherine Karnow năm 1994

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà báo Catherine Karnow năm 1994

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà quân sự rất hiếm hoi, không những đã chỉ huy cuộc kháng chiến mà còn tiến hành tổng kết được kinh nghiệm của chiến tranh, để lại một số tác phẩm có giá trị như binh thư hiện đại. Đó là tác phẩm “Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng”, “Vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân”, “Chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”.

Đại tá, Phó giáo sư Nguyễn Văn Chung, nguyên Chủ nhiệm khoa Sư phạm quân sự, Đại học Chính trị nhớ lại: “Khi làm đề tài tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Đại tướng đã bỏ ra mấy năm để suy nghĩ và chỉ đạo chúng tôi viết về đề tài đó. Có những chương Đại tướng rất công phu như chương nói về tư tưởng sáng tạo của Hồ Chí Minh so với Các Mác, Lênin sáng tạo ở chỗ nào; hay như chương Đạo đức nhân văn và văn hóa Hồ Chí Minh - đó là một chương rất khó phải đi từ khái quát lịch sử đế khái quát những vấn đề Các Mác, Lênin và những vấn đề trong thực tiến Việt Nam hiện nay. Có những lúc chúng tôi viết thành bài rồi đưa Đại tướng, anh sửa đi sửa lại đến 4, 5 lần, có khi quên cả ăn”.

Nhà nghiên cứu lịch sử, Dương Trung Quốc: "Chắc chắn, Võ Nguyên Giáp sẽ là người giật giải quán quân về viết hồi ức lịch sử. Khác với nhiều nhà hoạt động cách mạng khác, khi buông dần những công việc chính trường, Ông thực sự giành tâm lực cho việc tổng kết lịch sử và lấy chính trải nghiệm của mình để tìm ra những bài học.

Không kể tới những công trình chính luận đóng góp vào tổng kết sự nghiệp cách mạng mà ông là một yếu nhân, đặc biệt là tổng kết chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc mà ông là Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giành rất nhiều công sức để viết hồi ức của mình, điều mà mọi chính khách hiện đại đều làm. Nhưng khác mọi người, ông viết hồi ức với tất cả các tình tiết riêng tư, kể cả những rung động tình cảm của mình nhưng lại để nói đến cả một dân tộc, một thời đại và một con người mà ông luôn coi là người Thầy vĩ đại của mình: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Viết lịch sử hay hồi ức Ông đều luôn đặt lên hàng đầu tính trung thực".

TIN MỚI NHÂT VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP:

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại