"Cây giết người" ở HN: "Chúng tôi chỉ biết khi báo chí thông tin"

Nguyễn Huệ - Thế Long |

(Soha.vn) - Để đi đến quyết định cắt sửa, chặt hạ một cây xanh, dù đó là cây xanh có dấu hiệu mối mọt, đổ ngã được người dân phản ánh lên... cũng phải qua rất nhiều cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép mới được tiến hành.

Chưa nhận được thông báo chính thức từ người dân

Sau sự việc liên quan tới vụ tai nạn do cây muồng trước ngõ 101, đường Bà Triệu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bất ngờ đổ chắn ngang đường, trong tình trạng mưa lớn khiến người đàn ông đi xe máy không xử lý kịp, đâm thẳng vào thân cây ngã xuống đường và tử vong, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với anh Nguyễn Đức Mạnh, Phó phụ trách phòng Kế hoạch Tổng hợp, Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội để nghe những “trần tình” liên quan tới sự việc này.

Cây đổ gây chết người được cưa ra nhiều khúc
Cây đổ gây chết người được cưa ra nhiều khúc

PV: Theo phản ánh của người dân ở khu vực Bà Triệu thì trước đó một tuần, cây muồng này đã bị nghiêng, ngả vào đường dây điện, người dân đã kiến nghị nhưng nhân viên Công ty vẫn chưa xử lý. Về phía Công ty cây xanh đã nhận được kiến nghị đó chưa?

Anh Nguyễn Đức Mạnh: Ở đây có nhiều tổng đài nghe. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra lại các thông tin được phản ánh lên tổng đài trong thời gian đó. Bản thân tôi cũng ghi nhận là chưa nhận được phản ánh chính thức của người dân khu vực đường Bà Triệu về thực trạng của cây muồng mang số 233.

PV: Chưa nhận được thông báo chính thức của người dân nhưng bên phía công ty vẫn tiến hành kiểm tra định kì?

Anh Nguyễn Đức Mạnh: Chúng tôi vẫn cho nhân viên của công ty tiến hành kiểm tra định kì hàng tuần cây xanh trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, hàng ngày có  khảo sát nhằm phát hiện cây đổ, cây nghiêng. Tuy nhiên, cây xanh không giống như cột điện hay hố ga, cũng không phải là về lĩnh vực xây dựng cơ bản để có thể đánh giá được ngay thực trạng bằng mắt thường. Cây xanh là một sự sống. Do đó, nó phát triển phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên trong đó có cả mưa bão. Có những trường hợp hôm nay vẫn bình thường chưa phải xử lý nhưng sau một trận gió to, ngập lụt, nước dâng... cây đã khác.

Anh Nguyễn Đức Mạnh, Phó phụ trách phòng Kế hoạch Tổng hợp, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội.
Anh Nguyễn Đức Mạnh, Phó phụ trách phòng Kế hoạch Tổng hợp, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội.

PV: Thời điểm phía Công ty phát hiện ra cây trên đường Bà Triệu bị đổ cũng như sự việc một người tử vong sau khi tông xe máy vào cây đổ ấy?

Anh Nguyễn Đức Mạnh: Trong thời gian xảy ra cơn bão số 6, thực hiện công điện của UBND Thành phố, Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng phòng, chống lụt bão của Công ty trực trong điều kiện mưa to gió lớn. Đúng 2h15 ngày 8/8, chúng tôi nhận được thông tin trên đường Bà Triệu có cây đổ. Ngay lập tức, chúng tôi đã cử một đồng chí ra quan sát hiện trường và tiến hành giải tỏa. Đến khoảng 3h sáng thì công tác giải tỏa được thực hiện xong và tổ giải tỏa không phát hiện thấy có hiện tượng gì bất thường. Tới thời điểm sáng hôm đó, chúng tôi cũng không nhận được thông báo gì về hiện tượng bất thường xảy ra quanh khu vực cây đổ ở đường Bà Triệu. Chúng tôi biết được là khi báo chí thông tin về sự việc này.

PV: Những kết luận về thực trạng của cây sau khi đổ?

Anh Nguyễn Đức Mạnh: Trước tiên tôi khẳng định, cây đổ đó là cây muồng đường kính khoảng 25cm chứ không phải cây xà cừ như một số báo đã đưa, đây cũng không phải cây nặng tán mà là cây phát triển bình thường, không có hiện tượng mối mọt.

PV: Và phía Công ty đã có liên hệ với gia đình nạn nhân để cùng khắc phục sự việc đáng tiếc xảy ra?

Anh Nguyễn Đức Mạnh: Phía lãnh đạo Công ty đã tới thăm hỏi, động viên gia đình. Đây là sự việc đáng tiếc. Qua sự việc này chúng tôi cũng rút ra cho mình bài học kinh nghiệm: Công tác cắt sửa, tỉa cây cần tăng cường và chúng tôi đang đề xuất sẽ tiến hành vào mùa đông và mùa xuân.

Đồng thời, chúng tôi cũng đề xuất việc trồng mới các cây ở các tuyến phố, xác định không trồng mới xà cừ và hạn chế trồng cây muồng. Thay vào đó sẽ trồng những cây rễ cọc, ít đổ gẫy, có khả năng đứng vững trong mùa mưa bão như sấu, bằng lăng...

Nhưng bài toán đặt ra ở đây là với những cây đã được trồng lâu năm thì việc chặt bỏ cũng như trồng mới mà không có cây đó trong danh mục thì ngoài giá trị về môi trường, môi sinh còn mang giá trị cảnh quan kiến trúc, giá trị lịch sử...

Một cây nhiều cửa

PV: Anh có thể chia sẻ về quy trình để chặt hạ một cây xanh?

Anh Nguyễn Đức Mạnh: Nói đến quy trình cắt sửa hay chặt hạ một cây xanh trên địa bàn Thành phố, chúng tôi rất cần tiếng nói đồng cảm từ phía cộng đồng. Bởi lẽ, việc quyết định căt sửa, chặt hạ một cây xanh không phải chỉ có quyết định từ một phía là Công ty cây xanh chúng tôi.

Muốn cắt sửa phải có Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị đi kiểm tra, thẩm định và cho phép thì Công ty công viên cây xanh mới tiến hành cắt sửa. Trước khi cắt sửa tại địa bàn phải vào phường báo cắt sửa để xin xác nhận của phường. Cắt sửa cây xong, chúng tôi lại phải xin xác nhận của phường là đã làm xong. Trong trường hợp Ban quản lý dự án hạ tầng đô thị cho phép nhưng phía phường không cho phép cắt sửa thì bên Công ty cũng không được phép tiến hành.

Với những cây phải tiến hành chặt hạ, Công ty công viên cây xanh cũng tiến hành khảo sát thực trạng. Sau đó, tổ công tác xác thực tình trạng chất lượng cây xanh và thẩm định cây này được phép chặt hạ hay không. Quá trình cấp giấy phép, tổ công tác không những phải thẩm định mà biên bản đó phải chuyển trở lại Ủy ban nhân dân phường xác nhận mới có giá trị và chuyển lên Sở Xây dựng mới được cấp phép để tiến hành chặt hạ cây xanh đó.

PV: Những biện pháp để hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro xảy ra trong mưa bão nói riêng và trong cuộc sống nói chung mà hiện tượng cây đổ mang tới?

Anh Nguyễn Đức Mạnh: Để khắc phục tới mức thấp nhất những rủi ro xảy tới do cây xanh đổ, gẫy... cần có sự phối hợp tích cực của ban trong công ty. Đồng thời, chúng tôi sẽ có kế hoạch định kì kiểm tra thực trạng cây xanh trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, cũng phụ thuộc từng thời điểm để tăng cường công tác kiểm tra.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại