Cầu Đuống - Cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam

Quang Hùng |

Ít ai biết rằng, ở Hà Nội đã từng có 1 cây cầu có thể quay được tương tự như cây cầu sông Hàn hiện nay. Và nó xuất hiện từ cả... trăm năm về trước.

Trong hơn chục năm qua, người Đà Nẵng vẫn tự hào vì đang sở hữu 1 “kỳ quan” trên sông Hàn, đó là cây cầu quay sông Hàn. Và quả thực với tất cả mọi du khách mỗi lần đến Đà Nẵng, được may mắn 1 lần ngắm cầu sông Hàn quay là một điều may mắn... Cho đến nay, cây cầu độc đáo này vẫn là cầu quay duy nhất ở Việt Nam.

Cầu Đuống hiện nay

Thế nhưng, ít ai biết rằng, ở Hà Nội đã từng có 1 cây cầu có thể quay được tương tự như cây cầu sông Hàn hiện nay. Và nó xuất hiện từ cả... trăm năm trước, “cùng thời” với cầu Long Biên nổi tiếng. Đó là cầu Đuống. Tuy nhiên, hiện nay, những tư liệu về lịch sử về cây cầu độc đáo này cũng không còn nhiều.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh, cầu bị tàn phá nặng nề và những dấu tích cũ của cây cầu trăm tuổi cũng không còn. Có thể nhiều người cho đây là một cây cầu nhỏ, nhưng thực sự với vị trí của nó, cầu Đuống đã và vẫn là một cây cầu với vị trí chiến lược phục vụ giao thông trên tuyến quốc lộ 1A cũ lên các tỉnh phía Bắc.

Khởi thủy, cầu Đuống là một cây cầu đường bộ được người Pháp xây dựng bắc qua sông Đuống... Năm 1902 là năm khánh thành cầu Long Biên, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, thì tại một nhánh sông Đuống, một cây cầu sắt cũng được khánh thành nối liền Hà Nội với một số tỉnh phía Bắc...

Khi xây dựng, cầu có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ cầu. Các mố và trụ có móng bằng giếng chìm, có khả năng chịu đựng lưu lượng dòng chảy là 4.500m3/s. Đặc biệt trụ chính đỡ nhịp giữa cầu có thể xoay được, để mỗi khi có tàu bè qua lại, phần nhịp giữa này sẽ xoay ngang để giúp qua lại dễ dàng. Cầu bắc chéo dòng chảy của sông một góc khoảng 450.

Trải qua một quãng thời gian dài phục việc đi lại của người dân lên các tỉnh phía bắc đặc biệt là tuyến Hà Nội – Lạng Sơn cây cầu đã góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế xã hội...

Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu Đuống bị máy bay Mỹ ném bom trúng khiến cây cầu gần như biến mất, chỉ còn lại những mố cầu ở 2 đầu. Sau chiến tranh, cầu được xây lại ở đúng vị trí cũ. Đến năm 1981 cầu hoàn thành và làm lễ thông xe.

Tuy nhiên, do nhu cầu thực tế, cầu đã được thiết kế và xây mới lại hoàn toàn khác hẳn cây cầu cũ. Cầu không còn các trụ số 2 và 4, nghĩa là cầu chỉ còn 3 trụ, để tạo thuận lợi cho thuyền bè qua lại.

Dầm cầu làm bằng hợp kim thép do Trung Quốc chế tạo riêng cho cầu Đuống. Mặt cầu làm từ các bản bê tông cốt thép. Cầu được thiết kế cho các xe có trọng tải trục trước 3,9 tấn và trục sau 9,1 tấn. Với chiều dài là 225 mét.

Cầu cũng được thiết kế là cầu đường sắt giống như cầu Long Biên, với đường sắt trên cầu là loại đường sắt đơn khổ 1.435 mm, chạy chính giữa cầu. Hai bên là làn đường cho các phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ đi lại... Cầu Đuống (nối Hà Nội với Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn trên quốc lộ 1 và Thái Nguyên trên quốc lộ 3), với thiết kế ban đầu dành cho xe có tải trọng tối đa 30 tấn.

Một vài năm trước, cầu Đuống do phải chịu tải trọng của các xe vận tải cỡ lớn chạy qua thường xuyên nên có nguy cơ hư hỏng nặng khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc và chấn chỉnh lại hoạt động của các phương tiện này đi qua cầu. Đồng thời Sở GTVT Hà Nội cũng đã chỉ đạo gia cố, sửa chữa để cầu Đuống vững vàng hơn trong khi chưa có một phương án thay thế cây cầu này.

Cầu Đuống có 1 vị trí quan trọng của giao thông Thủ đô

Năm 2009, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng đã cho biết, Bộ đang nghiên cứu quy hoạch xây dựng thêm cầu Đuống đường bộ bên cạnh cầu Đuống hiện nay (chỉ dùng cho đường sắt) để giảm tải cho cầu, giải quyết triệt để tình trạng quá tải và xuống cấp qua thời gian của cầu Đuống.

Hiện nay đã có những cung đường khác, thuận lợi hơn để xe khách, xe tải trọng lớn có thể dễ dàng di chuyển, do vậy cầu Đuống cũng phần nào được giảm tải.

Bên cạnh đó, vào tháng 10/2014 vừa qua, cây cầu mới, hiện đại Đông Trù được khánh thành nối đường 5 kéo dài cũng đã góp phần san sẻ bớt “trách nhiệm” vận tải của cầu Đuống.

Trong lịch sử, cầu Đuống cũng là 1 chứng tích lịch sử chứng kiến bộ đội ta tiến vào tiếp quản Thủ đô từ tay người Pháp. Sau khi quân Pháp thua, và Hiệp định Paris được ký kết, các đơn vị bộ đội của ta được phân công tiến về Thủ đô chuẩn bị cho ngày tiếp quản 10/10/1954.

Ngày 8/10/1954, các chiến sĩ ta đặt chân lên cầu Đuống chuẩn bị cho việc tiếp quản Thủ đô
Chính trị viên tiểu đoàn Bình Ca Vũ Huy Hậu sải bước trên cầu Đuống cùng các chiến sĩ bộ đội ta tiến về Thủ đô

Ngày 8/10/1954, Tiểu đoàn Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308) dưới danh nghĩa một đơn vị cảnh vệ gồm 214 chiến sĩ được trang bị súng tiến vào Hà Nội.

Họ có nhiệm vụ chốt chặn, canh gác 35 vị trí quan trọng nhất trong nội thành gồm các công sở, nhà máy điện, nhà máy nước, các cơ sở giao thông công chính, bưu điện, đường sắt, xe điện...; Tiếp nhận sự bàn giao các vị trí đóng quân của Pháp, bảo đảm đời sống bình thường của Thủ đô, đặc biệt là điện và nước, bảo đảm an toàn cho đại quân vào tiếp quản ngày 10/10/1954... Cầu Đuống chính là điểm quân Pháp tổ chức lễ đón các chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca tiến vào Thủ đô...

Sau hơn 30 năm hoạt động, cầu Đuống mới vẫn chứng minh được giá trị của mình là cây cầu huyết mạch trên Quốc lộ 1A cũ nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn...

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại