Cảm phục người giáo viên già và 15 năm dạy trẻ khuyết tật

daquynh |

Năm nay đã 80 tuổi nhưng cụ Nam vẫn dự định chỉ đến khi nào ngừng thở mới thôi lên lớp.

Tại ngôi trường THCS An Dương nằm sâu bên trong con đê Yên Phụ có một lớp học đặc biệt của người giáo viên năm nay tròn 80 tuổi và những học sinh kém may mắn. Lớp học mang tên Tình Thương ấy là nơi nuôi dưỡng ước mơ của 15 học trò bị tật nguyền. Các em bị thiểu năng trí tuệ, bị cân điếc, tự kỉ, bị đao…
Gian nan động viên trẻ đến trường
Trong căn phòng rộng chừng 12 m2 các em học sinh cặm cụi viết bài, còn cụ giáo già Hồ Hương Nam đang đẩy xe lăn cho một học sinh vừa đi vệ sinh về. Lớp học của những con người bị tật nguyền mà trật tự và chăm chỉ hơn cả những lớp bình thường khác.
cam-phuc-nguoi-giao-vien-gia-va-15-nam-day-tre-khuyet-tat
Học sinh của cụ Nam trong lớp học đặc biệt này là những em bé tật nguyền.
Lớp học đó không chỉ dành cho những em nhỏ, mà còn có cả những người đáng ra phải làm bố mẹ trẻ con rồi, nhưng các em vẫn ngồi đó, vẫn nắn nót tô từng con chữ đầu tiên. Còn cụ giáo già đi từng bàn để động viên, để nâng bút cho từng học trò nhỏ của mình.
Cụ Hồ Hương Nam vốn là cựu giáo viên của quận Tây Hồ. Ngày nghỉ hưu cụ đã thành lập ra lớp học Tình thương này để giúp những đứa trẻ kém may mắn được biết đọc biết viết như bao người bình thường khác.
Cụ Nam kể lại ngày đầu tiên hình thành ra lớp học này: “Tôi thấy các cháu bị khuyết tật là khổ và thiệt thòi lắm rồi, thế mà còn không được học hành, không biết cái chữ nữa thì thật là bất hạnh quá. Nếu biết mặt chữ, các cháu sẽ chủ động hơn trong cuộc sống, sẽ không bị người ta bắt nạt nữa. Tôi muốn làm gì đó cho các cháu”.
Thế là cụ đi đến những gia đình có con bị tật nguyền trong Phường Yêu Phụ để vận động họ cho con đến cụ dạy.
Nhưng đâu phải mình muốn làm điều tốt, muốn giúp đỡ người khác mà họ đã gật đầu ngay đâu. “Gia đình họ nghĩ rằng, đến người bình thường còn khó khăn lắm mới học được cái chữ, huống chi con mình liệt não thì làm sao mà học gì được. Họ mặc cảm lắm nên không muốn đưa con họ đến lớp” – cụ nghẹn ngào kể lại.
Mãi sau cụ mới hứa hẹn rằng: “Nếu trong một tháng các cháu không tiến bộ thì tôi gửi về gia đình. Thế là cũng được hai học trò đi học. Một em giờ đã lấy chồng, một em thì theo học đến tận bây giờ đó”.
Bằng kinh nghiệm dạy học, bằng tấm lòng của mình cụ đã dạy cho những đứa trẻ tật nguyền cái chữ và dạy các em cách làm người.
Những năm 1997 lớp học tình thương của cụ phải chuyển hết địa điểm này đến địa điểm khác. Cụ đã từng phải bồng bế các cháu chạy vạy khắp nơi tìm một chỗ học cố định. Còn nhớ cụ đã khóc tại Phòng giáo dục của Quận Long Biên để xin có một chỗ che nắng, che mưa để tiếp tục gieo mầm ước mơ cho những đứa trẻ kém máy mắn.
Lớp học không bảng, không phấn nhưng đầy ắp tình thương
Đến giờ lớp học khá khang trang, nằm ngay trong khuôn viên của trường THCS An Dương. Ở đó không có bảng, không có phấn, cũng không có giáo trình chung cho cả lớp, 15 học trò là 15 chương trình dạy khác nhau.
Cụ giáo nói: “Nếu dùng bảng viết thì cả lớp sẽ không chú ý theo dõi được, trình độ của các em khác nhau nên không thể tiếp thu đồng loạt được.
Chính vì thế mà tôi phải chia nhóm: Tự kỉ riêng, đao riêng, thiểu năng trí tuệ riêng, bị câm điếc riêng một nhóm. Khi dạy mỗi cháu cũng có một bài học khác nhau”.

Cụ giáo Hồ Hương Nam cả đời gắn bó với nghề dạy học, với cụ chính những đứa trẻ đã cho cụ niềm tin vào cuộc sống. Cụ nói ngày nào không được gặp bọn trẻ là ngày đó cụ thấy nhớ ghê gớm.
Cụ kể: “Hôm đó tôi bị tai nạn, phải bó bột cánh tay phải nên đành nằm nhà. Thật bất ngờ có một em học sinh tới tận nhà tôi hỏi thăm, nó nói không được đi học nó nhớ tôi lắm. Tình cảm ấy của bọn trẻ khiến tôi không thể ở nhà thêm được, hôm sau tôi lại ra trường dạy các em như thường, mặc dù mới bó bột được một tuần”.
cam-phuc-nguoi-giao-vien-gia-va-15-nam-day-tre-khuyet-tat
Phụ huynh rất yên tâm khi gửi con ở lớp học của cụ Nam.
Dạy những đứa trẻ bình thường đã khó, những em nhỏ bị tật nguyền, bị thiểu năng trí tuệ lại càng khó khăn hơn gấp bội lần. Nhưng chưa bao giờ cụ biết nặng lời trách mắng các em.
Cụ tâm sự: “Các em đều rất nhạy cảm, nên tôi phải dùng những lời nịnh, dùng cả bim bim để dỗ các em ngoan ngoãn ngồi vào bàn học. Chứ nếu mà quát mắng các em to tiếng là chúng khóc và đòi về ngay”.
Rồi cụ ngậm ngùi nhớ lại kỉ niệm với lớp học đặc biệt này: “Ngày 20 – 11,  tôi vào lớp và thấy các em mỗi đứa cầm một bông hoa trên tay rồi lần lượt lên tặng tôi. Lần đầu tiên trước mặt các em tôi đã khóc, thật sự cảm động. Tình cảm các em dành cho tôi chính là động lực để tôi đến lớp”.
Hơn 15 năm gắn bó, tâm huyết với lớp học tình thương này, cụ không hề nhận một đồng lương nào. Nhưng cụ vẫn dự định chỉ có khi nào chết đi mới không đến trường dạy các em nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại