Cám cảnh ngôi nhà của 2 cha con… chưa một lần được đứng thẳng

Quỳnh Nguyên |

(Soha.vn) - Căn phòng siêu nhỏ ấy có chiều rộng 190cm, dài 270cm. Chiều cao của nó là 120cm, người lớn muốn đi lại hay mặc quần áo…chỉ có thể quỳ hoặc nằm ngửa.

Chưa một lần được đứng thẳng

Căn phòng ấy của bố con anh Hoàng Văn Xuân nằm ở ngõ số 44 Hàng Buồm, Hà Nội. Đây được coi là căn phòng bé nhất phố cổ, chỉ vẹn vẹn 5m2. Chuyện sinh hoạt theo anh Xuân kể: “Nếu cởi áo hay mặc áo phải quỳ xuống còn thay quần, mặc quần phải nằm ngửa ra sàn. Cũng do ở nhà thấp vậy mà chiều cao của tôi cũng không quá 1,5m, con trai học bài muốn đứng dậy vươn vai cũng khó, không khác nào ở trong khuôn vì thế đang tuổi ăn tuổi lớn mà nó cao chưa đầy 1,4m”.

Anh Xuân dẫn khách đi ghé qua nhà tắm, nhà vệ sinh phải khom lưng chui qua đường hầm cao hơn 1 mét, tối om vào trong nhà.

	Anh Xuân đo lại căn nhà hai bố con đang ở

Anh Xuân đo lại căn nhà hai bố con đang ở

“Ở đây một hay hai nhà dùng chung một nhà vệ sinh và nhà tắm được xây dựng từ thời bao cấp xuống cấp nhưng cũng đành chịu. Nhưng thế còn may chứ bạn tôi ở các phố khác mấy chục người dùng chung một nhà tắm, mùa hè có khi nửa đêm mới được tắm, khổ nhất là nhà vệ sinh ít mà người đông như thế nếu lúc cấp bách chờ đợi cũng phát ốm”, anh Xuân kể về nỗi khổ cực của người dân phố cổ.

Chuyện ngủ cũng khó khăn vô cùng, anh Xuân chỉ 6 viên gạch là bề ngang của căn nhà nói với giọng buồn buồn: “Mỗi người 2 ô gạch, mỗi ô là 30cm cũng là vừa khít. Nằm xuống là nằm im cấm được động cựa như thể nằm trong vali. Cũng vì nhà quá chật nên nồi cơm điện ngoài nhiệm vụ nấu cơm còn được dùng để luộc rau, nấu canh”.

	Đồ đạc trong nhà

Đồ đạc trong nhà

Nhà anh Xuân chỉ có ba vách tường, phía còn lại thông thống nhìn thẳng qua gác xép của nhà em trai. Mọi sinh hoạt riêng tư với nhà bên cạnh ngăn cách bằng mảnh vải mỏng và chiếc tủ quần áo lùn nằm ngang. Buổi trưa, căn phòng của anh ngập đủ thứ tạp âm: tiếng tivi, tiếng băng đĩa các loại, tiếng nói chuyện í ới, cả âm thanh ồn ào của đường phố cũng dội vào…

Mơ ước nhỏ nhoi

Với dáng ngồi khom khom, anh Xuân kể: Năm 1997, vợ chồng anh sinh cháu Hoàng Xuân Thủy. Tuy nhiên, kinh tế khó khăn nên vợ chồng anh chưa nghĩ đến chuyện dựng nhà mới. Hai năm trước, vợ anh Xuân đã bỏ đi để lại anh cảnh “gà trống nuôi con”.

	Anh Xuân buồn khi nói về vợ mình

Anh Xuân buồn khi nói về vợ mình

Không giấu giếm, anh trải lòng với chúng tôi: “Tôi biết tôi không làm tròn bổn phận của một người chồng, một người cha, không thể lo cho gia đình một cuộc sống tốt đẹp vì thế cô ấy mới bỏ tôi theo người khác. Mặc dù ở Hà Nội nhưng 2 năm nay cô ấy chẳng về thăm con”.

Để chăm lo cho con trai ăn học, với chiếc xe máy cũ nát, anh làm nghề chạy xe ôm. Có lần anh ốm nửa tháng trời, 2 cha con lại sống cảnh “nguyên thủy” có gì ăn nấy. Khi thì củ khoai, hôm thì gói mì bẻ đôi ăn cho qua ngày. Nhiều lúc đành nhờ vào tình thương của bà con hàng xóm.

Hơn 5 giờ chiều, cháu Hoàng Xuân Thủy, con trai anh đi học về. Thấy khách lạ, cháu tỏ vẻ rụt rè. Anh Xuân tâm sự: “Từ đợt mẹ nó bỏ đi, thằng bé trở nên ít nói. Lắm lúc bực mình mắng con nhưng đêm nhìn nó ngủ lại bật khóc”.

	Khu bếp của hai bố con anh Xuân

Khu bếp của hai bố con anh Xuân

Phải ngồi rất lâu, cháu bé mới bắt chuyện với chúng tôi, Thủy thỏ thẻ: “Cháu muốn ở nhà đi làm phụ giúp bố cháu, nhưng bố không cho”

Nhìn con, anh Xuân ngắt lời chỉ về tập giấy khen để một góc nhà: “Cháu nó học chăm lắm. Ở lớp bạn bè rất tốt, có hôm các bạn còn rủ cháu về nhà ngủ cùng nữa. Nhưng cháu nó sợ bố buồn nên vẫn đi bộ vài cây số về nhà ngủ với bố. Chỉ mong sao cháu nó được ăn học thành người”.

Ước mơ của người đàn ông bước vào tuổi xế chiều ấy chỉ đơn giản là làm sao cho con trai mình đừng “phát điên” trước không gian sống và trước cú sốc mẹ bỏ đi. Như thế là anh hạnh phúc lắm rồi!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại