Bộ Giáo dục ’đuổi’ văn hóa ra khỏi nghệ thuật?

Theo Đất Việt |

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: “Đuổi Văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường thuộc khối Văn hóa-Nghệ thuật là cách tiêu diệt môn văn một cách hữu hiệu nhất...".

10 trường đại học, cao đẳng thuộc khối văn hóa - nghệ thuật lớn như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho tới những trường nho nhỏ là CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai... đang xây dựng đề án tuyển sinh 2013 mà không cần phải nghĩ ngợi gì tới đề thi Văn cho thí sinh nữa.

Đó là câu chuyện có thật! Thật 100%! Điều ấy khiến nhà thơ Trần Đăng Khoa phải thảng thốt “Trời đất! Không có Văn mà lại có thể thành được tài năng ư?”. Còn nhà văn Nguyên Ngọc cũng phải thốt lên rằng “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đào tạo toàn ‘thợ nghệ thuật’ ở các trường nghệ thuật chăng?”.

Cái sự thật khiến nhiều người thấy sửng sốt ấy đã được Bộ Giáo dục công bố vào ngày 9/1, gọi là đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật, nêu rõ: Đối với các trường có tuyển sinh các ngành khối Văn hóa (khối C), chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.

Đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối Nghệ thuật (khối H, N, S): Môn Ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT.

 

Sau khi thông tin này được một số ít báo chí đăng tải, cho đến tận bây giờ vẫn còn vô khối người hoài nghi và đặt câu hỏi: Liệu đó có phải sự thật? Tôi "vác" chuyện đi hỏi hơn chục nhân sĩ, trí thức yêu nước, ai cũng bảo rằng đây là một quyết định lạ đời.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà cụm từ "văn hóa - nghệ thuật" lại rất phù hợp khi đặt cạnh nhau, đó là bởi nghệ thuật muốn phát triển bền vững, thăng hoa, nó phải dựa trên một nền tảng văn hóa thực thụ.

Nhưng có lẽ một số nhà quản lý không thấu hiểu điều ấy, cho nên họ đã có một quyết định không bình thường, đó là thử nghiệm một điều kỳ quái, nhưng sẽ không có ai đứng ra chịu trách nhiệm trước xã hội nếu xảy ra một loạt đổ vỡ từ quyết định kỳ quái ấy.

Bàn về cái sự lạ đời này, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhắc lại lời của Chế Lan Viên từng dạy con "Con phải chịu khó học. Nếu tiến lên, con thành nhà văn, mà có lùi xuống, con cũng là nhà văn hóa” và bình: Thật sâu sắc, thấm thía. Và như thế, không phải nhà văn hóa nào cũng thành được nhà văn. Nhưng đã là nhà văn, thì đồng thời bao giờ cũng phải là một nhà văn hóa. Mà không phải chỉ nhà văn, bất cứ nghệ sĩ nào, bất cứ trí thức nào cũng phải là một nhà văn hóa, nếu muốn thành một nghệ sĩ hay trí thức đích thực.

Nếu là nhà văn hóa, các hoa hậu, ca sĩ, nghệ sĩ sẽ không có những phát ngôn bừa bãi, những cách ăn mặc, ứng xử lố lăng trước đông đảo công chúng. Tự họ sẽ biết xấu hổ. Tuyển chọn, đào tạo ca sĩ, nghệ sĩ, và những người làm công tác văn hóa mà loại bỏ văn thì đào tạo cái gì?

Chả lẽ chỉ cần mỗi chất giọng mà đã đủ thôi ư? Trở thành một nghệ sĩ sao chỉ đơn giản đến thế? Không thể biện hộ rằng, vì phải thi môn văn mà các em sẽ lỡ tham gia thi các trường khác, rằng: Chúng ta sẽ bỏ sót rất nhiều tài năng! Trời đất! Không có văn mà lại có thể thành được tài năng ư?

Cũng có người lý giải một cách cay đắng rằng, ở ta nên coi đó là chuyện bình thường vì những điều bi hài trong giáo dục còn nhiều lắm, toàn là những chuyện to vật vã. Ấy là chuyện thay sách giáo khoa luôn xoành xoạch lãng phí tiền tỷ mà vẫn trong vòng luẩn quẩn.

Theo cách nói của GS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam thì 20 năm qua chúng ta đã mang học sinh ra làm “chuột bạch” để thí nghiệm các loại chương trình, sách giáo khoa.

Rồi chuyện phân ban, bỏ phân ban, lại khôi phục phân ban... mà GS Hoàng Tụy đã nói rằng “Chọn hàng trăm nghìn học sinh làm vật thí nghiệm, dù là giáo dục thì cũng là điều cần tránh”.

Và tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể mường tượng ra một viễn cảnh buồn, ấy là trong tương lai gần có thể công chúng sẽ được nghe nhiều giọng hát hay, xem nhiều điệu múa đẹp... nhưng cũng sẽ chứng kiến nhiều hơn nữa nhiều lối hành xử thiếu văn hóa của nghệ sĩ. Nền tảng văn hóa rỗng tuếch, đó là điều rất đáng lo ngại.

Thì đã có vô khối các nghệ sĩ thể hiện rõ mồn một cái sự "vô văn hóa" đấy thôi, nào là "khóa môi" nhà sư một cách trắng trợn trên sân khấu, nào là "khoe thân" có chủ ý trên sàn diễn, nào là "lộ hàng" ngoài đời thường, nào là những câu chuyện ăn chơi thác loạn, phóng túng... và rất tiếc đa phần những nghệ sĩ gây scandal đều được ăn học đàng hoàng.

Thậm chí, có những nghệ sĩ đã thành danh, là giảng viên âm nhạc hẳn hoi mà còn bỏ luôn cả giao lưu nghệ thuật ở nước bạn để về làm việc riêng (chạy show). Như vậy, chẳng phải họ có năng khiếu mà văn hóa ứng xử quá kém cỏi hay sao?

Nhà văn Nguyên Ngọc khi biết cái sự lạ đời này cũng đã rất thẳng thắn chỉ ra: "Nhiệm vụ của các trường nghệ thuật là đào tạo ra những người nghệ sĩ. Một trong những điều kiện quan trọng nhất của người nghệ sĩ là có văn hóa nền vững chắc, đúng ra là phải cao, rộng, sâu, cơ bản hơn người thường.

Bởi vì, đến lượt họ, họ phải góp phần quan trọng nhất tạo văn hóa nền cho xã hội. Và Văn là môn học chủ yếu để tạo văn hóa nền. Chủ trương bỏ thi Văn trong tuyển sinh vào các trường nghệ thuật là coi thường vai trò của văn hóa nền, cũng không quan tâm đến việc đánh giá khả năng cảm nhận nghệ thuật ở thí sinh (mà văn là môn học chủ chốt để dạy khả năng cảm nhận nghệ thuật).

Vậy thì chỉ có thể tuyển được những người sẽ làm thợ. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương đào tạo toàn “thợ nghệ thuật” ở các trường nghệ thuật chăng? Ôi, thỉnh thoảng lại gặp được ở đây một chủ trương khó hiểu đến kỳ quặc!".

Ở phía của nhà quản lý (nơi đồng ý cho một thử nghiệm mới), ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục biện giải rằng:

"Việc miễn thi môn Văn không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu đối với môn học này. Các trường cần đặt ra yêu cầu trong khi xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết các năm học. Các yêu cầu này cần phải được công bố công khai trước khi tuyển sinh".

Đọc phát biểu này của ông Ngô Kim Khôi, nhiều người lại giật mình thon thót. Rõ ràng, việc bỏ thi môn văn ở một kỳ thi quan trọng (vào đại học) đã hạ thấp giá trị của chính môn học này với học sinh chọn các khối H, N, S.

Nhưng đáng lo hơn nữa ấy là lấy điểm tổng kết từ bậc học phổ thông, trong khi chúng ta chưa có cách nào để kiểm soát, liệu điểm số ấy có thật hay không? Ngay cả một kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, có thanh tra đủ các cấp mà vẫn còn tiêu cực tràn lan thì lấy gì đảm bảo điểm tổng kết môn Văn là thực chất?

Vậy nên Nhà thơ Trần Đăng Khoa mới nói rằng: “Đuổi văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường thuộc khối Văn hóa-Nghệ thuật là cách tiêu diệt môn văn một cách hữu hiệu nhất. Không thi thì không học. Ở ta vẫn như vậy”.

Còn Nhà Văn Nguyên Ngọc cũng phản biện hết sức sắc sảo: “Lý giải của Bộ rằng không bỏ văn mà vẫn lấy kết quả học và thi ở phổ thông là một lối biện bạch quanh co và tránh trớ. Vậy tại sao trong tuyển sinh đại học ở tất cả các ngành khác không lấy kết quả học và thi các môn ở phổ thông mà đánh giá nếu cho rằng kết quả ấy là đã đáng tin cậy. Mà lại chỉ bỏ thi Văn ở tuyển sinh nghệ thuật, lại đúng là nơi cần qua môn Văn mà đánh giá văn hóa nền và khả năng cảm nhận nghệ thuật của thí sinh hơn cả? Rõ ràng là làm ngược!”.

Xưa, các cụ ta đã có câu “Học Văn là học làm người”. Còn ở tận nước Nga Xô viết xa xôi, đại thi hào M.Gorki cũng nói “Văn học là nhân học”. Vì coi trọng điều ấy mà chúng ta có nền văn hiến rất đáng tự hào trong suốt bề dày lịch sử dân tộc.

Ấy thế mà nay người ta lại đang tìm cách đi ngược lại những điều đã trở thành chân lý từ hàng nghìn đời, lại gạt bỏ đi thử thách mà học trò phải rèn luyện để “làm người”, mà chỉ nhăm nhăm dạy chúng phải thực dụng.

Có lẽ, sẽ chẳng có gì bất ngờ khi chúng ta lại được chứng kiến nhiều nghệ sĩ làm “trò lố”, vì phông văn hóa thấp kém. Điều ấy cũng giống như một cô gái rất muốn làm đẹp, nhưng lại dốt nát về mặt thẩm mỹ. Thật đáng sợ!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại