'Bí mật' của các đội dự thi trình diễn pháo hoa tại Đà Nẵng

Bất chấp cái nắng như thiêu đốt ở thành phố biển miền Trung, các kỹ thuật viên của 5 đội dự thi DIFC 2013 vẫn khẩn trương hoàn thiện các công đoạn cuối cùng, đưa pháo vào bệ bắn chờ giờ khai hỏa (8h20 tối mai, 29/4).

Các đội đã gần xong công đoạn cho pháo vào nòng.

Nhiều đội thi đã đến Đà Nẵng bắt tay vào chuẩn bị cho DIFC rất sớm như Nga, Nhật; các đội đến sau như đội Ý vào hôm 25/4 cũng triển khai công việc với tốc độ rất nhanh. Hầu hết các đội đều đã lắp đặt 60 - 80% lượng pháo. Có khoảng 15.000 quả pháo được sử dụng cho 5 màn trình diễn của các đội, riêng đội Việt Nam sử dụng khoảng 4.000 quả pháo.

Là người thường xuyên có mặt trong khu vực lắp pháo những ngày qua, Đại tá Nguyễn Trường Kỳ, Phó tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng, đội trưởng đội pháo hoa Đà Nẵng - Việt Nam, cho biết: “Năm nay, về kỹ chiến thuật của đội Đà Nẵng đã tiến bộ rất nhiều so với các năm. Với quyết tâm cao, chúng tôi tin năm nay đội sẽ có màn trình diễn ấn tượng nhất trong các kỳ DIFC từ trước đến nay".

Vừa đến Đà Nẵng hôm 25/4, ông Antonio Parente, đội trưởng đội Parente Firework (Ý) cho biết đến hôm nay (28/4) đã lắp xong khoảng 80% lượng pháo sử dụng trong màn trình diễn tại DIFC 2013.

“Chúng tôi đến đây là để giành chiến thắng”, ông Antonio tuyên bố và cho biết, về cơ bản màn trình diễn của đội Ý vẫn giữ nguyên phong cách của nhà Parente.

Tuy thế, cũng có nét mới mà các “pháo thủ” của đội tuyển Ý sử dụng là nhạc nền có nhiều âm điệu khơi gợi cảm xúc với pháo hoa có sắc màu tươi sáng. Điểm nhấn là pha trình diễn ở những phút cuối cùng với những hiệu ứng pháo mạnh mẽ có 2 màu sắc chủ đạo là vàng và ánh bạc.

Còn theo đội Tamaya Kitahara đến từ Nhật Bản thì màn thi của họ sẽ kết hợp kỹ thuật trình diễn pháo hoa truyền thống và hiện đại, mang lại cho khán giả dòng sông cảm xúc.

Đại diện đội Melrose Pyrotechnics của Mỹ - Matthew Peterson tiết lộ màn trình diễn của đội tại DIFC 2013 được xây dựng trên câu chuyện tình yêu của đôi trai gái bên dòng sông Hàn thơ mộng, lấy ý tưởng từ chính chủ đề “Tình yêu sông Hàn”. Màn trình diễn của đội Mỹ có tên gọi (tạm dịch) là “Dáng em đêm nay”.

Trong khi đó, dù có đến hơn 10 phóng viên hỏi về những bí mật của màn trình diễn năm nay nhưng đại diện đội đến từ nước Nga vẫn... khá bí mật.

“Chúng tôi đến đây, ngoài mục tiêu chiến thắng thì hơn hết là tình anh em giữa 2 dân tộc. Nếu bạn muốn biết màn trình diễn của chúng tôi như thế nào thì hãy chờ một ngày nữa nhé. Chúng tôi sẽ không bao giờ làm khán giả thất vong”, đại diện đội thi đến từ Nga chỉ nói ngắn gọn.

Đội Nhật đã tập trung hàng tấn pháo tại cảng Đà Nẵng.
Đại tá Kỳ, đội trưởng đội Đà Nẵng - Việt Nam, đang chỉ đạo các kỹ thuật viên đưa pháo lên nòng.
Các thành viên của đội chủ nhà đang khẩn trương, cẩn thận từng chi tiết để pháo hoa rực sáng trên bầu trời Đà Nẵng, họ rất tự tin vào màn trình diễn của mình.
Kỹ thuật của đội đến từ nước Nga cặm cụi lắp pháo và giữ bí mật màn trình diễn của mình đến phút chót.
Đội Ý được đánh giá cao nhất trong cuộc thi năm nay, trước đó họ cũng đã vô địch 2 lần.
Phóng viên đến địa điểm lắp pháo để tìm hiểu "bí mật" của các đội dự thi.
Do trời nắng nóng nên công tác bảo quản pháo rất được các đội xem trọng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại