“Bí kíp” học tốt môn sử của những học sinh giỏi quốc gia

Thiên Di |

(Soha.vn) - Đó là những chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp vô cùng đơn giản, hữu ích cho những bạn khối C về cách học môn sử đạt hiệu quả tốt nhất.

Với nhiều bạn, môn Lịch sử được coi là môn “khoai”, khó nhớ và khó giành điểm cao nhất. Nhưng đối với Quang, Bích Phương và Thùy – những học sinh đạt giải nhất HSG quốc gia năm 2012 - 2013 lại vô cùng đơn giản và trở thành niềm yêu thích đặc biệt.

Phùng Thị Bích Phương: Vận dụng tư duy Sử

Bích Phương là học sinh chuyên Sử, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) giành giải nhất HS giỏi sử năm học 2012 -2013. Phương chia sẻ, ban đầu không thích môn Sử lắm nhưng cơ duyên đến với nó thật tình cờ và có chút may mắn khi Phương “trúng tủ” đề thi sử vào chuyên Lê Hồng Phong.

Bích Phương cho rằng cần vận dụng tư duy sử.

Bích Phương cho rằng cần vận dụng tư duy sử. Để nhớ được các sự kiện các bạn hãy lập bảng hệ thống, luyện nhiều bài tập.

Phương nghĩ rằng, học sinh không thích học sử vì nhiều lý do: từ bản thân không có niềm yêu thích; từ định hướng của phụ huynh; từ sách giáo khoa nhiều chữ, cách học thụ động, học vẹt…

Và để học tốt, cô bạn khiêm tốn cho biết: “Mình vận dụng kiến thức của nhiều bài. Sử không phải học thuộc mà cần phân tích, vận dụng tư duy sử. Mình thấy khó nhất phần 30 – 45 vì có quá nhiều sự kiện khó nhớ và mình học bằng cách lập bảng hệ thống để nhớ sự kiện, luyện nhiều bài tập và phân tích theo cách của mình. Mình thường tìm tài liệu trước tiết học, trình bày bài và trả lời câu hỏi của thầy cô, các bạn, khi đó mình đã nhớ kiến thức ngay trên lớp”.

Theo Phương, một khi hiểu được cách học thì mới hình thành đam mê. Và ở nhiều quốc gia hiện nay, sách giáo khoa lịch sử của họ không có nhiều chữ khô khan như mình, giáo viên không bắt học thuộc mà để học sinh tự tìm hiểu, suy nghĩ và họ tổ chức chuyến đi dã ngoại, địa danh lịch sử.

Trần Thanh Quang: Học sử từ ca khúc cách mạng, phim tài liệu chiến tranh

Quang là một trong hai học sinh Trường Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định đạt giải nhất HSG quốc gia Lịch sử. Chia sẻ về bí quyết yêu thích môn sử, Quang thật thà thú nhận, mình rất lười đọc tài liệu nhưng lại rất thích xem những bộ phim tài liệu về đề tài lịch sử, chiến tranh để hiểu đầy đủ, bổ sung thêm kiến thức về lịch sử cho dày dặn hơn, cũng như thích nghe ca khúc cách mạng để thêm yêu lịch sử nước nhà.

Trần Thanh Quang - giành giải nhất quốc gia môn Lịch sử với số điểm 17/20

Trần Thanh Quang - giành giải nhất quốc gia môn Lịch sử với số điểm 17/20. Bí quyết của cậu là xem phim tài liệu lịch sử, nghe ca khúc cách mạng.

Bí quyết của chàng trai nhỏ nhắn là học từ từ, chậm mà chắc và không ép bản thân học quá nhiều mà phải tạo cho bản thân niềm hứng thú tìm hiểu, chứ chưa bao giờ thấy quá sức khi học. Mỗi ngày cậu chỉ dành 1 tiếng để học sử bởi học không phải gấp rút mà là cả một quá trình bổ sung kiến thức.

“Khi làm bài thi môn lịch sử cần sự hấp dẫn từ mở bài, dẫn dắt vấn đề để thu hút người đọc muốn tìm hiểu nội dung tiếp theo. Còn để lời văn trau chuốt hơn, mình tự nghiên cứu qua sách vở, xem phim tài liệu lịch sử”, Quang chia sẻ.

Lý giải tại sao học sinh chán môn sử, Thanh Quang nghĩ rằng không phải các bạn không đam mê, không muốn tìm hiểu sử mà bởi các bạn không muốn học thuộc một khối lượng kiến thức lịch sử khổng lồ trong SGK hiện nay. Hơn nữa, cách dạy truyền thống đọc – chép, nhồi nhét không tạo hứng thú như việc học các môn khác.

“Nếu em được trở thành một nhà quản lý giáo dục, em sẽ đưa môn lịch sử vào hệ thống các môn học cơ bản và thi tốt nghiệp vì trên thế giới môn lịch sử rất được coi trọng. Em thấy hiện nay nhiều người đổ xô học ngoại ngữ để giao tiếp hay du học, nhưng em nghĩ trước khi học văn hóa nước khác, tại sao mình không học kĩ văn hóa của dân tộc?”, Quang nói.

Phạm Thị Thùy (THPT Chuyên Quảng Bình): Không nên đổ lỗi cho sách giáo khoa

Thùy đam mê học sử từ năm lớp 8, cách dạy của cô giáo không chỉ truyền kiến thức mà còn cho em những bài học kinh nghiệm sống. Thùy cho rằng, sách giáo khoa lịch sử là tài liệu, học sinh không nên đổ lỗi cho sách giáo khoa nặng nề, khô khan mà nên biến tài liệu đó thành của mình.

Còn cô bạn Phạm Thị Thùy bật mí rằng hãy biến tài liệu sách giáo khoa thành tài liệu của mình.

Còn cô bạn Phạm Thị Thùy bật mí rằng hãy biến tài liệu sách giáo khoa thành tài liệu của mình và kết hợp những môn khác trong việc học và làm bài sử.

Thùy chia sẻ: “Học sử rất linh động, có thể áp dụng tất cả các môn học mình yêu thích. Ví dụ em thích học toán và áp dụng logic trong toán vào sử. Em học văn bằng sử, em viết cảm thụ về đoạn sử bằng văn của mình. Em biến kiến thức trong sách, kiến thức của thầy cô thành của mình, mang đậm dấu ấn cá nhân. Mỗi tiết học trên lớp em đều cố gắng ghi nhớ, sau đó về nhà ôn khoảng 30 phút và trong quá trinh ôn thi quốc gia em học sử 24/24h”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại