Bị cha mẹ trói dây xích, chích thuốc vì đồng tính

Thiên Di |

(Soha.vn) - Đó là một trong vô vàn khó khăn của những người đồng tính, song tính, chuyển giới ở Việt Nam khi họ công khai giới tính thật của mình.

Từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh toàn cầu và đồng tính cũng không phải lệch lạc hay rối loạn tâm lý. Hiện nay, đã có 14 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới. Và ở Việt Nam mới đây, Bộ Y tế đề xuất hôn nhân đồng giới đưa vào Luật Hôn nhân và gia đình.

Vấn đề này gây không ít tranh cãi trên các phương tiện truyền thông. Càng ngày có nhiều người ủng hộ và những người trong cuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới) đang đấu tranh đòi quyền bình đẳng, quyền con người đáng có của mình.

Tuy nhiên, những người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn, sự kỳ thị từ chính gia đình, xã hội hay trong giáo dục, y tế…

Bộc lộ quan điểm về vấn đề này, anh Huỳnh Minh Thảo - Trung tâm làm về quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (ICS) cho biết: “Hiện nay, những kỳ thị còn nhiều ở xã hội, thậm chí là chính gia đình của họ hay trong chính cộng đồng LGBT như bạn chuyển giới bị người đồng tính kỳ thị hoặc tự kỳ thị bản thân. Đa phần các bạn chưa nhận ra quyền để đứng dậy đấu tranh và vận động hôn nhân đồng giới”.

Để hiểu rõ những khó khăn mà những người đồng tính, song tính, chuyển giới ở Việt Nam đang gặp phải, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến, quan điểm thẳng thắn từ các đại diện trong giới của cộng đồng LGBT trong một buổi đối thoại gần đây.

Albus Trần – đồng tính nam: “Họ bị cha mẹ trói dây xích, ruồng bỏ…”

Chia sẻ về khó khăn về phía gia đình LGBT, Albus Trần (là người đồng tính nam) – quản lý website về người đồng tính Taoxanh.net cho biết, không chỉ xã hội mà chính bản thân bố mẹ các bạn đó suy nghĩ tiêu cực đó là bệnh có thể lây, là điều không bình thường nên họ mặc dù yêu thương con mình nhưng họ vẫn tìm cách ép chữa trị bằng chích thuốc, đánh đập, dùng dây xích trói lại gây đau đớn cho đứa con của họ vì những quan điểm sai lầm đó.

Albus (đồng tính nam) chia sẻ những khó khăn từ chính gia đình của những người LGBT.

Albus (đồng tính nam) chia sẻ những khó khăn từ chính gia đình của những người LGBT.

“Nhiều bạn đồng tính bị cha mẹ ruồng bỏ, miệt thị, xa lánh hay buộc kết hôn với người mình không yêu là hiện tượng phổ biến hiện nay đặc biệt ở những vùng quê, nông thôn”, Albus nói.

Là một phụ huynh của người con đồng tính, cô N.T.Hạnh xót xa nói: “Khi phát hiện con mình đồng tính, là một người mẹ tôi rất sốc, đau khổ và có chút nào đó thất vọng. Nhưng giờ tôi mong những bà mẹ có con đồng tính nên có cái nhìn thoáng hơn. Điều tôi khổ tâm nhất là Hội Phụ nữ ở địa phương tôi hiện nay chưa chấp nhận chúng tôi. Hay sự kỳ thị từ chính họ hàng, dư luận do quan niệm thuần phong mỹ tục con trai nối dõi tông đường…nên đa phần phụ huynh ép con đồng tính của mình cưới chồng, vợ”.

Lộ Lộ: “Chúng tôi bị bạo hành trong giờ học”

Và ngay trong chính giáo dục, những người đồng tính bị bạo hành, bị xa lánh và gặp không ít khó khăn, thiệt thòi. Lâm Thanh Vinh (SN 1979, tên thường gọi là Lộ Lộ) người chuyển giới cho biết, họ bị bạo hành trong giờ học, giờ ra chơi bị bạn bè trêu trọc, thầy cô vi phạm quyền riêng tư khi đọc những dòng nhật ký hay tiết lộ những thông tin bí mật khiến chúng tôi bị xúc phạm.

Lộ Lộ (người thứ 2 từ trái sang):

Lộ Lộ (người thứ 2 từ trái sang): "Chúng tôi bị bạo hành trong giờ học".

“Nhiều bạn còn bị bạn học lột quần áo trần truồng để xem cơ thể. Hay bị nhà trường đuổi học và bắt chúng tôi theo khuôn phép “less” (đồng tính nữ - PV) phải mặc áo dài…; “gay” (đồng tính nam –PV) phải mặc vét đến trường…Thực tế, nhà trường, thầy cô thiếu thông tin cần thiết nên vô tình để môi trường giáo dục trở thành điều khủng khiếp nhất chúng tôi phải trải qua”, Lộ Lộ thẳng thắn nói.

Jessica - người nam chuyển giới: “Chúng tôi sử dụng thuốc suốt cuộc đời”

Hơn thế, ngay sự kỳ thị tồn tại ở các bệnh viện, cơ sở y tế khi những người đồng tính, chuyển giới đến khám chữa. Ngay bản thân Jessica (người nam chuyển giới) tên thật là Nguyễn Hữu Toàn (SN 1987)  là một người chuyển giới nhưng không hề nhận được sự tư vấn nào mà chỉ nhận được sự kỳ thị khi sử dụng dịch vụ y tế.

Jessica - người nam chuyển giới cho biết, cô muốn sống thật với giới tính của mình.

Jessica - người nam chuyển giới cho biết, cô muốn sống thật với giới tính của mình.

Jessica kể lại: “Tôi không được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế vì tên thẻ là tên nam “Nguyễn Hữu Toàn” nhưng khi đến khám là nữ nên họ không chấp nhận. Khi tôi có dự định chuyển giới, tôi đến bệnh viện thì không ai biết hết nên tôi tự tìm hiểu và sau tôi phải tự sử dụng thuốc. Hiện nay, chưa có nhà tư vấn tâm lý để giúp những người có dự định chuyển giới và thiếu công tác chăm sóc những người sau khi chuyển giới ở Việt Nam”.

Hoàng Yến – đồng tính nữ: “Pháp luật vẫn là khoảng trống…”

Bên cạnh đó, điều cốt lõi chính là khó khăn trong chính sách, pháp luật hiện nay ở nước ta. Thẳng thắn bày tỏ về vấn đề này, Nguyễn Hoàng Yến (một người đồng tính nữ) – làm việc tại Trung tâm ICS cho rằng: “Pháp luật vẫn là khoảng trống đối với người LGBT”.

Nguyễn Hoàng Yến (đồng tính nữ) cho rằng, pháp luật nên đưa ra quy định để  bảo vệ quyền của người LGBT.

Nguyễn Hoàng Yến (đồng tính nữ) cho rằng, pháp luật nên đưa ra quy định để bảo vệ quyền của người LGBT.

Yến dẫn chứng: Ở Quảng Bình xảy ra một vụ một người chuyển giới bị 3 người đàn ông hiếp dâm nhưng không được pháp luật xử vì trên giấy tờ người bị hại vẫn là…nam giới!

Hay đám cưới đồng tính nữ ở Cà Mau bị dừng lại, chính quyền xuống can thiệp. Gia đình hai bạn nữ hứa cam kết không tái phạm nữa. Và khi chúng tôi xuống, người mẹ nói: “Trời cứ sinh người đồng tính thì sao hả cô?”.

Và gần đây, công an phường nhất quyết không cho hai người nữ đăng ký tạm trú ở phường chỉ bởi họ là đồng tính!

“Những người LGBT không được thay tên, đổi giới tính. Luật hôn nhân gia đình cấm kết hôn cùng giới. Và hiện chưa có luật chống phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới/ thể hiện giới. Theo tôi, khi đã có quy định pháp luật thì sẽ tác động đến con người, giáo dục, gia đình, xã hội để người LGBT thật sự dám sống thật với con người mình và được hưởng quyền của một công dân”, Hoàng Yến bày tỏ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại