Ba đứa trẻ chăm mẹ ung thư phải xạ trị 5 lần ở đảo Lý Sơn

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Bố mất do tai nạn trên biển, mẹ bị ung thư dạ dày đang phải xạ trị, gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên đôi vai của ba đứa trẻ mới chỉ hơn 10 tuổi ở nơi đảo Lý Sơn.

17 người đi trên chuyến tàu xuất phát từ đảo Lý Sơn vào ngày mùng 9/1/2014 (âm lịch) do anh Nguyễn Văn Quang (46 tuổi, thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) làm chủ tàu thì chỉ có 16 người trở về. Anh Nguyễn Văn Quang đã mãi hòa mình vào sóng biển Đông, để lại người vợ mang trong mình căn bệnh ung thư dạ dầy đã phải xạ trị 5 lần và 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học.

Khi đoàn từ thiện của Báo điện tử Trí Thức Trẻ đến Lý Sơn trao 117.000.000đ cho các gia đình ngư dân khó khăn và bị tàu Trung Quốc đâm, hỏi thăm tới gia đình anh Quang, người lái xe thở dài lắc đầu: “Gia đình đó đúng là một bi kịch”. Rồi chiếc xe lặng lẽ nổ bánh đưa chúng tôi tới với những “bi kịch gia đình” đang tồn tại ở đảo Lý Sơn – nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

Nhà báo Bùi Ngọc Hải (Phó Tổng biên tập báo điện tử Trí Thức Trẻ) và cô giáo Ngô Thị Anh Thơ (cựu giáo viên đại học Tổng hợp) trao quà cho chị Trương Thị Tiền

Nhà báo Bùi Ngọc Hải (Phó Tổng biên tập báo điện tử Trí Thức Trẻ) và cô giáo Ngô Thị Anh Thơ (cựu giáo viên Đại học KHXHNV) trao 13.700.000đ cho chị Trương Thị Tiền (trong số này có đóng góp của nhóm Facebook Cùng góp gió cho Lý Sơn). Tại đây cô giáo Ngô Anh Thơ, cựu đặc công Lê Tôn Thực, chị Thu Hằng...đã rút tiền túi tặng thêm để chia sẻ khó khăn với người phụ nữ bất hạnh.

Trong căn nhà 2 gian ở cuối con đường nhỏ, bên di ảnh của anh Quang, khói hương vẫn nghi ngút. Thoáng nhìn lên bộ quần áo treo trên tường, bà Mai Thị Lợi (65 tuổi, mẹ vợ anh Quang) nói trong đau đớn: “Bộ quần áo ấy nó mới sắm hồi tết Giáp Ngọ và cũng mới chỉ mặc được một lần…”. Nói rồi, bà nhìn sang cô con gái cũng đang hướng đôi mắt mệt mỏi về phía di ảnh chồng.

Khi đôi mắt ấy trở lại với thực tại, chị Trương Thị Tiền (40 tuổi, vợ anh Quang) kể cho chúng tôi nghe những sóng gió dồn dập ập tới ngôi nhà nhỏ và đôi vai gầy của chị. Với anh Quang, quãng thời gian ở biển có lẽ nhiều hơn ở nhà và đánh cá là nghề mưu sinh chính của gia đình chị. Khi được hỏi tới gia cảnh nhà chồng, tiếng nói của chị Tiền như chùng xuống giữa rất nhiều câu hỏi dành cho mình.

Anh Quang là con thứ 4 trong gia đình có 6 người con. 3 người đã mãi ra đi và chỉ còn lại 3 anh chị em với người mẹ mù lòa sống ở xã An Vĩnh (Lý Sơn). Cuộc sống vất vả nên từ khi mới 15 tuổi, anh Quang đã theo tàu cá ở địa phương bám biển kiếm tiền hỗ trợ gia đình.

Giờ đây, biển đã mãi ôm anh vào lòng còn chị Tiền thì sống trong câu hỏi vô vọng về nguyên nhân của sự ra đi ấy. Và cái nghèo khó vẫn đeo bám gia đình anh.

Chị Tiền bên 2 con nhỏ (ngồi cạnh chị ở hai bên) và mẹ đẻ
Chị Tiền bên 2 con nhỏ (ngồi cạnh chị ở hai bên) và mẹ đẻ

“Ngày 24/6/2013, tôi phát hiện mình bị ung thư. Khi đó chồng vẫn còn bên cạnh để đưa đi khám rồi mổ ở bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giờ thì…Mỗi lần đau chỉ có một mình lo toan, chống chọi với bệnh tật”. Nói tới đây, giọng người phụ nữ ấy nghẹn lại nhưng chị không khóc thành tiếng. Có lẽ, cuộc sống đã giúp những người phụ nữ như chị dù trong hoàn cảnh nào vẫn phải giữ cho mình tinh thần “thép”. Vì dù bệnh tật nhưng chị vẫn còn ba đứa con nhỏ.

Khẽ kéo vạt áo và để lộ vết mổ trượt dài khoảng 20cm ở bụng, chị Tiền kể: “Tôi đi xạ trị 5 lần rồi, mỗi lần cũng tốn kém gần 20 triệu đồng. Lần xạ trị gần đây nhất lẽ ra là vào tháng 5 năm 2014. Nhưng không có tiền nên tôi chưa đi. Xạ trị nhiều lần tóc cũng rụng hết, giờ mới mọc được ít tóc như thế đấy”.

Chị Tiền cho chúng tôi xem xấp giấy tờ là những sổ khám bệnh, phiếu thu, đơn thuốc... của bệnh viện
Chị Tiền cho chúng tôi xem xấp giấy tờ là những sổ khám bệnh, phiếu thu, đơn thuốc... của bệnh viện

Chạy từ ngoài sân vào và nhanh chóng ngồi lọt trong lòng mẹ, bé Nguyễn Văn Phúc (10 tuổi, con trai thứ hai của chị Tiền) khoe với chúng tôi “thành tích” mình vừa làm được trong những ngày nghỉ hè này, giọng phấn khởi cắt ngang dòng suy tư của mẹ: “Con và chị Đậu (con gái lớn của chị Tiền – PV) vừa bắt được 2kg ốc. Chị vẫn đang tiếp tục bắt ốc ngoài đó”. Rồi bé một mình sôi nổi với câu chuyện lao động của mình. Sống giữa vùng đất bao quanh là sóng mặn của biển, đứa trẻ lên 10 ấy rắn rỏi, ra vẻ người lớn lắm.

Từ nhỏ đã ra bãi bắt ốc những lúc nhàn rỗi để đỡ đần bố mẹ nên với Phúc, công việc này không hề khó. Từ ngày bố mất, Phúc thương mẹ nhiều hơn. Bởi lẽ: “Mẹ bị bệnh nặng và hay đau lắm. Thỉnh thoảng mẹ còn khóc mà trong nhà thì không có tiền nên con thương mẹ nhiều. Nhiều đêm con vẫn mơ thấy bố và con nhớ bố”, Phúc nói với chúng tôi những tâm sự rất “trẻ con” của em. Và trong suy nghĩ “trẻ con” ấy, em đã hiểu được, bố Quang đã mãi không về.

Ngồi trước di ảnh bố, Phúc thỏ thẻ: “Sau này lớn lên, con không muốn đi tàu như bố vì nguy hiểm lắm”. Thế nhưng, khi được hỏi: “Em muốn làm gì?”, Phúc chỉ tủm tỉm cười rồi nắm chặt tay mẹ: “Con không biết”.

Ôm đứa con nhỏ vào lòng, chị Tiền nhớ lại ngày nhận tin dữ từ biển khơi báo về.

“Phải sau 4 ngày 4 đêm, thi thể anh mới được đưa về đất liền. Lúc ấy tôi đã chết lặng không còn biết gì”.

Thấy con gái im lặng sau câu chuyện của mình, ngồi kế bên bà Lợi chia sẻ thêm:

“Những ngày này, tôi phải thường xuyên qua đây để đỡ đần công việc cho gia đình Tiền. Ngày tầu cập bến, thấy mọi người về mà chồng không về, nó đã khóc lên khóc xuống. Ban đầu, mọi người giấu và chỉ cho anh thứ 3 của chồng cái Tiền biết tin nhưng cái gì tới vẫn phải đối mặt thôi. Khi hay tin chồng mất, nó đau. Đau cả vì bệnh và đau cả tinh thần. Lúc nhìn thấy thi thể chồng thì nó ngất đi và không biết gì nữa”.

Những lời động viên chia sẻ của các thành viên trong đoàn từ thiện đã tiếp thêm sức mạnh cho chị Trương Thị Tiền tiếp tục cố gắng điều trị để làm điểm tựa cho ba đứa con nhỏ.
Những lời động viên chia sẻ của các thành viên trong đoàn từ thiện đã tiếp thêm sức mạnh cho chị Trương Thị Tiền tiếp tục cố gắng điều trị để làm điểm tựa cho ba đứa con nhỏ.

Chị Tiền cắt ngang lời mẹ, chuyển câu chuyện sang hướng khác: “Nếu có tiền, tôi sẽ dành mua quần áo, sách vở cho các con”.

Bởi lẽ, người mẹ ấy luôn mang nặng suy nghĩ, giờ bố mất, mẹ bệnh không làm được việc nặng, bà cũng già yếu, ba đứa con thơ phải sớm quẳng mình vào đời để mưu sinh lo cho mẹ và lo cho chính bản thân mình. Lao động chính trong gia đình không ai khác chính là Nguyễn Thị Đậu, đứa con gái lớn mới học lớp 8 của chị với những lúc tranh thủ giờ nghỉ học đi bắt cua, bắt ốc…

Mỗi lần vào viện cũng mất khoảng 1 tuần, ngoài nỗi lo kinh tế chị còn lo cho các con ở nhà. Nhìn đôi mắt cứ liên tục mấp máy của Phúc, chị Tiền càng thêm lo lắng: “Mấy hôm nay đôi mắt của cháu nó cứ liên tục bị như thế. Tôi lo bị sao nên dù khó khăn về kinh tế cũng phải cố cho cháu đi khám”.

“Trăm dâu đổ đầu tằm” và đổ lên chính cuộc sống của chị khi phía trước vẫn là năm học mới của các con và những lần xạ trị tại bệnh viện đang chờ chị trở lại.  

Nắm tay chúng tôi thật chặt khi tiễn mọi người ra về, chị Tiền không giấu được xúc động: "Những lời động viên, chia sẻ của các thành viên trong đoàn từ thiện đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiếp tục cố gắng điều trị để làm điểm tựa cho ba đứa con nhỏ".

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại