WSJ: ASEAN cần thay đổi quy tắc để ra tuyên bố chung

Hải Võ |

Học giả người Australia cho rằng ASEAN có thể cân nhắc thay đổi cơ chế ra những quyết định quan trọng trong lĩnh vực an ninh, mô phỏng theo chính cách thức của khối ở mảng kinh tế.

Reutars, Kyodo News cùng nhiều hãng thông tấn quốc tế đưa tin, đại diện các quốc gia thành viên tham dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) tại Vientiane, Lào không thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông trong phiên họp ngày 24-7.

Nguyên nhân được nêu ra là Campuchia từ chối đề cập bất kỳ nội dung nào liên quan đến tranh chấp ở biển Đông hay phán quyết vụ kiện giữa Philippines-Trung Quốc tại Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Theo tờ Wall Street Journal (Mỹ), các nhà ngoại giao cho biết đa số thành viên ASEAN kỳ vọng đạt được một tuyên bố chung cho phép khối thể hiện lập trường ủng hộ phán quyết của tòa án quốc tế.

Đây là lần đầu tiên kể từ 2012, khi hội nghị được tổ chức tại Phnompenh (Campuchia), ngoại trưởng các nước ASEAN không ra được tuyên bố chung. Trong lịch sử 49 năm của ASEAN, chỉ có hai lần các ngoại trưởng không đạt được đồng thuận.

WSJ cho hay, tình trạng bế tắc đã thúc đẩy các bên mở ra cuộc thảo luận về khả năng thay đổi quy tắc trong ASEAN, cho phép khối đạt được tiến triển ở những vấn đề gây tranh cãi bằng cách thông qua quan điểm được đa số thành viên ủng hộ, đồng thời bảo lưu lập trường khác biệt của những thành viên khác.

Đây là biện pháp mô phỏng theo cách thức ASEAN xây dựng các sáng kiến kinh tế của mình, và có thể xem là gợi ý để tạo ra bước ngoặt trong việc ra những quyết định quan trọng đối với ASEAN.

Chuyên gia Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Chính sách quốc tế Lowy (Australia) nhận định:

"Nếu ASEAN muốn tồn tại thì mô hình 'ASEAN-quốc gia X' cần phải thích nghi với lĩnh vực an ninh, giống như trong lĩnh vực thương mại. ASEAN không thể bị ràng buộc bởi một vài thành viên như thời gian qua."

Tuy nhiên, theo ông Graham, thách thức lớn nhất là để đạt được quy tắc ra quyết định mới, ASEAN vẫn cần phải đạt được sự nhất trí của toàn bộ thành viên theo đúng quy định hiện hành. Đây cũng là cơ hội để Trung Quốc tìm cách ngăn cản.

WSJ cho hay, Indonesia là một trong số quốc gia tỏ rõ sự thất vọng khi ASEAN không đạt được đồng thuận.

Đại diện nước này hôm 23/7 đã tổ chức cuộc họp nhằm đạt thỏa thuận ở một loạt quy tắc cần tuân thủ trong những ngày diễn ra hội nghị lớn tiếp theo. Các nhà ngoại giao xem đây là cơ hội để thuyết phục Campuchia "trở lại quỹ đạo", nhưng kết quả cuộc họp đã không đi tới thống nhất.

Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao giấu tên tại hội nghị AMM-49 nói: "Campuchia phản đối bất kỳ cụm từ nào liên quan đến phán quyết của PCA hay quân sự hóa (biển Đông)."

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi gọi cuộc họp dạng này là biện pháp thiện chí nhằm nhắc nhở các thành viên ASEAN chú ý đến những quy tắc và giá trị quan.

"Chúng ta cần ASEAN, như một khối thống nhất, lên tiếng về tầm quan trọng của việc gìn giữ ngôi nhà của chúng ta," bà nói. "Chúng ta phải bảo vệ ngôi nhà chung này, và Indonesia sẽ đi đầu."

"Điều đầu tiên, tôi nghĩ, là các thành viên ASEAN cần phải đoàn kết," bà Marsudi nói.

Cũng theo WSJ, các nhà ngoại giao ASEAN đã kỳ vọng Trung Quốc mềm mỏng hơn trong lập trường về biển Đông, bên cạnh việc Bắc Kinh đã không đề cập đến yêu sách "Đường 9 đoạn" trong các văn kiện chính thức của nước này từ sau phán quyết PCA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại