Vừa hết chiến tranh, Lê Thái Tổ cho 25 vạn lính về quê làm ruộng

B.T sưu tầm, SGK Sử 7 |

Động thái này là để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, 10 vạn người được chia nhau luân phiên sản xuất.

Kinh tế

Hai mươi năm dưới ách thống trị của phong kiến nhà Minh, nước ta đã lâm vào tình trạng xóm làng điêu tàn, ruộng đồng bỏ hoang, đời sống nhân dân cực khổ. Để nhanh chóng phục hồi và phát triển nông nghiệp, vua Lê Thái Tổ cho 25 vạn lính (trong tổng số 35 vạn) về quê làm ruộng ngay sau chiến tranh. 

Con lại 10 vạn người được chia làm 5 phiên thay nhau về quê sản xuất. Nhà Lê kêu gọi nhân dân phiêu tán trở về quê làm ruộng, đặt ra một số chức quan chuyên lo về nông nghiệp như Khuyến nông sứ, Hà đê sứ, Đồn điền sứ, định lại chính sách chia ruộng đất công làng xã gọi là phép quân điền, cấm giết trâu bò bừa bãi, cấm điều động dân phu trong mùa cấy, gặt.

Để khai phá vùng đất bồi ven biển, nhà Lê đắp nhiều con đê ngăn nước mặn có kè đá chắc chắn. Di tích những đoạn đê đó đến nay vẫn còn, nhân dân thường gọi là "đê Hồng Đức". Ở Thanh Hóa, nhiều sông đào được khai từ thế kỉ XV, đến nay còn mang tên "sông nhà Lê".

Vừa hết chiến tranh, Lê Thái Tổ cho 25 vạn lính về quê làm ruộng - Ảnh 1.

Tiền đồng thời Lê sơ (Nguồn ảnh: tienvietnam.vn)

Công thương nghiệp

Các ngành, nghề thủ công truyền thống có các làng xã như kéo tơ, dệt lụa, đan lát, làm nón, đúc đồng, rèn sắt, làm đồ gốm v.v... ngày càng phát triển. Nhiều làng thủ công chuyên nghiệp nổi tiếng ra đời. Thăng Long là nơi tập trung nhiều ngành nghề thủ công nhất.

Các làng thủ công chuyên nghiệp nổi tiếng bấy giờ có làng Hợp Lễ, Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội) làm đồ gốm; làng Đại Bái (Bắc Ninh) đúc đồng; làng Vân Chàng (Nam Định) rèn sắt v.v...

Các phường thủ công ở kinh thành Thăng Long như: phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa, phường Yên Thái làm giấy, phường Hàng Đào nhuộm diều v.v...

Các công xưởng do nhà nước quản lý, gọi là Cục bách tác, sản xuất đồ dùng cho nhà vua, vũ khí, đóng thuyền, đúc tiền đồng...; các nghề khai mỏ đồng, sắt, vàng được đẩy mạnh.

Nhà vua khuyến khích lập chợ mới, họp chợ, ban hành những điều lệ cụ thể quy định việc thành lập chợ và họp chợ.

"Trong dân gian, hễ có dân là có chợ để lưu thông hàng hóa, mở đường giao dịch cho dân. Các xã chưa có chợ có thể lập thêm chợ mới. Những ngày họp chợ mới không được trùmg với ngày họp chợ cũ hay trước ngày họp chợ của chợ cũ để tránh tình trạng giành tranh khách hàng của nhau".

(Điều lệ họp chơ - Đại Việt sử kí toàn thư)

Việc buôn bán với nước ngoài được duy trì. Thuyền bè các nước láng giềng qua lại buôn bán ở một số cửa khẩu như Vân Đồn, Vạn Ninh, Hội Thống và một số địa điểm ở Lạng Sơn, Tuyên Quang được kiểm soát chặt chẽ. Các sản phẩm sành, sứ, vải, lụa, lâm sản quý là những thứ hàng được thương nhân nước ngoài ưa chuộng.

Vừa hết chiến tranh, Lê Thái Tổ cho 25 vạn lính về quê làm ruộng - Ảnh 2.

Đồ gốm thời Lê sơ (Nguồn ảnh: luxurydaily.vn)

Xã hội

Trong xã hội, giai cấp nông dân chiếm tuyệt đại đa số dân cư, sống chủ yếu ở nông thôn. Họ có rất ít hoặc không có ruộng đất, phải cày ruộng đất công, nộp tô, thuế đi phục dịch cho nhà nước (đi lính, đi phu...) hoặc phải cấy cày ruộng thừa của địa chủ, quan lại và phải nộp một phần hoa lợi (gọi là tô) cho chủ ruộng.

Nông dân là giai cấp bị bóc lột, nghèo khó trong xã hội.

Tầng lớp thương nhân, thợ thủ công ngày càng đông hơn, họ phải nộp thuế cho nhà nước và không được xã hội phong kiến coi trọng.

Nô tì là tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, bao gồm cả người Việt, người Hoa, dân tộc ít người.

Pháp luật nhà Lê hạn chế nghiêm ngặt việc bán mình làm nô hoặc bức dân tự do làm nô tì. Nhờ vậy, số lượng nô tì giảm dần.

Nhờ sự nỗ lực của nhân dân và chính sách khuyến nông của nhà nước, cuộc sống của nhân dân được ổn định, dân số ngày càng tăng. Nhiều làng mới được thành lập. Nên độc lập và thống nhất của đất nước được củng cố. Quốc gia Đại Việt là quốc gia cường thịnh nhất ở Đông Nam Á thời bấy giờ.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 7, tr. 97-98-99.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại