Vừa cấp cứu vừa oằn mình khiêng bệnh nhân

Trần Ngọc |

Khoảng 23 giờ ngày 13-2 (tức 28 Tết), chuông điện thoại Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM reo vang. Đầu dây báo cụ bà NTH (85 tuổi, ở quận 5, TP.HCM) bị té gãy xương.

Lập tức, tổ cấp cứu gồm y sĩ Nguyễn Quang Minh (phụ trách) và hai điều dưỡng Vũ Hoàng Quốc Dư, Bùi Thị Bích Ngọc nhanh chóng lên xe do anh Võ Lâm Khai Nguyên điều khiển.

Do cận Tết, lượng người về quê khá đông nên đường xá thông thoáng. Vì vậy chưa độ năm phút, tổ cấp cứu đã có mặt tại nhà bà H. và bắt tay vào việc.

Vừa cấp cứu vừa oằn mình khiêng bệnh nhân - Ảnh 1.

Y sĩ Minh đang khám cho bà H. Ảnh: TRẦN NGỌC

Sau khi thăm khám, y sĩ Minh quyết định chuyển bà H. tới bệnh viện (BV) điều trị. Ngặt nỗi cầu thang quá hẹp, chỉ khoảng 50 cm nên không thể đưa băng ca lên. Y sĩ Minh đề nghị gia đình bà H. tìm thêm người trợ giúp.

Sau khi đủ năm người, bà H. được đặt lên tấm mền. Tiếp theo, hai thanh niên một bên, tổ cấp cứu ba người một bên nâng bà H. lên và chuẩn bị di chuyển xuống lầu.

Khi đưa bà H. xuống cầu thang, hai thanh niên mỗi người một đầu nắm chặt tấm mền. Ba nhân viên cấp cứu 115 đứng nép một bên vừa di chuyển từng bước vừa nắm chặt hai mép tấm mền để kìm chặt bà H. Cuối cùng, bà H cũng được chuyển khỏi nhà an toàn. Bà H. được đưa lên xe cấp cứu để chuyển tới BV Đa khoa Sài Gòn (quận 1) điều trị.

Vừa cấp cứu vừa oằn mình khiêng bệnh nhân - Ảnh 2.

Ba nhân viên cấp cứu 115 đang khiêng bà H. xuống đất. Ảnh: TRẦN NGỌC

Trò chuyện với phóng viên, y sĩ Minh cho biết mọi người cứ tưởng nhân viên cấp cứu 115 chỉ có nhiệm vụ sơ cứu, cấp cứu bệnh nhân. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Đa phần bệnh nhân sau khi được sơ cứu, cấp cứu buộc phải chuyển tới BV điều trị.

“Nếu nhà bệnh nhân rộng rãi thì dễ dàng đưa băng ca vào. Tuy nhiên nếu nhà chật hẹp, bệnh nhân lại ít người thân thì buộc nhân viên cấp cứu 115 phải đưa bệnh nhân ra khỏi nhà rồi chuyển đi BV” – y sĩ Minh nói.

Theo y sĩ Minh, không ít bệnh nhân sống trong nhà có cầu thang xoắn ốc hoặc cầu thang gỗ cũ mục. Do vậy, khi di chuyển bệnh nhân phải hết sức cẩn thận để không làm đau và tuyệt đối đảm bảo an toàn.

“Nam còn đỡ, dù sao sức lực cũng tốt hơn. Chứ nhiều chị em cấp cứu 115 khi đưa bệnh nhân ra khỏi nhà đôi khi thở không ra hơi, mồ hôi đẫm áo. Tuy nhiên vì trách nhiệm công việc nên không ai thở than” – y sĩ Minh chia sẻ.

“Nói ra điều này không phải kể lể, nhưng thực tế đa phần nhân viên cấp cứu 115 đều đau sống lưng do thường xuyên khiêng bệnh nhân” – y sĩ Minh trải lòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại