Vũ khí laser thời Liên Xô sống lại để đối đầu Mỹ

Thùy Dung |

Để đối trọng với Mỹ trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao - laser, Nga quyết định hồi sinh chương trình máy bay A-60 có từ thời Liên Xô.

Nỗ lực của Nga

Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Phó Tổng giám đốc tập đoàn "Công nghệ vô tuyến điện tử" (KRET) của Nga, ông Vladimir Mikheev cho biết, loại máy bay A-60 mà tập đoàn này đang nghiên cứu chế tạo sẽ được trang bị tia laser có khả năng bắn trúng đối phương ở trên không.

"A-60 sẽ có hệ thống định vị siêu chính xác, vì để các tia hẹp của vũ khí trên máy bay này bắn trúng các đối tượng, phi hành đoàn phải xác định chính xác vị trí của mục tiêu trong không gian", ông Mikheev cho biết.

Ông cũng giải thích rằng việc mang theo vũ khí laser rất nguy hiểm cho phi hành đoàn, vì vậy KRET sẽ chế tạo hệ thống hỗ trợ sự sống đặc biệt dành cho phi công.

Ngoài ra, máy bay sẽ được trang bị hệ thống bảo vệ mạnh mẽ vì ông Mikheev cho rằng "các phương tiện hủy diệt hiện đại nhất sẽ nhắm vào A-60." Theo ông Mikheev, loại máy bay này sẽ được trang bị hàng loạt vũ khí chiến tranh điện tử như "Vitebsk", "Khibiny" và một số hệ thống khác.

Dù ông Vladimir Mikheev tuyên bố, KRET đang phát triển chương trình máy bay A-60 với hệ thống vũ khí laser cực mạnh mẽ, tuy nhiên theo những thông tin được công khai trước đó, thực chất, A-60 là máy bay thuộc chương trình vũ khí công nghệ cao được phát triển từ thời Liên Xô.

Có 2 chiếc A-60 được Liên Xô chế tạo, chiếc đầu tiên bốc cháy năm 1989 ngay trên đường băng trong một lần thử nghiệm, chiếc thứ hai được cất cánh một lần trước khi Liên Xô tan rã năm 1991.

 Vũ khí laser thời Liên Xô sống lại để đối đầu Mỹ  - Ảnh 1.

Máy bay A-60

Mỹ đi trước thời đại?

Theo Defense One, trong cuộc Hội thảo chuyên đề phòng thủ tên lửa và không gian lần thứ 19 vừa tổ chức tại Huntsville, bang Alabama, Mỹ vừa qua cho biết, quân đội Mỹ hiện đang trong quá trình nâng cấp hoàn thiện các thiết bị laser trong hệ thống vũ khí phòng thủ chống tên lửa.

Hãng Lockheed Martin vừa tiết lộ về những tiến triển trong chương trình SMDS của mình, trong đó có một nguyên mẫu có công suất 10 kW có thể “đánh bại phương tiện bay cỡ nhỏ và tàu mặt nước”, và một vụ thử thiết bị có công suất 30 kW đã thành công đánh trúng một chiếc xe tải đang đứng yên.

Hiện nay, Không quân Mỹ đang muốn phát triển một thiết bị bay mang vũ khí laser có công suất 120 kW, hạn định hoàn thành là năm 2020. Trong khi đó, Hải quân Mỹ cũng đã thử nghiệm thành công súng laser công suất 30kW đặt trên tàu chiến có thể bắn hạ UAV.

Không chịu kém cạnh, Lockheed tuyên bố kỹ thuật độc nhất vô nhị của họ mang tên Spectral Beam Combining (SBC) khiến hệ thống vũ khí của họ có khả năng "chiếu những chùm tia laser có bước sóng riêng biệt từ những module, hội tụ chúng lại thành một chùm tia chất lượng cao, mạnh mẽ và đơn nhất".

Tập đoàn này đang tiến hành chế tạo một hệ thống vũ khí laser có công suất 60 kW cho quân đội Mỹ. "Tôi nghĩ là trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ đạt mục tiêu của mình", Doug Graham - đại điện các chương trình tên lửa và vũ khí tiên tiến của Lockheed tiết lộ.

Được biết, ngay từ năm 1973, Mỹ đã ghi dấu trong lĩnh vực vũ khí công nghệ cao. 

Thông tin này được trang Popularmechanics hôm 30/8 cho biết, vào ngày 13/11/1973, dự án vũ khí laser của ARPA (nay là DARPA, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) gọi là Quân bài số 8 đã chiếu tia laser lên một máy bay không người lái MQM-33B bay trên căn cứ không quân Kirtland ở sa mạc bang New Mexico.

Tia laser chiếu đủ lâu để thân bằng nhôm của chiếc máy bay nóng lên, khiến máy bay mất kiểm soát và rơi xuống sa mạc. Ngay sau vụ bắn hạ này, Mỹ đã thu gom mảnh máy bay và phát hiện tia laser đã đốt cháy các dây dẫn điện của máy bay, và thực sự chỉ gây thiệt hại nhỏ nhưng lại có kết quả vì máy bay mất kiểm soát và rơi.

Ngày hôm sau dự án tiếp tục thử nghiệm nhưng lần này bắn hụt chiếc máy bay khác, và chùm tia laser vô tình chiếu vào tháp nước bằng kim loại của căn cứ, khiến nó sáng bừng lên.

Theo thông tin của Popularmechanics, những cuộc thử nghiệm này là nằm trong chương trình Quân bài số 8 nhằm tạo ra vũ khí cho chiến đấu cơ chống lại máy bay đánh chặn và tên lửa đất đối không của Liên Xô, nhất là sau vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba đầu những năm 1960.

Sau vụ thử năm 1973, Mỹ vẫn còn thử nghiệm vũ khí laser riêng rẽ. Đến nay mới có Hải quân là trang bị được vũ khí laser trên tàu chiến (USS Ponce, từ tháng 12/2014) và đã dùng để bắn cháy máy bay không người lái cỡ nhỏ, tàu cao tốc cỡ nhỏ và cả máy bay có người lái cỡ nhỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại