Vũ khí bơm hơi và chiến lược đặc biệt của quân đội Nga

Hương Giang |

Mỗi dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng 9/5, Nga lại tự hào phô diễn các trang thiết bị quân sự, vũ khí đời mới nhất của nước này tại Quảng trường Đỏ.

Xe tăng, xe chở tên lửa và rocket trị giá hàng tỉ đô la chạy rầm rầm trên con đường lát đá huyền thoại. Nhưng không mấy người biết rằng Nga còn có các "đồ chơi" khác mang hình dáng và đặc điểm tương tự các vũ khí hiện đại của nước này, với giá tiền chỉ bằng một phần rất nhỏ.

Vũ khí bơm hơi giống hệt vũ khí thật

Trên một cánh đồng nhỏ nằm ngoài Moskva, hai người đàn ông đang chậm rãi kéo ra một kiện đồ nhỏ, chứa một đống vải đặc biệt có màu xanh đậm. Họ khởi động máy bơm hơi và chỉ trong vòng vài phút, một hệ thống tên lửa phòng không S-300 đã xuất hiện.

Hệ thống tên lửa bơm hơi này dĩ nhiên không thể bắn hạ máy bay đối phương. Nhưng nó vô cùng giống với “hàng thật” và đối phương phải đi tới cự ly dưới 300 m mới nhận ra đó chỉ là một mô hình. 

Đây chỉ là một trong các sản phẩm do công ty Rusbal của Nga chế tạo. Bộ Quốc phòng Nga hiện đang đàm phán với Rusbal để phát triển nhiều vũ khí bơm hơi như thế, nhằm đưa chúng ra chiến trường và đánh lừa kẻ thù.

“Những thiết bị này rất hiệu quả trong việc đánh lừa đối thủ và chúng bảo vệ thiết bị quân sự thực”, ông Victor Talanov, giám đốc marketing của Rusbal chia sẻ với phóng viên BBC, “Dạng công nghệ đánh lừa như thế này đã tồn tại từ rất lâu, kể từ thời Thế chiến 2”.

Rusbal được cha của Talanov thành lập vào năm 1993 và bắt đầu kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất khí cầu, lâu đài bơm hơi, hình nộm quảng cáo bơm hơi. Năm 1995, công ty mới tiếp cận với quân đội Nga để thảo luận về việc chế tạo vũ khí bơm hơi.

Sau đó, công ty bắt đầu sản xuất nhiều sản phẩm theo đơn đặt hàng của quân đội Nga, gồm các xe tăng T-72, T-80, giàn phóng tên lửa S-300, máy bay Su-27, MiG-31 cho tới cả trạm radar bơm hơi. 

Rusbal thậm chí có thể tạo mô hình bơm hơi của cả một căn cứ quân sự to lớn, với những món đồ bơm hơi trong đó vẫn đứng vững kể cả trong tình huống bị đạn hoặc mảnh bom xuyên trúng.

Theo lời Talanov, các vũ khí bơm hơi của Rusbal rất nhẹ, bền bỉ và dễ dàng di chuyển. Chúng không chỉ giống về bề ngoài mà còn mô phỏng vũ khí thật trên mọi khía cạnh, từ dấu hiệu nhiệt, dấu hiệu cận hồng ngoại và tín hiệu phản xạ radar.

Như thế, vũ khí bơm hơi của Nga đã có thể qua mắt gần như mọi hệ thống dẫn đường vũ khí đang tồn tại hiện nay, ngoại trừ cảm biến siêu phổ nhìn từ vũ trụ! Rusbal cũng bán các sản phẩm mô phỏng trạm radar, rất tiện lợi trong tình huống đối thủ dùng tên lửa diệt radar tầm xa, chuyên lần theo tín hiệu sóng radar.

Trong cuộc tiếp xúc với BBC, công nhân của Rusbal đã phô diễn một vũ khí bơm hơi khác - một chiếc xe tăng T-80. Chỉ trong 3 phút, đống vải đặc biệt nặng chừng 100 kg đã biến thành một chiếc xe tăng chủ lực đáng sợ nhờ máy bơm hơi. Nòng pháo được giữ cho thẳng bằng một thanh thép.

Để chứng minh cho lời nói của Talanov về trọng lượng của vũ khí bơm hơi, một trong những người công nhân của Rusbal tóm lấy phía trước chiếc xe tăng rồi kéo nó vào gần hệ thống S-300. 

Talanov không cho biết mỗi hệ thống T-80 dành cho quân đội có giá bao nhiêu. Tuy nhiên phiên bản thương mại của công ty thường có giá 6.000 USD. Phiên bản quân sự có giá gấp đôi như thế, dù vẫn rẻ hơn rất nhiều so với một chiếc T-80, có giá lên đến hàng triệu USD.

Nghệ thuật che mắt và giả dạng maskirovka

Hình nộm và vũ khí bơm hơi không phải là chiêu trò mới mẻ trong chiến tranh. Các lực lượng NATO từng ném bom vào những chiếc xe tăng giả của quân đội Serbia trong cuộc chiến Kosovo diễn ra hồi năm 1999. 

Tướng George Patton cũng xây dựng cả một “đội quân ma” để lừa người Đức nghĩ rằng quân Đồng minh sẽ đổ bộ vào vùng Pas-de-Calais thay vì Normandy trong ngày D-Day nổi tiếng.

Nhưng vũ khí bơm hơi ở Nga lại thuộc về một học thuyết quân sự sâu sắc hơn mang tên maskirovka. Đây là một nghệ thuật che mắt và giả dạng, đang dần có vai trò quan trọng chiến lược hơn, giúp Nga đạt được các tham vọng về địa chính trị.

Maskirovka là học thuyết phát triển theo thời gian. Ban đầu nó chỉ có ý nghĩa “ngụy trang”, nhưng dần đã phát triển thành nghệ thuật dùng khói và các phương thức khác để khiến đối phương khó đoán biết hoạt động của “quân ta.” Từ đây, học thuyết này tiếp tục được mở rộng hơn nữa về mặt ý nghĩa.

Ý tưởng đằng sau học thuyết maskirovka hiện nay là khiến kẻ thù phải suy đoán, không bao giờ thừa nhận ý định thật, luôn chối bỏ các hành động đã thực hiện và sử dụng mọi phương thức để duy trì lợi thế bất ngờ về mặt quân sự.

Theo New York Times, trong bối cảnh nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đang tăng cường thể hiện sức mạnh trên chính trường thế giới, điện Kremlin đã thực hiện một loạt chiến lược khác nhau để phục vụ việc này, gồm maskirovka.

Nhiều hoạt động triển khai quân sự gần đây của Nga đều áp dụng maskirovka, như việc điều những người lính bí ẩn không có phiên hiệu tới Crimea trước khi vùng lãnh thổ này sáp nhập vào Nga. Thông qua việc vận chuyển hàng “cứu trợ nhân đạo” tới Syria vào năm 2015, Nga đã đưa binh lính của nước này tới đây.

Và trong cuộc nội chiến ở Ukraine, Moskva đã gửi nhiều đoàn xe nhân đạo sơn trắng tới các tỉnh miền Đông Ukraine. Những chiếc xe này về sau được phát hiện là chẳng chở theo gì, làm dấy lên phỏng đoán chúng được gửi tới đó với ý nghĩa răn đe, khiến Ukraine lo ngại không dám mở chiến dịch chống quân ly khai.

Có thể nói maskirovka sâu sắc hơn nhiều việc sử dụng đồ ngụy trang hay hình nộm - một chiến thuật được rất nhiều quân đội sử dụng để đánh lừa đối thủ. Và học thuyết này đã được người Nga áp dụng từ rất lâu.

Ví dụ như các bản đồ có từ thời Liên Xô luôn chứa nhiều thông tin không chính xác, có thể khiến các tài xế điên đầu nếu dùng chúng. 

Tuy nhiên các bản đồ này lại phục vụ rất tốt cho mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia. Nếu một điệp viên vớ được tấm bản đồ, kẻ này có thể khiến một đạo quân xâm lược Nga lầm đường lạc lối và thay vì sử dụng những con đường tốt, chúng lại đi thẳng vào đầm lầy.

“Maskirovka “được thiết kế để thay đổi bức tranh thực tế của đối phương, bóp méo nó và cuối cùng can thiệp vào tiến trình ra quyết định của các cá nhân, tổ chức, các chính quyền và các xã hội”, Dima Adamsky, một nhà nghiên cứu về chiến tranh tâm lý của Nga, nhận xét. 

Theo Adamsky, các động thái đầu tiên của maskiovka, nếu được triển khai tốt, thường trông khá vô hại với đối thủ.

Gocha Kojayev, một quan chức của Bộ Nội vụ Gruzia, đã nếm mùi maskiovka. Sau cuộc chiến chớp nhoáng giữa Nga và Gruzia hồi năm 2005, ông Kojayev nằm trong thành phần một đội rà phá vật liệu nổ, được điều tới Nam Ossetia để mang về một chiếc máy bay không người lái do thám sơn màu vàng, đã rơi xuống một vườn táo ở đây. 

Chiếc máy bay trông khá vô hại. Thực tế thì có rất nhiều máy bay không người lái của Nga đã bị rơi trong khu vực này, khiến người Gruzia bắt đầu cười nhạo, cho rằng chúng được chế tạo rất tồi.

Trong ngày làm việc hôm đó, do linh cảm không lành vào phút chót nên ông Kojayev đã lùi lại khi một đồng nghiệp tiến tới nhặt chiếc máy bay không người lái. Cả nhóm không ngờ nó được nhét đầy thuốc nổ và vụ nổ xảy ra sau đó làm 2 người thiệt mạng, 8 người bị thương, gồm cả ông Kojayev.

“Đó là một cái bẫy”, ông nói sau này. “Chúng tôi cứ nghĩ các máy bay đó có chất lượng tồi, nhưng hóa ra người ta đã cố tình cho chúng rơi xuống.”

Ai nhiều chiêu trò hơn sẽ chiến thắng

Ở cánh đồng bên ngoài thủ đô Moskva, những người công nhân vẫn miệt mài trình diễn các loại vũ khí bơm hơi do Rusbal sản xuất.

Khác với những hình nộm được chế tạo bằng cao su như trước đây, vũ khí bơm hơi của Rusbal được làm bằng vải đặc biệt và quá trình bơm hơi diễn ra liên tục. 

Thông thường vũ khí bơm hơi làm từ cao su có thể xẹp hơi hoặc vỡ tan khi trúng mảnh bom, đạn. Nhưng vải của Rusbal vẫn giữ nguyên hình dáng nhờ hơi được thổi vào liên tục. Điều này khiến chúng không xẹp xuống khi bị ngoại lực tác động.

“Đầu tiên có rất nhiều người nghi ngờ”, bà Maria A. Oparina, giám đốc Rusbal, nói trong một cuộc phỏng vấn với New York Times ở Moskva. Tuy nhiên hoạt động trình diễn sau đó đã gây ấn tượng với các vị tướng”.

Công ty không tiết lộ đã làm bao nhiêu chiếc xe tăng, hệ thống tên lửa bơm hơi cho quân đội Nga, bởi các con số này là tuyệt mật. Nhưng bà Oparina cho biết doanh số đã tăng vọt trong năm 2015. 

Dù sao, các bản hợp đồng mua vũ khí bơm hơi chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong chương trình tái trang bị trị giá 660 tỉ USD của Nga, vốn kéo dài 10 năm, bắt đầu từ 2010. Công ty này tuyển dụng 80 người làm việc toàn thời gian, chủ yếu là khâu các vũ khí bơm hơi.

Những chiếc xe tăng và hệ thống tên lửa bơm hơi của Rusbal được chế tạo với mục đích chủ đạo là thu hút hỏa lực của đối phương. Với mỗi món đồ giả này có giá chỉ vài chục ngàn USD, nhưng khiến đối phương dùng tên lửa tấn công chính xác trị giá hàng triệu USD để tiêu diệt, quân Nga hiển nhiên đã có được thắng lợi.

Nhưng mục đích của các vũ khí bơm hơi không chỉ dừng ở đó. Chúng còn gây ảnh hưởng tới tiến trình ra quyết định của đối phương, buộc các chỉ huy của quân địch phí thời gian quý báu để kiểm tra xem mục tiêu họ sắp tấn công có phải thật hay không. Và nếu mắc mưu, họ thậm chí còn có thể thay đổi cả chiến lược quân sự.

“Không còn thỏa thuận giữa các quý ông trong chiến tranh hiện đại”, bà Oparina nói. “Ngày hôm nay chẳng ai mặc quân phục đỏ khi ra chiến trường. Chẳng ai đứng thẳng để kẻ khác nã súng vào mình. Hoặc anh hoặc tôi phải thắng. Người nào có chiêu trò hay hơn, kẻ đó sẽ thu được thắng lợi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại