Vụ hỏa hoạn thế kỷ khi “quả lựu đạn” 10.000 tấn phát nổ

Trúc Giang |

Tàu chở hàng mang tên Grandcamp mang cờ Pháp, đăng ký tại Marseille vốn là một tàu vận tải thế hệ Liberty đóng mới năm 1943, được Mỹ chuyển giao cho Pháp trong chương trình tái thiết châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Con tàu dài 135 mét có tải trọng 10.000 tấn đã bỏ neo tại cầu cảng số 0 cảng Texas City để nhận hàng là phân bón hóa học nitrat amôn (NH4NO3) cho dự kiến hành trình kế cận là Dunkes và Marseille.

Vào 8 giờ sáng ngày thứ năm, công nhân bốc vác phát hiện khói bốc lên từ hầm hàng số 4 của tàu. Cảnh sát và cứu hỏa thành phố đã kịp thời có mặt và phóng viên ảnh John Clinton của tờ Texas City Daily cũng kịp ghi lại hình ảnh đụn khói trắng dày bốc lên từ tàu.

Đến 9 giờ 10 phút, phóng viên John Clinton rời hiện trường để trở về tòa soạn thực hiện bài viết và hình ảnh cuối cùng ở hiện trường mà anh ta ghi nhận được là sự có mặt của rất nhiều cư dân, khách du lịch trên cảng để theo dõi việc chữa cháy, trên boong tàu chỉ còn thuyền trưởng và 27 lính cứu hỏa.

Chỉ 2 phút sau khi John Clinton mang 17 tấm ảnh quý giá chụp cảnh hiện trường rời đi, một luồng lửa màu da cam khổng lồ phụt lên trời kèm một tiếng nổ kinh hoàng phát ra từ tàu Grandcamp.

Chiếc tàu vận tải nọ giờ trở thành một quả lựu đạn 10.000 tấn với hàng trăm nghìn mảnh vụn kim loại nóng bỏng - cháy rực cùng âm thanh rít réo tràn ngập không trung. Dãy nhà kho bê tông của cảng và các tháp khoan dầu bên bờ vịnh đổ sập xuống như bị phạt ngang.

4 xe cứu hỏa đỗ cạnh mạn tàu bay luôn qua cầu tàu và rơi xuống nước. 2 tàu Mỹ đậu ở cầu cảng đối diện là High Flyer và SS Wilson B. Keene cũng bị đứt dây neo và phát hỏa vì những mảnh kim loại cháy rơi lên tàu, xuyên phá hầm hàng đang chứa cũng một loại hàng là... nitrat amôn.

Nước cạnh cầu tàu, nơi con tàu Grandcamp đỗ, như bị bốc hơi hết làm lộ cả đáy vịnh rồi vài giây sau làm thành một đợt sóng dâng trào cuốn chiếc xà lan tiếp dầu dài 50 mét chở đầy dầu đang buộc trước mũi tàu, rồi quăng lên bến như một tấm ván, rơi trúng một chiếc xe hơi đang đỗ cách đó 70 mét và đè bẹp nó. 600 ô tô đang đỗ ở các chỗ khác cũng bị con sóng này phủ kín làm hư hỏng.

Sức nổ khủng khiếp mang hàng chục ngàn mảnh kim loại bay lên trời rồi rơi xuống phủ đầy vịnh trong bán kính 2 dặm Anh.

Hàng ngàn chim hải âu chết rơi xuống cảng. 2 máy bay thể thao đang bay trên thành phố cũng bị những mảnh kim loại này cuốn rơi xuống đáy vịnh. Hàng trăm ngôi nhà nằm trên bờ đối diện với vịnh bị phá hủy hoàn toàn.

Chấn động đã làm nứt vỡ toàn bộ cửa kính nhà dân ở Louisiana. Vụ nổ đã thổi gần 6.300 tấn mảnh vụn của con tàu vào không khí ở tốc độ siêu âm.

Những mảnh kim loại nóng bỏng rơi xuống thành phố, vào các khu dân cư đã trở thành nguyên nhân của hàng trăm vụ hỏa hoạn. Các trạm xăng dầu của 6 công ty nối tiếp nhau bùng cháy với tốc độ của một phản ứng dây chuyền.

Do các đường ống dẫn dầu bị vỡ, dầu bắt đầu tràn ra và khi gặp một mảnh kim loại nóng liền phát hỏa để từng nhà kho, từng nhà ở rồi từng dãy phố bùng cháy hàng loạt. Vùng cảng dường như bị cắt khỏi thành phố bởi một bức tường lửa.

Sự hoảng loạn bắt đầu trong khi người dân chưa kịp hiểu chuyện gì. Nhà máy hóa chất Monsanto mới xây dựng ở khu vực cảng ghi nhận ngay phút đầu tiên đã có 50 công nhân làm ca sáng tử vong. Nguy hiểm hơn là kho hóa chất của nhà máy phát hỏa và lưu huỳnh cháy đã được gió sớm cuốn về thành phố.

Các đơn vị cứu hỏa của những thành phố lân cận lao đến trợ giúp nhưng không làm được gì bởi các đám cháy mới liên tiếp xuất hiện.

Các xe cảnh sát dò dẫm trên đường phố đầy khói và xác người bên những đống đổ nát, phát loa chỉ dẫn hướng sơ tán cho dân chúng đang mụ đi vì khói lửa và sợ hãi trước luồng khí độc.

Bộ chỉ huy quân sự Mỹ đã điều động một trung đoàn từ pháo đài Custer gần đó đến cứu nạn. Đám cháy thành phố khổng lồ vô phương dập tắt khiến Thị trưởng Texas City phải yêu cầu Thống đốc bang Texas điều các xe cứu hỏa dùng hóa chất đến.

Yêu cầu này được đáp ứng và tưởng như sắp thắng được ngọn lửa thì vào lúc 13 giờ 10 phút, lại thêm 2 lưỡi lửa nối tiếp nhau phụt thẳng lên trời.

2 tiếng nổ từ 2 tàu đỗ gần Grandcamp là High Flyer và SS Wilson B. Keene vang lên. Tuy những vụ nổ này không lớn bằng vụ nổ trước nhưng đã phá hủy hoàn toàn khu nhà kho trên cảng và những mảnh kim loại nóng từ chúng rơi xuống phá hủy hoàn toàn 2 kho xăng của 2 công ty Hamburg và Richardson.

Sau 3 ngày đêm cứu lửa, rạng sáng ngày thứ tư thì lửa mới được dập tắt. Một phần ba thành phố đổ nát. Thành phố Galveston ở gần đó cũng bị phủ một lớp sương dầu nhờn, để lại lớp tráng trên mặt ngoài của mỗi ngôi nhà...

Thảm họa ở thành phố Texas thường được coi là vụ tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ước tính sức công phá từ Grandcamp gây ra còn lớn hơn sức công phá của quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki.

Trong số thi thể tìm thấy, chỉ có 405 người được xác định còn 63 người vẫn không tìm ra danh tính, 113 người khác bị coi là mất tích vì không có bộ phận nhận dạng nào được tìm thấy.

Vụ hỏa hoạn thế kỷ khi “quả lựu đạn” 10.000 tấn phát nổ - Ảnh 1.

Mảnh kim loại văng ra làm cháy nổ lây lan sang các con tàu khác.

Có hơn 5.000 người bị thương, trong đó 1.784 người đã phải nhập viện. Hơn 500 căn nhà đã bị phá hủy và hàng trăm căn nhà bị hư hỏng, để lại 2.000 người vô gia cư. Cảng biển đã bị phá hủy hoàn toàn và nhiều doanh nghiệp bị phá sản.

Hơn 1.100 xe bị hư hỏng và 362 chiếc xe chở hàng bị phá hủy - thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 100 triệu USD (1,07 tỷ USD theo trị giá hiện nay).

Sau đó, Ủy ban Điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ đã đi đến kết luận nguyên nhân vụ cháy nổ tàu kéo theo thảm họa ở Texas City là do không tuân thủ an toàn phòng chống cháy từ phía giới sản xuất phân hóa học và công nhân bốc vác đã dẫn đến cháy tàu Grandcamp, nhưng chính thuyền trưởng và cảnh sát cứu hỏa do chữa cháy sai phương pháp đã gây ra nổ dẫn đến thảm họa cho cả thành phố.

Chỉ một kết quả tích cực của thảm họa ở Texas City là kế hoạch ứng phó thảm họa lan rộng để giúp tổ chức các phản ứng từ địa phương đến liên bang đối với các trường hợp khẩn cấp và tạo ra vụ kiện đầu tiên với Chính phủ Hoa Kỳ theo Đạo luật Bồi thường Liên Bang.

Đã 70 năm, bài học về phòng chống cháy nổ này của Hoa Kỳ chưa bao giờ cũ, chưa bao giờ lạc hậu với bất cứ quốc gia nào. Và điều cốt yếu với doanh nghiệp luôn là thành thật hợp tác với cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương khi khai báo về hàng hóa, tính chất, vị trí kho chứa cũng như điều kiện bảo quản.

Vụ cháy đêm 23-3 tại Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) ở Công ty Kwong Lung Meko cũng chỉ vì tham lợi nhuận mà trữ các chất dễ cháy là lông vũ, vải, các-tông và nhựa trong điều kiện không tuân thủ an toàn phòng chống cháy.

Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy Cần Thơ phải kéo dài thời gian chữa cháy để cô lập lửa, bảo vệ 80% tài sản còn lại của công ty và gian nan hơn nữa là ngăn một vụ nổ từ 18.600 lít dầu mà công ty này đã trữ dưới hầm của trụ sở công ty...

(tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại