Vụ Á hậu Thư Dung chụp ảnh phản cảm ở Tuyệt tình cốc Đà Lạt xử lý thế nào?

Thanh Lam |

Hình ảnh, video mà Á hậu Thư Dung cùng ê-kíp thực hiện, đăng tải có đủ điều kiện để được xem là văn hóa phẩm có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hay không thì cần có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn.

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc Á hậu cuộc thi hoa hậu Du lịch sinh thái Toàn cầu năm 2018 Thư Dung chụp ảnh khoe thân phản cảm ở Tuyệt tình cốc – Đà Lạt. Dù vấp phải sự phản đối, chỉ trích của nhiều người, thế nhưng, Á hậu Thư Dung vẫn tiếp tục đăng tải những bức ảnh nhạy cảm trên trang cá nhân của mình.

Liên quan đến vụ việc này, sở Văn hóa thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã đề nghị các đơn vị có liên quan phối hợp với cơ quan công an để xử lý. Vậy, nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, hành vi của Á hậu Thư Dung và ê - kíp thực hiện bộ ảnh liệu có vi phạm pháp luật hay không và nếu có thì sẽ bị xử lý như thế nào?

Trước câu hỏi này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Trần Sơn Bách, Phó Giám đốc công ty Luật Hùng Bách.

Ths.Luật sư Trần Sơn Bách cho biết, về biện pháp xử lý hành chính: “Trước đây, theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Nghị định 73/2010/NĐ-CP, đối với hành vi “Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội;…” thì sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.

Tuy nhiên, khi Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội có hiệu lực đã thay thế và bãi bỏ quy định xử phạt nêu trên. Do vậy về nguyên tắc hành vi chụp ảnh phản cảm của Á hậu Thư Dung và ê-kíp không thỏa mãn điều kiện pháp lý để có thể xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nêu trên”.

Vụ Á hậu Thư Dung chụp ảnh phản cảm ở Tuyệt tình cốc Đà Lạt xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Hình ảnh cùng video phản cảm của Á hậu Thư Dung chụp ảnh ở Tuyệt tình cốc Đà Lạt gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Theo Ths.Luật sư Trần Sơn Bách, Tuyệt tình cốc là một địa chỉ du lịch tự phát, chưa nằm trong quy hoạch, chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền. Nếu trong quá trình tham quan, vui chơi tại đây du khách có những hành vi không phù hợp như bẻ cành cây, ăn mặc phản cảm thì cũng không có nội quy, quy định để xử lý.

Tuy nhiên trường hợp trong cuộc thi hoa hậu mà Á hậu Thư Dung tham gia có các quy định về cách ứng xử, lối sống của Á hậu sau khi đoạt giải, thì đơn vị này cần có các biện pháp xử lý kỷ luật theo như quy định.

Cũng trao đổi thêm về hình thức xử lý hình sự, luật sư Bách phân tích: “Việc Á hậu Thư Dung và ê-kíp tiến hành chụp ảnh, quay video, đăng tải các hình ảnh nhạy cảm ở Tuyệt tình cốc lên trang cá nhân về mặt quy định nếu xử lý hình sự, tội danh dễ truy cứu nhất là tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”, quy định tại Điều 326, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên các hình ảnh, video mà Á hậu Thư Dung cùng ê - kíp thực hiện, đăng tải có đủ điều kiện để được xem là văn hóa phẩm có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hay không thì cần có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn. Nhưng, theo tôi khả năng hình sự hóa vụ việc nêu trên là không cao bởi các hình ảnh, video mới chỉ là phản cảm chứ chưa đến mức được xem là chứa đựng nội dung khiêu dâm, đồi trụy.

Ở một góc độ khác, bản thân Á hậu Thư Dung và nhiều người cũng cho rằng việc ghi lại những hình ảnh tuổi trẻ là quyền cá nhân của họ và có khi còn được nâng tầm lên một mức độ cao hơn là nghệ thuật”.

Từ những phân tích trên, luật sư Bách nhấn mạnh: “Có lẽ, cách thể hiện và nơi thể hiện quyền cá nhân của Á hậu Thư Dung không hợp lý, dẫn đến sự phản đối của không ít người. Hành vi của Á hậu này có thể không đến mức bị xử lý hành chính hoặc hình sự nhưng nó đi ngược với cách nhìn về văn hóa, thuần phong mỹ tục của phần lớn người dân Việt Nam.

Bởi vậy, trong trường hợp này thay vì pháp luật các phạm trù hỗ trợ khác như đạo đức, dư luận xã hội sẽ góp phần điều chỉnh hành vi của con người sao cho phù hợp với xã hội mà họ đang sống”.

Điều 326, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy đinh:

“1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo , tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:…”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại