"Vòng tròn đỏ" Moscow: Mọi vật thể bay lạ phải bị tiêu diệt

Đại tá Trần Danh Bảng |

Kết hợp với các tổ hợp tác chiến điện tử đa dạng, radar của tên lửa S-500 sẽ không thể bị bịt mắt, toàn bộ hệ thống phòng thủ trên không của Thủ đô Nga luôn giăng sóng ngày, đêm.

Kỳ 1: "Vùng trời thiêng" Moscow được bảo vệ như thế nào?

Kỳ 2: "Vòng tròn đỏ" Moscow: Mọi vật thể bay lạ phải bị tiêu diệt

"Vòng tròn đỏ Moscow"

Đầu thập niên 50, Liên-Xô có 4 quân đoàn phòng không đặc biệt (KOH), mỗi KOH bao gồm một 14 trung đoàn tên lửa phòng không (ZRP). Trong đó có "vòng tròn đỏ Moscow".

Điều tất nhiên là giờ đây nước Nga có nhiều trung tâm yết hầu kinh tế lớn, nhưng trách nhiệm phòng thủ vùng trời Moscow vẫn được coi là mục tiêu ‘diện" cực kỳ quan trọng, trong tổng thể vùng trời Quân khu Trung tâm Nga.

Phó Tư lệnh lực lượng "Không quân -Vũ trụ" Nga (VKS), Trung tướng Viktor Gumennyy nói về những thay đổi trong lĩnh vực radar cảnh giới của Moscow:

"Nếu giới hạn trước đây của radar ở khu vực Moscow có trách nhiệm cảnh giới ở cao độ 400-600 mét trở lên, giờ đây, chúng tôi đã thiết lập một "trường" radar liên tục chỉ 100 và thậm chí dưới 100 mét, vẫn phát hiện ra mục tiêu. Kinh nghiệm thu được sẽ được phổ cập ra các khu vực khác của đất nước".

Viện sỹ Boris Bunkin Vasilievich đáng kính qua đời ngày 22-5-2007. Tổng thống PuTin đã kính cẩn đến viếng ông.

Nhưng thiết thực hơn với Thủ đô Nga là Putin đã lập tức thúc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện và sản xuất để đưa vào trang bị dòng S-400 "Triumf" ngay cho việc bảo vệ Moscow. Vào đầu những năm 2000, ở nước Nga, chỉ những cơ sở kinh tế và quân sự quan trọng mới được các hệ thống phòng không bảo vệ hiệu quả.

Vòng tròn đỏ Moscow: Mọi vật thể bay lạ phải bị tiêu diệt - Ảnh 1.

Tên lửa phòng không S-400

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi hoàn toàn vào năm 2015, Tổng thống Putin quan tâm đưa S-400 đến tăng cường vùng "nóng" cho các quân khu, như Miền Tây, nơi đầu sóng Kaliningrad, Viễn Đông, Bắc Cực và cả Sirya (năm 2016) nhằm bảo vệ căn cứ không quân của Nga ở đất nước này.

Tháng 4-2016, hệ thống S-400 này đã được bắn thử thành công tại trường bắn Kapustin Yar, khu vực Astrakhan, với các bài bắn được coi là "bắn mục tiêu bay phức tạp như thực tế". Điều này có hệ thống giả định, đánh giá ACY, rất khách quan so sánh.

Trong đợt bắn, các tên lửa đã bắn trúng 10 mục tiêu bay ở độ cao và tốc độ khác nhau, đó là các loại mục tiêu là tên lửa tầm thấp, đạn đạo và các loại máy bay chiến thuật.

Tin nóng nhất, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lãnh nhiệm đầu năm 2017, vị Tổng thống này đã lệnh hai tàu chiến Mỹ bắn tổng cộng 59 tên lửa hành trình Tomahawk nhằm vào căn cứ không quân Al-Shayrat, Syria, lấy cớ trả đũa cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của quân chính phủ Syria vào dân thường nước này.

Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao với sự có mặt của hệ thống S-400 "Triumf" tiên tiến tại Syria, Nga lại không thể đánh chặn loạt tên lửa này?

Theo cựu Đại tá không quân Vladimir Karjakin, là Giáo sư Đại học Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga:

"Để hình thành một hệ thống phòng không có khả năng bảo vệ trước bất kỳ cuộc không kích nào, việc sử dụng hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 hay S-300 là chưa đủ. Các hệ thống này có năng lực tốt nhưng đối với việc bảo vệ hoàn toàn các cơ sở, cả về dân sự và quân sự, khỏi các cuộc không kích thì việc kết hợp với các vũ khí khác là cần thiết".

Vladimir Karjakin nói đúng! Áp dụng vào "Vùng trời thiêng" Moscow, dẫu từ đầu năm 2016 phòng không Moscow có 4 trung đoàn tên lửa S-400 Triumf.

S-400 được coi là một vũ khí phổ quát, có khả năng tiêu diệt tất cả các phương tiện bay hiện đại, thậm chí tấn công không chỉ từ không gian mà từ vũ trụ.

Nhưng "Vùng trời thiêng" Moscow, phải là "Vùng phòng không được bảo vệ tốt nhất thế giới". Không thể nào để bất kỳ một khí cụ bay lạ nào chui lọt. Vậy nên cự ly trung bình, được xác định là từ 40 đến 200 km, được phân công cho S-300V4 và một số phiên bản khác.

Với bán kính, cự ly ngắn 30 đến 40 km, hệ thống tên lửa được thiết kế để bảo vệ tầm gần đã có Tổ hợp tên lửa "Buk", "Pantsir-S" và "Morfey" - một loại tên lửa nhỏ, có khả năng đánh các mục tiêu ở khoảng cách 5 km, được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu quân sự, có vòm radar kín.

"Nhờ khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách từ 5km đến 400km, S-350E sẽ bổ sung thêm sức mạnh cho các hệ thống phòng không Morfey, còn S-400 sẽ trùm toàn bộ lên những vùng còn trống, hở. Vì nó là loại bắn nhiều chủng loại đạn, có khả năng phân tầng phòng thủ", ông Yan Noviko, Giám đốc Almaz Antey cho biết.

Vòng tròn đỏ Moscow: Mọi vật thể bay lạ phải bị tiêu diệt - Ảnh 2.

Tổ hợp tên lửa S-300V4.

Tháng 5-2017, trang The National Defense Journal, dẫn lời Trung tướng phó Tư lệnh lực lượng "Phòng vệ Không gian -Vũ trụ Nga" (VKS) Viktor Gumennyy cả quyết:

"Lực lượng VKS Nga đang thực hiện một cuộc tái vũ trang đồ sộ với số đông là các hệ thống phòng không mới Pantsir-S và S-400. Trong tương lai gần dự kiến dòng S-350 "Vityaz" và S-500 "Prometheus".

Victor Gumennyy cũng tiết lộ, "đến nay đã có 6 trung đoàn phòng không trang bị các hệ thống Pantsir-S được đưa vào trực chiến để đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ Moscow. Tới năm 2018 các radar và thiết bị hỏa lực hiện đại sẽ tăng lên 66%, trong đó tên lửa tăng 68%.

"Hôm nay trên các trận địa hỏa lực, chúng tôi có khoảng 55% vũ khí hiện đại, thiệt bị trinh sát vô tuyến mới trang bị khoảng 53%. Tin rằng theo đơn đặt hàng nhà nước, vào tháng 1 năm 2018 VKS, vũ khí hiện đại và thiết bị của VKS sẽ tăng lên 70%.

Đến 1- 2021, toàn bộ các hệ thống trinh sát vô tuyến, phòng thủ chúng tôi đạt 95-97% . Tất nhiên "Vòng tròn đỏ" Moscow luôn được ưu tiên trước nhất".

S-500 "Prometheus" là gì?

Cho đến nay, các cơ quan tình báo quân sự Mỹ, NATO, Israel… rất muốn "cắt lớp nội tạng" các dòng vũ khí phòng không mới của Nga.

Nhưng S-300PMU, rồi S-400 "Triumf" họ còn chưa biết, cho dù Iran đã mua S-300 PMU; Trung Quốc, Ấn Độ, và gần đây là Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đã tìm hiểu đủ về S-400 "Triumf"… Nhưng với S-500 "Prometheus", loại "vũ khí độc" phòng không cự phách của Nga thì vẫn là ẩn số với tất cả.

Thiếu tướng Kirill Makarov, cũng là Phó chỉ huy VKS nói vài dòng về S-500 "Prometheus", hãy nghe xem:

"Thủ đô Moscow dù được bảo vệ gần như 100% trước các cuộc tấn công từ trên không, vẫn đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn khi Mỹ được cho là đang phát triển các loại tên lửa siêu thanh được bắn từ máy bay và các loại vũ khí khí động học bắn từ vũ trụ có khả năng tấn công chớp nhoáng.

Chính vì thế, việc phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa có thể đối phó với nguy cơ này là chủng ưu tiên nghiên cứu xếp hàng đầu của Nga trong 10 năm trở lại đây. Vũ khí siêu hiện đại sắp được trang bị cho lực lượng phòng thủ tên lửa Nga không nằm ngoài mục đích đó".

Trang mạng Réseau internatinonal của Pháp nhận định, vũ khí sắp được đưa vào hoạt động này chính là hệ thống tên lửa chiến lược S-500.

S-500 được phát triển dựa trên tên lửa phòng thủ chiến lược S-400, với những tính năng được đánh giá vượt trội so với các vũ khí cùng loại trên thế giới.

Vòng tròn đỏ Moscow: Mọi vật thể bay lạ phải bị tiêu diệt - Ảnh 3.

Xe bệ phóng tên lửa S-500. Ảnh minh họa.

Réseau internatinonal so sánh, khác với các loại tên lửa hiện có của Nga như S-400 chuyên thực hiện nhiệm vụ phòng không, A-135 chuyên nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo, thì S-500 được thiết kế để có thể thực hiện hai nhiệm vụ đó cùng lúc.

Những tin tức tiết lộ, với nhiệm vụ phòng không, S-500 có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 40. 000m với vận tốc 7km/s, trong khi hệ thống S-400 chỉ có khả năng tiêu diệt mục tiêu có tốc độ 5km/s. Với khả năng này, S-500 "Prometheus" có thể hạ bất cứ chiến đấu cơ siêu thanh nào trên thế giới hiện nay.

Đối với nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo, với tầm bắn xa của S-500 "Prometheus" là khoảng 500-600km. Nó còn đủ năng lực theo dõi 5-đến 20 mục tiêu đạn đạo cùng lúc, và "hung hãn" đánh chặn đồng thời 5 đến 10 tên lửa (50%) đang lao đến với tốc độ siêu thanh (5 đến 7km/s) ở giai đoạn cuối hoặc đoạn giữa hành trình.

Khi cần nó có thể bắn hạ mục tiêu bay chỉ cao năm mét. Trong khi đó, hệ thống của Mỹ chỉ diệt được các mục tiêu bay cao trên 60 mét.

Ngoài ra, S-500 còn được phát triển để bắn hạ được những thiết bị vệ tinh ở quỹ đạo thấp của trái đất, cũng như các mục tiêu trong không gian nhằm đối phó với vũ khí vũ trụ của Mỹ.

Các nhà phân tích vũ khí của Anh thì cho rằng, tính năng ưu việt của S-500 được quyết định chính là hệ thống radar mảng pha chủ động X-band thế hệ mới, có khả năng phát hiện mục tiêu cực mạnh, cũng như những cải tiến trong hệ thuật toán điều khiển, để có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 800-1000km.

Điều này trùng với ý kiến mà các chuyên gia radar chính của Nga bộc lộ. Rằng họ đã đưa vào thử nghiệm cho S-500 "Prometheus" hệ thống radar đa tầng 97L6, là loại radar có khả năng phát hiện mục tiêu ở mọi tầng cao tương tự như 96L6.

Các nguồn tin gián tiếp xác định, nó sẽ có thể phát hiện mười mục tiêu đạn đạo bay với tốc độ 7 km/s, cũng như các đầu đạn của tên lửa hành trình siêu thanh.

Trung đoàn S-500 đầu tiên sẽ được triển khai để bảo vệ Moscow và miền Trung nước Nga, trả lời phỏng vấn báo Rossiya-24 vào ngày 3-5, một Tướng cao cấp của Nga tiết lộ.

Mikhail Khodaryonok, chuyên gia hệ thống phòng thủ tên lửa và tác chiến phòng không nói với Gazeta.ru rằng, hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-500 mới của Nga sẽ có hệ thống liên lạc vô tuyến mới không có đối thủ về chất lượng, khoảng cách truyền dữ liệu và công nghệ bảo mật.

Các hệ thống tên lửa phòng không trước đây của Nga liên lạc thông qua trạm vô tuyến hoạt động trên các tần số đã được cài đặt trước, làm tăng nguy cơ các thông tin liên lạc truyền tải bị đối phương theo dõi và thu chặn. Với gói liên lạc thế hệ 6 này, nguy cơ này sẽ bị loại trừ.

Người ta còn biết đến khả năng kết nối tương thích của tổ hợp S-500 "Prometheus" đồng bộ dễ dàng với 10 loại radar hiện có của Nga. Như vậy, dù cơ động đến đâu, cũng có tín hiệu tình báo xa dẫn vào hệ thống, để nhận biết sớm.

Nhà phân tích quốc phòng Dave Majumdar cho rằng, các quan chức quân sự nước này đang đau đầu về việc hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 của Nga quá hiện đại khiến các máy bay chiến đấu tàng hình tốt nhất của Mỹ cũng không thể đối phó.

"Người Nga đang dự kiến kết hợp S-500 với S-400, S-300VM4 và S-350 cùng nhiều loại vũ khí khác để tạo thành mạng lưới phòng không tích hợp toàn diện".

Khi đó, kỹ sư trưởng của Tập đoàn Almaz-Antey, ông Pavel Sozinov thông báo rằng, công tác thử nghiệm cấp nhà nước hệ thống phòng không S-350 Vityaz của Nga sẽ hoàn tất trong năm 2017.

Không chỉ có thế, từ cuối năm 2014 các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đã nhận các tổ hợp khí tài tác chiến điện tử (EW) mang tên "Moscow-1" trang bị cho phòng không Thủ đô nước này.

"Moscow-1" cho phép quét vùng trời trong vòng bán kính 400 km, phát hiện và ngăn chặn các nguồn phát xạ vô tuyến đặc trưng của mục tiêu trên không. Ngoài ra, theo các chuyên gia, "Moscow-1" có khả năng truyền thông tin và phối hợp hành động tất cả các phương tiện phòng không trong khu vực.

Công ty "Rostec", nơi đẻ ra các máy trinh sát nhiễu, gây nhiễu, chế áp nhiễu cho biết, trạm "Moscow-1" được thiết kế để quét vùng trời và truyền dữ liệu cho các cơ sở EW kỹ thuật, phòng không và không quân. Độc đáo là tổ hợp này hoạt động như một radar thụ động, nên vô hình với kẻ thù.

Kết hợp đồng bộ với toàn bộ dàn tác chiến điện tử đa dạng của Nga, radar của S-500 "Prometheus" sẽ không thể bị "bịt mắt". Toàn bộ hệ thống phòng thủ trên không của Thủ đô Nga luôn giăng sóng ngày, đêm.

Thánh địa Mosscow không thể khinh suất. Mọi vật thể bay lạ phải bị tiêu diệt!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại