Việt Nam mua LCS Mỹ để tuần tiễu: Hoàn toàn không nên

Thiên Nam |

Theo chuyên gia Mỹ, Việt Nam có thể mua tàu tác chiến ven bờ LCS để tuần tiễu, bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế. Nó có thực sự cần thiết?

Chuyên gia Mỹ cho rằng, Việt Nam có thể mua LCS

Trong khuôn khổ chuyến thăm nước ta từ ngày 23 đến 25/5 vừa qua, ngay khi vừa đặt chân đến Hà Nội, Tổng thống Barak Obama đã tuyên bố Mỹ hoàn toàn dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Ngay sau đó truyền thông và giới chuyên gia quân sự Mỹ đã liệt kê một danh sách hàng loạt các vũ khí Mỹ mà Việt Nam có thể mua. Trong đó có tàu tác chiến ven bờ lớp LCS (Littoral Combat Ship), một lớp tàu được coi là hiện đại của Mỹ.

Ngoài máy bay tuần tiễu chống ngầm, máy bay vận tải và chỉ huy-cảnh báo sớm trên không, chuyên gia Mỹ Franklin Spinney đã đề cập tới tàu chiến LCS trong bản danh sách vũ khí Mỹ mà Việt Nam có thể mua, để thực hiện chức năng tuần tra bảo vệ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trên Biển Đông.

Tàu chiến ven bờ (Littoral Combat Ship - LCS) là hiện thực hóa của khái nhiệm do cựu Bộ trưởng Hải quân Gordon R. England đề ra là xây dựng một lớp tàu chiến nhỏ, nhanh, cơ động và tương đối rẻ tiền so với gia tộc tàu khu trục được trang bị chức năng phòng thủ tên lửa (Aegis) DD (X).

Lớp tàu LCS dễ dàng cấu hình cho nhiều vai trò khác nhau gồm: tác chiến chống ngầm; rà phá thủy lôi; tác chiến chống hạm; trinh thám; giám sát; phòng thủ bờ biển; tác chiến đặc biệt và hậu cần.

Đặc biệt là với lượng giãn nước lớn và phạm vi hành trình xa, nó có thể hoạt động rất xa bờ, thoát li hẳn so với tiêu chí đặt ra ban đầu của nó là tuần tiễu bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế ven bờ.

 Việt Nam mua LCS Mỹ để tuần tiễu: Hoàn toàn không nên  - Ảnh 1.

  LCS là loại tàu tác chiến ven bờ thế hệ mới nhất của Mỹ

Hiện chương trình tàu chiến LCS được phát triển thành hai phiên bản được thiết kế và đóng theo công nghệ module rất tiên tiến.

Lớp Freedom là tàu vỏ thép do hãng Lockheed Martin thiết kế, chế tạo, có lượng giãn nước 3.500 tấn, dài 118 m, rộng 17,5 m, thủy thủ đoàn 50 - 98 người, dự trữ hành trình 21 ngày. Lớp tàu này được đánh số lẻ trong phân loại tàu LCS (Ví dụ LCS-1, LCS-3…).

Và lớp Independence là tàu vỏ hợp kim nhôm siêu nhẹ do Hãng Austal (Mỹ) nghiên cứu phát triển, có thiết kế ba thân xuyên sóng tàng hình cho tốc độ tốc đa đến 44 hải lý/h, tàu có lượng giãn nước toàn tải 3.100 tấn, dài 127,4 m, thủy thủ đoàn chỉ cần 43 người. Lớp tàu này được đánh số chẵn trong phân loại tàu LCS (Ví dụ LCS-2, LCS-4…)

Hỏa lực ban đầu của lớp tàu chiến LCS mà chuyên gia Mỹ giới thiệu cho Việt Nam khá yếu ớt, chỉ có pháo hạm Mk 110 cỡ 57 mm và tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116 RAM hoặc SeaRAM.

Tuy nhiên, việc Việt Nam có nên mua các tàu này hay không là một điều cần cân nhắc kỹ lưỡng bởi có khá nhiều yếu tố cho thấy chúng ta chưa quá cần thiết phải mua sắm chúng, hoặc nếu có mua tàu tuần tiễu bảo vệ ven bờ thì cũng có những sự lựa chọn khác hợp lý hơn.

Những nguyên nhân khiến Việt Nam không nên mua LCS

Thứ nhất là giá của tàu tác chiến ven bờ Mỹ rất đắt

Các tàu LCS đều chưa được xuất khẩu cho ai nên nhà sản xuất chưa bù đắp được chi phí nghiên cứu, phát triển và xây dựng xây chuyển công nghệ để giảm giá thành sản phẩm. Do đó, hiện đơn giá các tàu LCS đều ở mức khoảng 700 triệu USD một chiếc.

Cái giá này tương ứng với số tiền bỏ ra để mua 2 tàu hộ vệ lớn của Nga, có năng lực chiến đấu toàn diện, bao gồm cả khả năng chống hạm, phòng không hoặc thậm chí là tấn công mặt đất rất mạnh và còn tiềm tàng khả năng được chuyển giao công nghệ.

Một ví dụ khác là để mua 3 chiếc tàu loại này đã mất tới hơn 2 tỷ USD, tương đương với 6 tàu ngầm Kilo, mua 1 chiếc tương đương 18 chiếc Su-30MK2 với đầy đủ vũ khí, hoặc 700 tàu tuần tiễu pháo loại TT-400TP hay 12 chiếc tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya (Project 1241.8) với đầy đủ vũ khí.

Nếu đi theo định hướng mua sắm không tính toán, chúng ta cần có nguồn ngân sách ở mức ít nhất là 2 con số (tỷ đô). Trong bối cảnh Việt Nam có ngân sách quốc phòng hạn hẹp, mua LCS với chức năng tuần tiễu thì quá lãng phí một con tàu lớn nhưng hỏa lực yếu kém.

Việt Nam nên chọn mua tàu tuần tiễu khác, ví dụ như của Ấn Độ với nhiều loại tàu mới thiết kế, tính năng hiện đại, lượng giãn nước vừa phải (tầm vài trăm tấn), như lớp Aadesh hay lớp Rajshree, lại được hỗ trợ cho vay 100 triệu USD của chính phủ Ấn Độ.

Vào tháng 8/2015, theo tập đoàn đóng tàu GRSE (Garden Reach Shipbuilders and Engineers) của Ấn Độ, Việt Nam đã đặt đóng 14 tàu tuần tra cao tốc (65 km/h), mỗi tàu có giá khoảng 15 triệu USD, tổng trị giá hợp đồng khoảng 212 triệu USD.

Việc Việt Nam mua tàu của Ấn Độ hoặc tự đóng lấy tàu tuần tiễu là phương án hợp lý nhất.

Thứ hai là hỏa lực của LCS rất yếu, không đủ tự bảo vệ

Với giá thành đắt như vậy nhưng hỏa lực của tàu tác chiến ven bờ Mỹ rất yếu. Các chuyên gia Mỹ cũng đã phải thừa nhận rằng, với vẻn vẹn các loại pháo hạm và súng máy, LCS không có đủ khả năng tự bảo vệ mình ngay trong vùng nước ven bờ chứ không nói là xa bờ.

Do đó, LCS không đủ khả năng chiến đấu với các tàu hải quân địch mà chỉ có thể tuần tiễu, thực thi luật pháp trên biển, chống hải tặc, buôn lậu… Mà với tính chất như vậy, Việt Nam không cần thiết phải sở hữu 1 con tàu với giá quá đắt, trong khi có đầy đủ những phương án thay thế.

 Việt Nam mua LCS Mỹ để tuần tiễu: Hoàn toàn không nên  - Ảnh 3.

Tàu tác chiến ven bờ thuộc lớp Independence của hải quân Mỹ

Theo thiết kế của LCS, kết cấu module và lượng giãn nước trên 3.000 tấn, cùng không gian trống khá lớn cho phép tàu có thể triển khai các hệ thống tên lửa chống ngầm, chống hạm, phòng không.

Hiện các hãng sản xuất đang nghiên cứu hoàn thiện việc lắp ráp các hệ thống tên lửa chống hạm của Mỹ và châu Âu cho 2 loại tàu này. Thành tựu gần đây nhất là các cuộc thử thành công tên lửa chống hạm NSM có tầm phóng gần 200 km trên các tàu LCS (sau này có thể là Harpoon).

Tuy nhiên, nếu phát triển theo hướng này, nó đã biến thành một lớp tàu hộ vệ, không còn tính chất là tàu tuần tiễu ven bờ và việc mua sắm nó cần xét theo một góc độ khác, trong tổng thể các loại trang bị, vũ khí tác chiến tầm xa của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Sau này, khi LCS đã hoàn thiện về công nghệ (đặc biệt là tính năng chống hạm) và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đồng thời hạ giá bán xuống thì Việt Nam có thể xem xét mua sắm các tàu này. Ở thời điểm hiện nay, đây có thể là phương án không hợp lý.

Thứ 3 là LCS còn nhiều trục trặc và không thể chuyển giao công nghệ

Việt Nam không có thói quen mua sắm các loại vũ khí, trang bị chưa hoàn thiện về công nghệ và chưa trải qua thực tế kiểm nghiệm. Do đó, với 2 lớp tàu khá xa lạ với chúng ta, việc mua sắm hay không là điều rất đáng phải cân nhắc kỹ lưỡng.

 Việt Nam mua LCS Mỹ để tuần tiễu: Hoàn toàn không nên  - Ảnh 4.

Một tàu tuần tra lớp Rajshree của hãng GRSE - Ấn Độ

Hơn nữa, trong 2 loại tàu LCS, lớp Independence được coi là có thiết kế và tính năng tối ưu, còn lớp Freedom có quá nhiều trục trặc về hệ thống điện, hệ thống chỉ huy, lỗ hổng bảo mật thông tin mà chúng ta đã biết trong hành trình tuần tiễu của nó trên biển Đông năm 2013 - 2014.

Một vấn đề rất quan trọng trong hợp tác kỹ thuật quân sự đối với tất cả các nước là việc bỏ tiền mua bất cứ vũ khí gì cũng cần phải nêu điều kiện hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp quốc phòng đất nước. Đây là tiêu chí tối quan trọng để xây dựng một nền quốc phòng phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Tuy nhiên, cả 2 lớp tàu thiết kế module này đều được xếp vào loại công nghệ mới, hiện đại và Mỹ chưa chuyển giao công nghệ cho bất cứ ai. Do đó, nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam cũng rất khó có thể thu lợi gì từ việc mua sắm các tàu loại này.

Nếu Việt Nam mua LCS mà có kèm theo giấy phép chuyển giao công nghệ đóng tàu module thì cái lợi lâu dài của nó khiến chúng ta có thể chấp nhận được giá cả đắt như vậy, còn nếu không thì có thể khẳng định rằng, việc mua LCS làm tàu tuần tiễu là quá lãng phí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại