Viện Kiểm sát Tối cao nói về án dâm ô

VIẾT LONG |

Năm 2018, VKSND đã phê chuẩn khởi tố 1.350 vụ liên quan đến xâm hại trẻ em như tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi…

Trong báo cáo kết quả thực hiện Luật trẻ em mới đây, VKSND Tối cao cho biết năm 2017, toàn quốc khởi tố 1.214 vụ/1.156 bị can về các tội liên quan đến xâm hại trẻ em. Trong đó, tội dâm ô với trẻ em là 306 vụ/280 bị can.

Trong năm 2018, VKS đã phê chuẩn khởi tố 1.350 vụ/1.311 bị can về các tội liên quan đến xâm hại trẻ em.

Cụ thể, tội giết con mới đẻ (16 vụ); hiếp dâm người dưới 16 tuổi (419 vụ); cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (4 vụ); mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em (26 vụ); tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (663 vụ)...

Cũng trong năm 2018, VKSND các cấp truy tố 1.227 vụ/1.314 bị can, thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 1.213 vụ/1.303 bị cáo về các tội có liên quan đến xâm hại trẻ em.

Theo đánh giá của của VKSND Tối cao, thời gian qua, VKSND thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc liên quan đến trẻ em, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, Viện phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến trẻ em…

Tuy nhiên, VKS cho rằng hiện còn tồn tại, hạn chế là chưa xử lý được tất cả các vụ việc xâm hại trẻ em đã phát hiện hoặc kéo dài thời gian giải quyết.

Nguyên nhân là do nhiều trường hợp người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ tố giác muộn, không cung cấp đủ thông tin về tội phạm, dấu vết tội phạm không còn hoặc không đủ giá trị chứng minh.

Ngoài ra, việc xác định tuổi của bị hại cũng gặp khó khăn do không đăng ký khai sinh, không có tài liệu xác định thời điểm sinh, kết quả giám định tuổi mâu thuẫn…

Có trường hợp, khi phát hiện hoặc tiếp nhận vụ việc không đúng thẩm quyền nhưng cấp cơ sở (xã/huyện) vẫn giữ xác minh, một thời gian sau mới chuyển lên cấp trên thì dấu hiệu tội phạm không còn hoặc chứng cứ không thể thu thập được, từ đó, kéo dài thời gian giải quyết hoặc không chứng minh được tội phạm.

Đặc biệt, trong các vụ việc xâm hại trẻ em, việc lấy lời khai ban đầu thường không khách quan, không chính xác, bị hại thay đổi lời khai, việc không có nhân chứng trực tiếp, người bị hại còn nhỏ, bị nhiều người xâm hại... cũng gây khó khăn cho việc điều tra.

Đồng thời, VKS cho rằng một số quy định của pháp luật còn chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau mà đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể.

Ví dụ, quy định của BLHS về hành vi “dâm ô”, “quan hệ tình dục khác”…, dẫn đến khó khăn cho việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng…

Theo đó, VKSND Tối cao đưa ra giải pháp sắp tới là phải phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành BLTTHS, BLHS, Luật Trẻ em và luật khác có liên quan.

Trong đó, Viện phối hợp xây dựng quy trình liên ngành giải quyết các vụ việc liên quan đến trẻ em trong hoạt động tố tụng.

“Ngoài ra, VKS sẽ kiến nghị TAND Tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn quy định của BLHS về các tội danh xâm hại tình dục trẻ em, như hành vi dâm ô, quan hệ tình dục khác…”, VKSND tối cao thông tin.

Đ ngh thành lp Hi bo v quyn tr em

Liên quan đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng chỉ đạo thành lập Hội bảo vệ quyền trẻ em tại các tỉnh, thành phố.

Theo đó, đơn vị này cho rằng công tác vận động thành lập tổ chức hội còn gặp nhiều khó khăn, đến nay mới 16 tỉnh thành lập tổ chức hội. Trong đó, có 5 tỉnh, thành lập Hội bảo vệ quyền trẻ em, 11 tỉnh, thành phố ghép nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em với hội khác.

Thực hiện chỉ thị 20/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới về đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tình hình vi phạm quyền trẻ em có những diễn biến phức tạp.

Để thực hiện tốt Luật Trẻ em, hội này cho rằng cần có sự tham gia của toàn xã hội góp phần tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị Thủ tướng xem xét thành lập Hội độc lập hoặc ghép nhiệm vụ bảo vệ quyền trẻ em với những tổ chức Hội phù hợp với tình hình địa phương.

"Đối với những tỉnh đã thành lập tổ chức Hội, UBND các tỉnh/thành phố tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để tổ chức Hội thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của Luật Trẻ em...", Hội bảo vệ quyền trẻ em đề nghị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại