Vì sao xét xử kín vụ án Vũ 'nhôm'?

Bảo Minh |

Theo các chuyên gia pháp lý, mọi bị cáo đều bình đẳng trước pháp luật, tòa án sẽ xem xét việc có xử kín hay không dựa vào tính chất, nội dụng vụ án theo những quy định tại Điều 25 BLHS.

Ngày 30/7, TAND Hà Nội dự kiến mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước" với bị can Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm. Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "Nhôm", 43 tuổi) - là đại gia bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng. 

Ngày 21/12/2017, Vũ bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước".

Liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra cũng khởi tố 2 bị can gồm: ông Phan Hữu Tuấn (63 tuổi), nguyên Tổng cục phó Tổng cục Tình báo - Bộ Công an và ông Nguyễn Hữu Bách (55 tuổi), cán bộ Bộ Công an. Vụ án này dự kiến được TAND Hà Nội xử kín.  

Vì sao xét xử kín vụ án Vũ nhôm? - Ảnh 1.

Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ 'nhôm'.

Viện dẫn điều 25 BLHS 2015, Luật sư Hà Ngọc Tuyền (Đoàn luật sư TP HCM), cho rằng những trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục, bảo vệ người chưa thành niên, hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì toà án có thể xem xét việc xử kín.

"Tòa án có trách nhiệm xem xét tính chất vụ việc, những vấn đề cần bảo vệ và yêu cầu những người tham gia tố tụng để quyết định việc có tiến hành xử kín hay không? Trong nhiều trường hợp, tòa án có thể quyết định xử kín nhưng buộc phải tuyên án công khai" - luật sư Tuyền giải thích.

Theo luật sư, các vụ án "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" không phải lúc nào cũng được xử kín, mà tùy thuộc vào mức độ bí mật. Tại thời điểm xét xử vụ án còn là bí mật cần phải bảo vệ hay không. 

Danh mục bí mật nhà nước được chính phủ quy định đối với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Qua đó, tòa án sẽ xem xét và quyết định việc có xử kín hay không.

Làm rõ hơn về vấn đề này, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai), cho biết có nhiều vụ án mà tòa thường quyết định xử kín như "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước" hoặc các vụ án liên quan trẻ em, thuần phong mỹ tục, đời tư cá nhân như: Hiếp dâm, Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Dâm ô đối với trẻ em…

"Theo quy định của pháp luật, tất cả các bị cáo đều bình đẳng như nhau. Không có tội danh nào luôn được xử kín mà tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án và nhận định của tòa án.

Việc xử kín chỉ nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ các nội dung quy định tại điều 25 BLHS" - Luật sư Quân chia sẻ.

Chia sẻ thêm về những trường hợp xét xử đặc biệt, luật sư Quân nói, Toà án Quân sự là cấp tòa có thẩm quyền xét xử các vụ án theo quy định tại điều 272 BLHS. Tuy nhiên, việc xét xử cũng theo trình tự do luật pháp quy định.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP HCM), cho rằng không có bị cáo nào đặc biệt được ưu tiên xử kín, chỉ có những vụ án được toà án xem xét để tiến hành xử kín theo quy định pháp luật.

"Đối với các vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án Quân sự, nếu liên quan đến bí mật quốc gia cũng như những trường hợp được nêu tại Điều 25 BLHS, thì được xem xét xử kín, nếu không thì vẫn tiến hành xét xử công khai bình thường" - luật sư Học phân tích.

Xử kín nhưng buộc phải tuyên án công khai

Theo luật sư Quân, Điều 25 (BLHS 2015) hay Điều 18 (BLHS 2003), quy định tòa án có thể xem xét nội dung và tính chất của vụ án để quyết định việc xét xử kín hay không. Ngoài quy định đã nói trên, không có quy định nào khác về việc xử kín hay công khai. Cho nên, thực tiễn nhận định việc có cần xét xử kín hay không là tuỳ thuộc vào toà án.

Làm rõ hơn về vấn đề này, luật sư Tuyền cho rằng chưa có quy định hay hướng dẫn cụ thể về việc xử kín ở mức độ nào: ngăn vào phòng xử, xử kín trong một giai đoạn hay toàn bộ quá trình xét xử…

Nhưng thực tế cho thấy quy định thường áp dụng chung là ngoài hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng thì chỉ những người tham gia tố tụng được tòa triệu tập mới được cho vào phòng xử.

Sau khi kết thúc giai đoạn nghị án thì tòa sẽ tuyên án công khai, tức là những người không được triệu tập, cơ quan báo chí có thể được nghe tuyên án công khai.

Như vậy việc xử kín không ảnh hưởng tới quyền tiếp cận thông tin của người dân hoặc các cơ quan truyền thông. Trước sự giám sát này, tòa án cũng không thể tùy tiện phán quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại