Vì sao Tào Tháo thu nhận bại tướng Trương Liêu nhưng giết nhân tài Cao Thuận?

Trần Quỳnh |

Vì sao một người có tiếng là coi trọng nhân tài như Tào Tháo lại thẳng tay hạ sát một chiến tướng tài năng như Cao Thuận? Lý do sẽ khiến hậu thế phải nể phục.

Thời Tam Quốc được biết tới là giai đoạn sản sinh ra không ít bậc kiêu hùng. Ở vào thời đại "thắng làm vua thua làm giặc" ấy, nhiều nhân tài đã không may bỏ mạng chỉ vì một lần thất bại. Ôn hầu Lữ Bố cũng là một trong số đó.

Những giai thoại về đệ nhất mãnh tướng Tam Quốc Lữ Phụng Tiên từ lâu đã trở nên quen thuộc với hậu thế. Và có một sự thực không thể phủ nhận là chư hầu này từng sở hữu trong tay không ít nhân tài.

Sau khi bại trận dưới tay Tào Tháo ở thành Hạ Bì, nhiều thủ hạ của Lữ Bố đã chấp nhận đầu hàng quân giặc. Một người có tiếng là trân trọng hiền tài như Tào Mạnh Đức cũng không ngần ngại thu nạp hàng loạt bại tướng như Ngụy Tục, Tống Hiến, Trương Liêu…

Tuy nhiên trong số các tàn binh bại tướng ở phe Lữ Bố, có một người dù nổi danh tài giỏi nhưng vẫn lại bị Tào Tháo thẳng tay sát hại. Đó chính là Cao Thuận.

Điểm đáng nói nằm ở chỗ, Tào Tháo sinh thời thậm chí có thể bỏ qua cho kẻ từng trở mặt với mình như Trần Cung, nhưng lại không hề chiêu hàng võ tướng họ Cao này, trong khi ông từ sớm đã được cho là nổi danh và tài giỏi hơn cả hổ tướng Trương Liêu.

Vậy đâu là lý do khiến Tào Mạnh Đức thà thu nạp Trương Liêu còn hơn thu nhận nhân tài này? Phải chăng việc Tào Tháo lựa chọn như vậy là còn có hàm ý sâu xa nào khác?

Giai thoại về cuộc đời của viên bộ tướng dũng mãnh nhất dưới trướng Lữ Bố

Vì sao Tào Tháo thu nhận bại tướng Trương Liêu nhưng giết nhân tài Cao Thuận? - Ảnh 1.

Cao Thuận là võ tướng tài giỏi bậc nhất trong tập đoàn chính trị của Lữ Bố. (Tranh minh họa).

Cao Thuận (? – 199) là võ tướng phục vụ dưới trướng của Lữ Bố. Ông cũng được xem là viên bộ tướng mạnh nhất trong hàng ngũ quân sĩ của Lữ Phụng Tiên.

Tên tuổi của Cao Thuận gắn liền với đội hình "hãm doanh trận" - lực lượng tinh nhuệ gồm 700 binh lính mang lối tấn công điên cuồng vào thẳng doanh trại của quân địch.

Trong suốt cuộc đời cầm quân của mình, Cao Thuận từng đối đầu với không ít võ tướng nổi danh thời bấy giờ. Ông đã từng đánh bại đội ngũ của Lưu Bị ở Tiểu Bái và thậm chí từng đánh thắng Hạ Hầu Đôn – viên đại tướng khét tiếng dưới trướng Tào Tháo.

Năm 199, liên quân của Lưu Bị và Tào Tháo đánh tới thành Hạ Bì – phòng tuyến cố thủ cuối cùng của Lữ Bố.

Bấy giờ, thủ hạ của Lữ Bố là Hầu Thành vì bị trách phạt nên đem lòng oán giận, bèn bất ngờ bắt trói Trần Cung và Cao Thuận mang nộp rồi mở cửa ra hàng Tào Tháo. Cùng với sự thảm bại của Lữ Bố, Trần Cung và Cao Thuận đều bị chém.

Chính cuộc đời ngắn ngủi ấy đã khiến tên tuổi của dũng tướng họ Cao trở nên mờ nhạt trước hàng loạt võ tướng nổi danh thời bấy giờ, mà người khiến cho Cao Thuận buộc phải kết thúc tính mệnh của mình trong nuối tiếc không ai khác chính là Tào Mạnh Đức.

Những nguyên nhân khiến Tào Tháo thà chọn Trương Liêu chứ không chọn Cao Thuận

Nếu như Cao Thuận chỉ là một tướng lĩnh bình thường, Tào Tháo không chiêu hàng ông cũng là điều khó hiểu. Thế nhưng sự thật là vị tướng họ Cao ấy vốn không phải một kẻ vô danh.

Sinh thời, ông được đánh giá là một vị tướng vừa có võ nghệ cao cường lại vừa giỏi dụng binh. Nhân tài thuộc hàng hiếm có như vậy chắc chắn sẽ khiến Tào Tháo để tâm.

Tuy nhiên sự thực là Tào Mạnh Đức thà thu nhận một người chưa mấy nổi danh như Trương Liêu và quyết giết nhân tài nức tiếng là Cao Thuận.

Về quyết định được xem là kỳ lạ này, trang Qulishi đã đưa ra 3 lý giải như sau.

Thứ nhất, Cao Thuận lựa chọn "ngu trung" còn Trương Liêu thức thời đầu hàng.

Vì sao Tào Tháo thu nhận bại tướng Trương Liêu nhưng giết nhân tài Cao Thuận? - Ảnh 2.

Việc Tào Tháo cất công chiêu hàng Trương Liêu thực chất là một tình tiết hư cấu trong "Tam Quốc diễn nghĩa". (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Khác với màn dụ hàng đầy dụng ý của Tào Tháo dành cho Trương Liêu trong "Tam Quốc diễn nghĩa", về biến cố thay chủ của vị tướng họ Liêu này, các tài liệu chính sử đều khẳng định Trương Liêu mới là người chủ động đầu hàng.

Cụ thể, "Tam Quốc chí – Ngụy chí" phần "Trương Liêu truyện" có ghi lại: "Thái Tổ phá Lữ Bố ở Hạ Bì, Liêu dẫn mọi người ra hàng, được bái làm Trung Lang tướng, ban cho tước quan Nội hầu".

Nói cách khác, sau khi Lữ Bố bị bắt giết, Trương Liêu và không ít chúng tướng dưới trướng đã chủ động quy hàng.

Thế nhưng Cao Thuận lại phải chịu số phận giống Trần Cung. Điều này chứng tỏ rất có khả năng viên tướng ấy đã lựa chọn liều chết để trung thành với chủ cũ chứ quyết không hàng Tào.

Thứ hai, danh tiếng của Cao Thuận lớn hơn Trương Liêu.

Vì sao Tào Tháo thu nhận bại tướng Trương Liêu nhưng giết nhân tài Cao Thuận? - Ảnh 3.

Chính sự nổi danh của Cao Thuận là một trong những lý do khiến tướng tài này chết dưới tay Tào Tháo. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Sinh thời, Trương Liêu được đánh giá là một vị tướng hữu dũng hữu mưu. Tuy nhiên sự thực là phần lớn tên tuổi của ông đều bắt nguồn từ những chiến công kể từ khi theo phò Tào Tháo.

Vì vậy, việc thu nhận một hàng tướng chưa có nhiều dấu ấn như Trương Liêu ít nhiều có thể đem tới cho Tào Tháo sự an tâm, còn Cao Thuận thì ngược lại.

Năm xưa, Cao Thuận được xem là viên bộ tướng số một dưới trướng Lữ Bố, thậm chí ông còn sở hữu trong tay cả một binh đoàn với sức tấn công điên cuồng. Đó là chưa kể tới việc Cao Thuận nổi tiếng là người thanh bạch, nghiêm khắc, không uống rượu, không nhận hối lộ.

Từ sớm đã nổi danh, lại có trong tay nhiều binh sĩ trung thành, việc Tào Tháo lưu lại một hàng tướng như Cao Thuận có lẽ còn rủi ro hơn cả việc ông tha chết cho Lữ Bố.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến Tào Mạnh Đức dám dùng Trương Liêu nhưng lại không dám giữ Cao Thuận.

Thứ ba, giết Cao Thuận là việc cần làm giữ thể diện cho Hạ Hầu Đôn.

Vì sao Tào Tháo thu nhận bại tướng Trương Liêu nhưng giết nhân tài Cao Thuận? - Ảnh 4.

Cái chết của Cao Thuận ít nhiều còn liên quan tới thể diện của Hạ Hầu Đôn cũng như sự ổn định nội bộ của tập đoàn chính trị dưới tay Tào Tháo. (Tranh minh họa).

Nhìn từ tập đoàn chính trị dưới trướng Tào Tháo, không khó để nhận thấy phần đông các tướng lĩnh đóng vai trò chủ chốt đều xuất thân từ hai gia tộc lớn là Tào thị và Hạ Hầu thị.

Trong số đó, Hạ Hầu Đôn là viên tướng sở hữu quyền lực và uy danh hơn cả. Ngay cả khi bị thương ở một bên mắt và ít lên tiền tuyến, địa vị vững chắc của ông ở dưới trướng Tào Tháo cũng chưa bao giờ bị lung lay.

Tuy nhiên năm xưa khi vâng lệnh quân chủ đem quân đi ứng cứu cho Lưu Bị, viên mãnh tướng nổi danh này đã từng bại dưới tay Cao Thuận. Vì thế nếu Tào Tháo thu nhận và trọng dụng vị tướng họ Cao thì chẳng khác nào giáng một bạt tai vào thể diện của Hạ Hầu Đôn.

So với một viên hàng tướng dưới tay giặc, Tào Tháo dĩ nhiên sẽ coi trọng việc duy trì ổn định trong nội bộ tập đoàn của mình. Do đó việc bỏ qua Cao Thuận là lựa chọn hợp lý để giữ thể diện cho Hạ Hầu Đôn.

Từ những lý giải trên đây, có thể thấy quyết định thu nhận Trương Liêu và hạ sát Cao Thuận thực chất là một nước cờ đã được Tào Mạnh Đức toan tính kỹ càng.

Bất luận là đánh giá dựa trên góc độ nào thì sự thực lịch sử đã cho thấy bước đi của Tào Tháo là hợp tình hợp lý.

Bởi so với uy danh ngắn ngủi của một Cao Thuận dưới tay Lữ Bố, Trương Liêu quả thực đã không làm cho vị quân chủ họ Tào của mình thất vọng khi vươn lên trở thành một viên hổ tướng không kém cạnh cả về uy danh lẫn thực lực.

*Theo Sina

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại