Vì sao Nhật Bản muốn Nga quay trở lại G7?

Đức Dũng |

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây đã bày tỏ mong muốn đưa Nga quay trở lại nhóm G7 và giảm dần các lệnh cấm vận chống Nga của phương Tây. Vì sao?

Nhật Bản muốn dùng Nga kiềm chế Trung Quốc?

Với tư cách là Chủ tịch Nhóm G7 năm 2016 và đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị này 2 vấn đề đang gây tranh cãi trong nội bộ G7 và cả hai vấn đề này đều có sự liên quan đến nhau.

Vấn đề thứ nhất liên quan đến việc lên án các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và vấn đề thứ hai là đưa Nga quay trở lại G7.

Được biết, ý tưởng khôi phục lại Nhóm G8 bằng cách đưa Nga quay trở lại G7 đã được phía Nhật Bản lên kế hoạch từ khi Nhật Bản trở thành Chủ tịch luân phiên của Nhóm này. Moscow rời khỏi Nhóm G8 vào năm 2014 sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraine và Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Thoạt tiên, dường như hai vấn đề ông Abe đưa ra ở trên không liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Jeremy Maxi, mục đích chính của ông Shinzo Abe khi đưa ra hai vấn đề này là nhằm cải thiện mối quan hệ với Nga, khôi phục cán cân quyền lực trong khu vực và xem xét lại các biện pháp để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Chiến lược của Nhật Bản là cản trở Moscow hình thành nên liên minh chiến lược với Trung Quốc vì liên minh này nếu được thành lập sẽ “ảnh hưởng đến trật tự quốc tế đã được thiết lập ở châu Á”. Ngoài ra, Nhật bản đang mong muốn dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ.

Theo nhận định của giới phân tích, Tổng thống Nga Putin cũng có những tính toán hết sức chiến lược khi phát triển quan hệ với Nhật Bản. Nga muốn tách Nhật Bản ra khỏi mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và làm rối loạn liên minh giữa các nước ủng hộ lệnh cấm vận chống Nga.

Ngoài ra, Nga còn coi Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng khi quan hệ với phương Tây của Nga vẫn chưa được cải thiện.

Theo nhận định của Jeremy Maxi, có thể các nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe về vấn đề liên quan đến Nga sẽ không được các nước khác trong G7 ủng hộ nhưng các nước này sẽ ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản về vấn đề Trung Quốc. Khả năng các quốc gia G7 trong hội nghị lần này sẽ xem xét vấn đề về đưa Nga quay trở lại G7 là không cao.

Nguyên nhân là do sự phản đối từ Mỹ. Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 2 vừa qua đã lên tiếng đề nghị Thủ tướng Shinzo Abe không nên đến Nga nhưng ông Abe vẫn thực hiện chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng đến quốc gia hiện đang có tranh chấp chủ quyền (ở quần đảo Kuril) với Nhật Bản.

Nguyên nhân nữa khiến đề xuất của ông Abe về vấn đề liên quan đến Nga khó có thể được chấp nhận là do tại hội nghị lần này, các nước G7 sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề kéo dài các lệnh cấm vận chống Nga. Do đó, theo Jeremy Maxi, đề xuất lần này của Nhật Bản “không hợp lý về mặt chính trị”.

Trung Quốc lên tiếng “nhắc nhở” G7

Nắm được ý đồ của Nhật Bản, Trung Quốc đã phải lên tiếng “nhắc khéo” G7. Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, G7 nên tập trung vào thảo luận các vấn đề kinh tế và không nên theo đuổi “tiêu chuẩn kép”.

“G7 là hình thức để thảo luận các vấn đề kinh tế… Ngoài ra, G7 còn thảo luận những vấn đề riêng của họ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khi thảo luận bất cứ vấn đề nào, các nước G7 cũng không nên áp dụng cái gọi là “tiêu chuẩn kép.

Chúng tôi không hề mong muốn G7 sẽ thảo luận các vấn đề hoặc có các hành động nào đó làm leo thang căng thẳng tình hình trong khu vực”- ông Vương Nghị bình luận về khả năng vấn đề Biển Đông sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị của G7.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ vẫn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng hình thức đối thoại trực tiếp với các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền ở khu vực này.

Hiện Trung Quốc đang ngày càng đẩy mạnh các hành động tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Dù liên tục thực hiện các hành động ngang ngược trên Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn lên tiếng cáo buộc các quốc gia như Philippines....sử dụng sự hỗ trợ của Mỹ để làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Hồi tháng 1.2013, Philippines đã đơn phương kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế về luật biển. Tuy nhiên, Trung Quốc kịch liệt phản đối việc giải quyết các vấn đề này ở tòa án quốc tế.

Được biết, Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ chính thức khai mại ngày hôm 26/5 và kéo dài đến ngày 27/5. Hội nghị lần này được tổ chức tại Ise Shiama thuộc tỉnh Mie, cách Thủ đô Tokyo gần 300 km.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ chủ trì Hội nghị trên tư cách là nước Chủ tịch G7. Tham dự hội nghị lần này còn có tất cả các lãnh đạo các quốc gia G7 như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italia Matteo Renzi và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng tham dự hội nghị tại Nhật Bản.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại