Vì sao NATO lo sợ Hải quân Nga hiện diện trên khắp các đại dương?

Quang Huy |

Sự trở lại quy mô của Hải quân Nga trên đại dương đang khiến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc không thể ngồi yên.

Gần đây, tại căn cứ đầu não của Hạm đội Thái Bình dương (Nga) ở Vladivostok đã diễn ra lễ đón chiếc tàu tuần dương tên lửa Varyag vừa trở về sau đợt tuần tra dài ngày trên biển.

Rời cảng từ tháng 11 năm ngoái, vượt qua 3 đại dương và 9 vùng biển, với quãng đường hơn 40.000 hải lý, tàu Varyag đã tham gia hàng loạt các nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Trong số đó có cuộc tập trận chung trên biển Nga - Ấn Độ mang tên "Indra Navy-2015", tham gia tuần tra cùng lực lượng Hải quân Nga trên Địa Trung hải, phóng tên lửa vào các mục tiêu trên thao trường Kura.

Varyag còn viếng thăm cảng biển của một số nước, như truyền thống đã có từ lâu của Hải quân Nga.

3 lần vượt qua đường xích đạo

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hiện có gần 50 tàu chiến của nước này đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra tại các khu vực khác nhau trên Đại dương.

Cách đây vài ngày, thành phố Severomorsk và Murmansk đã đón đội tàu chiến và tàu hỗ trợ dưới sự dẫn đầu của khu trục hạm hạng nặng "Phó đô đốc Kulakov".

Vì sao NATO lo sợ Hải quân Nga hiện diện trên khắp các đại dương? - Ảnh 1.

Khu trục hạm Phó đô đốc Kulakov.

Kíp thủy thủ đoàn đã thực hiện nhiều nhiệm vụ tại khu vực đông bắc Đại Tây dương, Địa Trung Hải, Biển Đỏ và Biển Ả Rập trong vòng hơn 5 tháng, vượt qua 25 nghìn hải lý và ghé thăm các bến cảng như Limassol (Síp), Salala (Oman), cũng như Karachi (Pakistan).

Họ còn tham gia vào cuộc tập trận chống buôn lậu ma tuý quốc tế "Gió mùa Ả Rập" phối hợp cùng lực lượng Hải quân Pakistan.

Trước đó, cũng tại thành phố Severomorsk đã diễn ra buổi lễ đón tàu đổ bộ Alexander Otrakovsky. Con tàu đã trải qua chuyến hải trình dài nhất trong lịch sử hiện đại của Hạm đội Biển Bắc – 588 ngày! Tổng cộng nó đã vượt qua 65 nghìn hải lý: Nếu tính bằng kilomet thì tương đương 3 lần vòng quanh thế giới theo đường xích đạo.

Vì sao NATO lo sợ Hải quân Nga hiện diện trên khắp các đại dương? - Ảnh 2.

Tàu đổ bộ Alexander Otrakovsky.

Thêm một chiếc tàu đổ bộ hạng nặng Alexander Shabalin cũng quay trở về căn cứ của Hạm đội Baltic tại thành phố Baltisk sau chuyến hải trình dài 31 nghìn hải lý và 8 tháng, đi qua những vùng biển như Địa Trung hải, Biển Đen và Biển Bắc cũng như Đại Tây dương.

Nói chung, nếu nhìn vào các con số thống kê thì trong năm ngoái, gần như toàn bộ các tàu chiến chủ lực của Hải quân Nga đều trải qua những chuyến hải trình dài ngày:

Tàu săn ngầm Severomorsk tuần tra trên Biển Đỏ, tàu tuần dương tên lửa Moscow tuần tra bờ biển Latakia (Syria) để bảo vệ lực lượng Không quân Nga tại đây, tàu đệm khí Samum và tàu hộ vệ Ladny tham gia vào cuộc tập trận chung Nga-Trung "Hợp tác hải quân 2015" trên Địa Trung Hải.

Ngoài ra, tàu khu trục Smetlivy đã viếng thăm cảng Corfu (Hi Lạp) và tham dự sự kiện "Tuần văn hoá Nga trên quần đảo Ionis", tàu săn ngầm Đô đốc Panteleyev đảm bảo sự hiện diện quân sự của Nga trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Song, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong danh sách các chuyến hải trình xa bờ mà tàu chiến Nga thực hiện trong vừa năm qua.

Trở lại mạnh mẽ sau thời kỳ vắng bóng

Thực hiện các chuyến hải trình xa bờ là hình thức huấn luyện bắt buộc của các tàu chiến Nga. Ra khơi 6 tháng hoặc hơn là công việc thường xuyên đối với các thủy thủ.

Không phải ngẫu nhiên mà huy hiệu "Chuyến đi dài ngày" được xem là một trong những phần thưởng cao quý nhất dành cho thủy thủ Nga.

Huy hiệu này được chính Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô trao tặng cho những thủy thủ đã tham gia vào các chuyến hải trình quốc tế dài ngày trên tàu chiến. Tiêu chuẩn như sau:

Đối với thủy thủ của Hạm đội phương Bắc - phạm vi ngoài vùng biển Barents, Hạm đội Biển Baltic - ngoài eo biển Đan Mạch, Hạm đội Biển Đen - vượt ngoài eo biển Bosphorus, Hạm đội Thái Bình Dương - vượt ngoài vùng Biển Nhật Bản và Biển Okhotsk.

Đến thời kỳ hiện nay, huy hiệu này vẫn được giữ lại và chỉ thay đổi các tiêu chí trao tặng: Đối với thủy thủ đoàn của Hạm đội phương Bắc - vượt ra khỏi ranh giới vùng biển Na Uy, Hạm đội Thái Bình dương – vượt khu vực ranh giới 3.000 hải lý kể từ nơi đóng quân, Hạm đội Biển Đen – vượt khỏi ranh giới Biển Aegean, Hạm đội Biển Baltic – ra ngoài ranh giới Biển Bắc.

Vì sao NATO lo sợ Hải quân Nga hiện diện trên khắp các đại dương? - Ảnh 3.

Tổng thống Putin tham dự lễ kỷ niệm Ngày Hải quân tại St. Petersburg hôm 31/7.

Trong những năm gần đây, Nga rất tự tin quay trở lại đại dương. Từ năm 2012, trong một bài báo liên quan tới những vấn đề an ninh quốc gia trước thềm bầu cử, ông Vladimir Putin cho biết, "Hạm đội hải quân Nga đã khôi phục sự hiện diện của mình tại các khu vực chiến lược trên đại dương, bao gồm trên Địa Trung Hải. Đây sẽ là hoạt động thường xuyên".

Bên cạnh đó, bài báo cũng nhấn mạnh rằng - "trong tương lai gần, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và trước mắt của Nga sẽ là hồi sinh lực lượng hải quân đại dương (khả năng tác chiến bất cứ đâu trên đại dương) một cách đúng nghĩa".

Hiện nay, theo Học thuyết của Nga, hoạt động hải quân được xem là "những ưu tiên tối thượng của quốc gia".

Đồng thời, Hải quân được xác định là một trong những công cụ của chính sách đối ngoại, giúp "đảm bảo sự hiện diện quân sự của Nga và biểu dương quốc kỳ và sức mạnh của nước này trên đại dương, tham gia vào hoạt động chống cướp biển, các hoạt động quân sự, gìn giữ hoà bình, cứu trợ do cộng đồng thế giới triển khai, đáp ứng các lợi ích của Liên bang Nga".

Trở lại đại dương

Các tàu ngầm của Nga cũng có mặt trên đại dương. Chỉ trong vòng vài tháng gần đây, tàu ngầm động cơ điện diezel Kaluga, các tàu ngầm nguyên tử Obninsk và Nizhniy Novgorod đã quay về căn cứ của Hạm đội phương Bắc sau khi thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển.

Còn chiếc tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược Yury Dolgoruky (vừa được chào đón nồng nhiệt tại căn cứ đầu não của lực lượng tàu ngầm Biển Bắc hồi năm ngoái), đã hoàn thành chương trình 2 tháng lặn dưới băng ở Bắc Cực.

Khoảnh khắc tên lửa Bulava được phóng đi từ tàu ngầm Yuri Dolgoruky

Bộ Tư lệnh Hạm đội hải quân nhấn mạnh, "Hạm đội hải quân Nga đang sở hữu những chiếc tàu ngầm mang tên lửa hiện đại nhất, có khả năng thực hiện nhiệm vụ răn đe chiến lược trên đại dương, bao gồm cả Bắc Cực".

Chiếc tàu ngầm này chính thức có mặt trong hàng ngũ của Hạm đội phương Bắc vào năm 2013. Nó mang theo các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava, ngư lôi và còn có thể được trang bị cả các tên lửa hành trình.

Theo ý kiến của nhà báo quân sự Ilya Kramnik (Nga), mục đích chính của việc biểu dương quốc kỳ Nga là thể hiện sự quan tâm tới một khu vực nào đó, chứng minh cho đối thủ tiềm năng thấy khả năng triển khai tấn công của Nga tại những khu vực trọng yếu trong trường hợp cần thiết.

Bên cạnh đó, chuyên gia này nhận định, không nhất thiết phải sử dụng các tàu chiến hạng nặng để thực hiện các nhiệm vụ này. Tuy nhiên, việc cử các tàu chiến trẻ nhất, lớn nhất của Hạm đội Nga không chỉ nhằm biểu dương mà còn để chứng minh khả năng bảo vệ lá cờ của Tổ quốc của các thủy thủ.

Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov nói cụ thể về các khu vực mà một phân tích gần đây cho thấy, đó là những nơi Hạm đội hải quân Nga cần phải hiện diện để đảm bảo các lợi ích về kinh tế.

Danh sách này bao gồm nam Đại Tây dương, các vùng biển tiếp giáp với Nam Mỹ, các khu vực ở tây nam Châu Phi, phần phía bắc Đại Tây dương, biển Na Uy, Greenland, phần tây bắc Thái Bình Dương (ở những nơi có hoạt động đánh bắt hải sản), phần trung tâm và phía đông Địa Trung Hải.

Ngoài ra còn có các khu vực trên Ấn Độ dương tiếp giáp với bờ biển phía tây bắc châu Phi, các quần đảo và vùng biển Thái Bình dương - nơi cướp biển lộng hành, cũng như khu vực phía bắc Ấn Độ dương.

Liên quan tới thành phần cần thiết của các đội tàu chiến trong vai trò này, ông Sivkov lấy ví dụ: Để chống cướp biển, cũng như bảo vệ các tàu thuyền của Nga hoạt động đánh bắt hải sản và vận tải biển, Hải quân Nga cần triển khai tối thiểu 1 tàu khu trục hoặc 1 khinh hạm trong từng khu vực.

Để biểu dương quốc kỳ và thực hiện các biện pháp hỗ trợ chính sách ngoại giao của Nga, theo chuyên gia này, cần phải bố trí tối thiểu 3-5 tàu chiến mặt nước tại khu vực nước sâu và đội tàu này sẽ do ít nhất 1 tàu tuần dương hoặc tàu sân bay dẫn đầu.

Theo Đô đốc Hải quân Vladimir Komoedov, chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Duma Nga, đồng thời là nguyên tư lệnh Hạm đội Biển Đen, tàu sân bay Đô đốc Kuznetzov phải thường xuyên có mặt tại Địa Trung hải để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga trong khu vực này.

"Theo tôi, tàu Đô đốc Kuznetzov phải thường xuyên có mặt tại Địa Trung hải, không rời khỏi khu vực này để đảm bảo giải quyết các nhiệm vụ liên quan tới lợi ích an ninh của Nga. Thủy thủ đoàn có thể xoay vòng nhưng tàu phải ở lại Địa Trung hải" - ông Komoedov nhấn mạnh trong cuộc nói chuyện với các phóng viên.

Câu trả lời dành cho Mỹ-NATO

Sự trở lại quy mô của Hải quân Nga trên đại dương khiến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc không thể ngồi yên. Cuối năm ngoái, tình báo Hải quân Mỹ đã công bố một bản báo cáo, trong đó bày tỏ sự lo ngại về việc Hải quân Nga đang phát triển mạnh mẽ.

Tờ Daily Beast đưa ra những thông tin có trong bản báo cáo và nhấn mạnh rằng, "Nga đã bắt đầu và trong thập kỷ tới, họ sẽ tiếp tục những bước tiến dài để mở rộng khả năng của hạm đội hải quân. Điều này không chỉ nhằm bảo vệ, mà còn thọc sâu vào các khu vực có tầm ảnh hưởng của Nga ở xa".

Ngoài ra, cũng theo đánh giá của tài liệu này "các chương trình đóng tàu bị tạm dừng trước đây hiện giờ sắp được hoàn thành, các dự án mới cũng được triển khai, giúp hạm đội tăng cường thêm các tàu ngầm và tàu chiến đạt tiêu chuẩn thể kỷ XXI".

Vì sao NATO lo sợ Hải quân Nga hiện diện trên khắp các đại dương? - Ảnh 5.

Tàu chiến Nga phô diễn sức mạnh trong Ngày Hải quân.

Trước đó, Đô đốc John Richardson đã đề cập tới mối lo ngại của Mỹ về việc Hải quân Nga tăng cường hoạt động và sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả.

Phát biểu tại Viện Thương mại Mỹ, ông Richardson nêu rõ, hạm đội hải quân Nga đang đặc biệt tăng cường hoạt động trên Biển Đen, Biển Caspi và Địa Trung hải.

Còn Đô đốc Mark Ferguson, Tư lệnh chỉ huy hải quân NATO và Mỹ khu vực châu Âu-châu Phi đã đánh giá các tàu ngầm mới của Nga có "tiếng ồn thấp hơn, trang bị vũ khí tốt hơn, có tầm hoạt động xa hơn, cũng như trang bị các hệ thống vũ khí và tên lửa tối tân, có thể tiêu diệt những mục tiêu trên bộ từ khoảng cách rất xa".

Tất cả những điều này "khiến Mỹ và NATO hết sức lo ngại". Đô đốc Ferguson thừa nhận rằng, những động thái của Nga là nhằm đáp trả việc NATO tăng cường tiềm lực quân sự. Moscow luôn cho đó là mối đe dọa đối với sự tồn vong của mình.

Dù thế nào đi chăng nữa, trong cuộc họp mới đây với lãnh đạo các hạm đội, Đô đốc Vladimir Korolev, Tư lệnh Hạm đội phương Bắc đã chỉ đạo nhiệm vụ huấn luyện trong giai đoạn mùa hè năm nay: Đó là không được giảm hiệu quả trong công tác tổ chức đào tạo chiến đấu, đặc biệt quan tâm tới công tác huấn luyện thực địa trên biển theo kế hoạch.

"Các thủy thủ đoàn sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tại nhiều khu vực khác nhau trên đại dương, làm rạng rỡ lá cờ St. Andrew (cờ hải quân Nga)" - Đô đốc Korolev nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại