Vì sao Mỹ không ngăn tàu Trung Quốc theo dõi vụ thử nghiệm THAAD?

Minh Thu |

Trong khi Mỹ tiến hành thử nghiệm hoạt động của THAAD ở Alaska hôm 12/7, một chiếc tàu của Hải quân Trung Quốc đã có mặt gần đó. Vậy tại sao Mỹ không đưa ra phản ứng ngăn cản hoạt động của tàu Trung Quốc?

Một chiếc tàu tình báo của Trung Quốc đã theo dõi toàn bộ quá trình Mỹ cho thử nghiệm hoạt động đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Alaska hôm 12/7.

Theo CNN, chiếc tàu của Trung Quốc đã "tiến vào vùng biển quốc tế ngoài khơi Alaska trong vài ngày" và tới khu vực để theo dõi vụ thử nghiệm THAAD trước khi Mỹ tiến hành. Trước đó, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho biết, quân đội nước này sẽ thử nghiệm THAAD trong tuần đầu tháng Bảy nhưng không nói rõ cụ thể thời gian tiến hành.

Vì sao Mỹ không ngăn tàu Trung Quốc theo dõi vụ thử nghiệm THAAD? - Ảnh 1.

Tàu Tianlangxing số hiệu 854 của hải quân Trung Quốc đã tiến vào vùng biển quốc tế cách Alaska 100 dặm để theo dõi vụ thử nghiệm THAAD của Mỹ hôm 12/7

Theo đó, chiếc tàu Trung Quốc theo dõi vụ thử nghiệm THAAD được xác định là tàu thu thập thông tin tình báo (AGI) Type 815 của hải quân Trung Quốc. Cụ thể, con tàu này mang tên Tianlangxing số hiệu 854 được cho đã di chuyển từ biển Nhật Bản vào Ấn Độ Dương trước khi Mỹ thử nghiệm THAAD.

Tianlangxing là chiếc tàu AGI duy nhất trong Hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc và là con tàu có khả năng di chuyển tới các vùng biển xa ngoài khơi Alaska. Chính phủ Nhật Bản cũng đã phản đối tàu AGI của Trung Quốc khi nó tiến vào vùng biển của nước này trong lúc đi qua eo biển Tsugaru.

Có thể nói, việc Mỹ không đưa ra bất cứ phản ứng nào trước sự xuất hiện của tàu AGI Trung Quốc bị nghi là nhằm theo dõi vụ thử nghiệm THAAD, không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi tàu Trung Quốc lúc đó đang hoạt động ở vùng biển quốc tế.

Chia sẻ với CNN, một quan chức Mỹ cho hay tàu Trung Quốc đã hoạt động cách bờ biển Alaska khoảng 100 dặm và nằm trong vùng biển quốc tế.

Lâu nay, Mỹ cũng đồng tình với luật pháp quốc tế bao gồm Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) quy định các tàu quân sự sẽ được tiến hành hoạt động trinh thám và các hoạt động khác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia khác. Cũng theo UNCLOS, EEZ là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở của một quốc gia ven biển.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên một chiếc tàu của hải quân Trung Quốc xuất hiện ở Alaska. Cụ thể, vào năm 2015, 5 chiếc tàu của Hải quân Trung Quốc đã tiến vào biển Bering và đi qua quần đảo Aleutian nhưng Mỹ cũng không đưa ra bất cứ phản ứng nào.

Trước đó, hồi năm 2014, một chiếc tàu AGI Type 815 của Trung Quốc đã theo dõi hoạt động cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương do Mỹ tiến hành. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Đô đốc Samuel J. Locklear III mà sau này trở thành Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đã hoan nghênh sự xuất hiện của tàu Trung Quốc.

Trên thực tế, việc Trung Quốc điều tàu AGI tới Alaska để theo dõi vụ thử nghiệm THAAD của Mỹ là điều dễ hiểu. Bởi lâu nay, Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích gay gắt kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Theo Bắc Kinh, hệ thống radar X AN/TPY-2 của THAAD sẽ theo dõi năng lực quân sự và lực lượng tên lửa của Trung Quốc.

Về phần mình, nguyên nhân khiến Mỹ không có bất phản ứng nào trước việc tàu AGI của Trung Quốc hoạt động cách bờ biển Alaska 100 dặm là do Washington muốn Bắc Kinh cũng phải tôn trọng hoạt động giám sát của Không quân và Hải quân Mỹ trong EEZ của Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại