Vì sao Israel không dám manh động sau khi S-300 đến "trấn yểm" Syria?

Quốc Vinh |

Mặc dù Thủ tướng Netanyahu khẳng định nhiều lần sẽ tiếp tục không kích các mục tiêu Iran ở Syria, nhưng sau khi sự cố Il-20 bị bắn rơi, Israel đã tạm ngừng tấn công gần một tháng qua.

S-300 giúp Nga cứu vãn danh dự

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 2/10 đã thông báo với Tổng thống Vladimir Putin rằng, quân đội Nga đã hoàn thành việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Syria.

Động thái này nhằm tăng cường an ninh cho các lực lượng Nga ở Syria sau khi máy bay trinh sát Ilyushin-20 bị bắn rơi bởi hệ thống phòng không của Syria xuất phát từ những gì Moscow gọi là sự khiêu khích của Israel.

Theo nguồn tin của quân đội Nga, Moscow đã cung cấp ba tiểu đoàn S-300PM với tám hệ thống phóng tên lửa cũng như hơn 100 tên lửa dẫn đường đối không cho mỗi tiểu đoàn.

Moscow và Damascus đã ký một thỏa thuận về việc cung cấp các hệ thống S-300 cho Syria vào năm 2010, nhưng Điện Kremlin đã hoãn thực hiện thỏa thuận này do mối lo ngại an ninh của Israel.

Trong những ngày sau sự cố Il-20 bị bắn rơi, thỏa thuận đã được thực hiện trở lại như một cách để hạn chế khả năng hoạt động của lực lượng không quân Israel và giảm khả năng xảy ra sự cố gây thêm thương vong đối với quân nhân Nga.

Leonid Nersisyan, một nhà phân tích quân sự từ tạp chí New Defense Order Strategy, cho rằng việc triển khai ba tiểu đoàn của S-300PM sẽ phục vụ cả hai mục tiêu chính trị và quân sự của Moscow.

"Đây là một phản ứng khá khắc nghiệt của Nga đối với các cuộc không kích của Israel trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của Moscow", Nersisyan nói với Al-Monitor. "Latakia đã bị tấn công lần đầu tiên. Đây cũng là một thông điệp chỉ trích Israel việc bỏ qua cơ chế thông báo hoạt động trên bầu trời Syria là không thể chấp nhận được".

Những hệ thống này sẽ làm phức tạp thêm các hoạt động của lực lượng không quân Israel, với việc xác định đợc mục tiêu ở xa hơn, làm giảm hiệu quả của các cuộc không kích của Tel Aviv.

Bên cạnh đó, nguy cơ máy bay Israel bị bắn rơi cũng tăng lên vì không giống như S-200 - S-300PM được coi là rất hiệu quả đối với các mục tiêu bay thấp.

Bảng dữ liệu kỹ thuật của S-300PM nói rằng hệ thống có khả năng loại bỏ các chiến đấu cơ tiên tiến nhất, bao gồm cả máy bay sử dụng công nghệ tàng hình, tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa chiến thuật và hành trình, máy bay cảnh báo sớm cũng như máy bay trinh sát và tấn công.

Tuy nhiên, Nersisyan lưu ý: "Điều này không có nghĩa Israel không thể vượt qua được S-300. Nếu Jerusalem quyết định tấn công, họ có thể làm được, dù vẫn phải trả một cái giá nào đó".

Nhà phân tích tiếp tục nêu quan điểm: "Mặc dù quan hệ Nga-Israel giờ đây có thể lạnh giá hơn, nhưng không bên nào quan tâm đến việc hướng tới đối đầu nhau vì điều đó sẽ làm mất ổn định khu vực cũng như dẫn đến những tình huống không lường trước".

Trong khi đó, nhà phân tích quân sự từ tạp chí Eksport Vooruzheny của Nga - Andrei Frolov - cho rằng động thái của bộ Quốc phòng Nga khá là mang tính tượng trưng và là một cách để "cứu vãn danh dự và phô diễn sức mạnh".

"Cuộc xung đột giữa Nga và Israel chưa bao giờ chấm dứt, vì vậy động thái này dường như không phải là một sự thay đổi chiến lược lớn", Frolov nói với Al-Monitor:

"Rất nhiều điều có thể thay đổi, tuy nhiên, nó sẽ phụ thuộc vào địa điểm chính xác các hệ thống S-300 sẽ được triển khai và cách chúng sẽ được tích hợp vào phòng không chung của Syria. Hệ thống này sẽ được quản lý độc quyền bởi người Syria hay cùng quản lý với người Nga? Chúng ta cần thêm thời gian để xem xét".

Israel không muốn “trêu ngươi” Nga?

Vì sao Israel không dám manh động sau khi S-300 đến trấn yểm Syria? - Ảnh 1.

Israel hiểu rằng không nên thách thức Nga bằng các cuộc không kích ở thời điểm này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết vào ngày 7/10 rằng, ông sẽ gặp Tổng thống Putin "sớm", để thảo luận về sự phối hợp an ninh chặt chẽ hơn nữa ở Syria.

Moscow đã bác bỏ ít nhất hai đề xuất của Israel sau vụ việc Il-20. Trong đó Nga từ chối tiếp đón phái đoàn do cố vấn an ninh quốc gia Meir Ben-Shabbat dẫn đầu và Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Liberman, cũng như Thủ tướng Netanyahu.

Giờ đây, khi S-300 được chuyển giao, Nga đã bắt đầu cho thấy sự cởi mở hơn với phía Israel. Vào ngày 9/10, Thủ tướng Netanyahu đã gặp Phó Thủ tướng Nga Maxim Akimov ở Israel để thảo luận về quan hệ đối tác kinh tế.

Mặc dù có sự khác biệt rõ rệt trong cách tiếp cận giải quyết xung đột giữa bộ Quốc phòng và Điện Kremlin, mối quan tâm cuối cùng của Moscow là đảm bảo phản ứng của mình mặc dù khắc nghiệt nhưng vẫn đi đúng hướng.

Dẫu vậy, mối quan hệ thân tình giữa ông Putin và ông Netanyahu đã phải đối mặt với một thử thách căng thẳng bất ngờ.

Việc chiến đấu cơ của Israel ngừng không kích Syria trong vài tuần qua là điều dễ hiểu, vì việc tiếp tục hành động trong hoàn cảnh hiện tại không khác gì "trêu ngươi" người Nga, tờ Al-Monitor nhận định.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Israel sẽ kiềm chế các cuộc tấn công nếu thấy các chuyển động của Iran gây ra mối đe dọa. Về phần mình, Moscow cũng nhận thức rõ điều này.

Như vậy, tình hình hiện tại sẽ tiếp tục yêu cầu cả hai bên duy trì lập trường giảm xung đột và tuân thủ các quy tắc hợp tác cũng như tìm kiếm một giải pháp hợp lý trong vấn đề Iran, giữa bối cảnh Nga tin rằng "họ đã làm đủ", trong khi Israel lại một mực khẳng định "mọi thứ chưa phải đủ" khi nói đến việc kiềm chế Tehran ở Syria hay Lebanon.

Về vấn đề này, việc triển khai S-300 có thể không thay đổi đáng kể cuộc chơi trong thời gian tới nhưng nó có thể đủ để các thương lượng giữa Israel và Nga đi theo hướng đi mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại