Vì sao Hoàng tử Saudi bị xử tử?

Tú Anh |

Bị kết án phạm tội giết người, một Hoàng tử thuộc dòng dõi Nhà vua Saud đang lãnh đạo Saudi Arabia đã bị xử tử hình. Đây là một vụ xử hiếm hoi và được ngợi khen là công bằng.

Bộ Nội vụ Saudi Arabia đã nêu trong một thông cáo ngày 18-10 rằng Hoàng tử Turki Turki bin Saud al-Kabir đã bị xử tử vì tội bắn chết một người trong vụ đánh nhau lớn giữa hai bên. Nạn nhân tên Adel al-Mahemid.

Bản thông cáo được hãng truyền thông chính thức SPA của Saudi đăng tải lại cho biết hoàng tử đã bị xử tử ở thủ đô Riyadh nhưng không nêu rõ thêm chi tiết.

Việc xử tử Hoàng tử là chuyện hiếm thấy ở quốc gia theo chế độ quân chủ này, chưa kể Turki bin Saud al-Kabir là thành viên của dòng dõi Hoàng gia Saud đang cầm quyền.

Hoàng tộc Saud đang nắm quyền tại Saudi Arabia có hàng ngàn thành viên được phong tước hiệu Hoàng tử và Công chúa. Tất cả các thành viên đều được nhận tiền hằng tháng để tiêu xài.

Vì là chuyện hiếm xảy ra nên bản thông cáo được công bố trên truyền thông nhà nước đã làm dậy sóng mạng xã hội Twitter ở Saudi Arabia.

"Việc áp dụng luật tối cao không phân biệt Hoàng tử và thường dân. Tất cả chúng ta đều bình đẳng ở đất nước này", một công dân mạng tên Moubarak Al Dhafer viết với vẻ tự hào.

Trong khi đó một công dân nữ xưng tên Kholod cho biết thấy "sốc" về chuyện hành quyết Hoàng tử và cái chết của nạn nhân và chia sẻ nỗi đau với gia đình hai bên.

Luật sư Abderrahman al-Lahem có góc độ phân tích tỉnh táo hơn: "Xét thấy khoảng thời gian từ lúc xảy ra vụ việc (bắn người) đến lúc xử tử là ba năm. Như vậy chính quyền đã có nhiều quyết tâm thực thi luật vì nhiều vụ việc khác mất thời gian lâu hơn".

Theo AFP, tính theo số liệu được công bố chính thức tại Saudi Arabia, đây là vụ xử tử thứ 134 tính từ đầu năm đến nay. Tính trong năm 2015, đã có 153 trường hợp bị xử tử (tổ chức Ân xá quốc tế nêu con số 158) và đây là con số cao nhất trong 20 năm qua.

Saudi Arabia là quốc gia xử tử hình nhiều thứ ba, sau Iran và Pakistan, theo xếp hạng của tổ chức Ân xá quốc tế (AI).

Từ nhiều tháng qua, vì thế tổ chức AI đã lên tiếng cảnh báo về số vụ xử tử quá nhiều. AI đã yêu cầu chính quyền Riyadh "nên thực thi ân xá đói với những trường hợp bị kết tội tử hình và xóa bỏ án tử hình".

Trang Arab News cho biết vào tháng 11-2014 tòa án tại Riyadh đã kết án tử với một hoàng tử (lúc đó không nêu tên) vì tội giết bạn của mình.

Nạn nhân thiệt mạng tại chỗ và một người khác bị thương trong một vụ đánh nhau ở "trại sa mạc" tại Riyadh vào tháng 12-2012. "Trại sa mạc" là điểm tụ tập quen thuộc của người dân Saudi.

Theo trang Arab News, khi hung thủ biết nạn nhân là bạn thì đã đầu thú với cảnh sát.

Người chú của nạn nhân là ông Abdul Rahman al-Falaj nói với trang Arab News rằng hình phạt của chính quyền phản ánh "sự công bằng của hệ thống luật pháp".

Phần lớn các trường hợp bị xử tử ở Saudi là theo hình thức chặt đầu.

Cho đến nay chỉ ghi nhận trường hợp thành viên của Hoàng gia Saudi là Faisal bin Musaid al Saud, bị tử hình vì tội ám sát chú của mình là Nhà vua Faisal vào năm 1975.

Trong thông báo đưa ra về việc xử tử Hoàng tử "sát nhân", bộ Nội vụ Saudi khẳng định: "Chính quyền kiên quyết giữ gìn trật tự, ổn định an ninh và đảm bảo công lý thông qua việc thực thi các điều luật do Thánh Allah qui định".

Chính quyền Saudi thường áp dụng án tử hình đối với những vụ liên quan khủng bố, giết người, hiếp dâm, cướp bóc có vũ khí, buôn bán ma túy và từ bỏ đạo.

Tính từ đầu năm đến nay, phần lớn các trường hợp bị xử tử hình đều liên quan các vụ giết người và buôn bán ma túy. Nhưng vào tháng 1-2016, chính quyền đã kết án tử một lúc 47 người do liên quan khủng bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại