Vì sao hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Bắc Á là vấn đề sống còn với Mỹ?

Đại tá Phan Văn Từ (Nguyên Trưởng phòng công nghệ cao, Viện tên lửa, BQP) |

Tên lửa đạn đạo liên lục địa được định nghĩa là tên lửa khi vừa phóng lên có thể chuyển hướng bất kỳ về phía nào mà vẫn vượt qua khoảng cách từ lục địa này sang lục địa khác.

Với định nghĩa đó, nếu Triều Tiên có phóng được tên lửa vào đất Mỹ đi nữa thì loại tên lửa đó chưa chắc đã được gọi là tên lửa liên lục địa. Thực ra, chỉ những nước có khả năng phóng tên lửa vũ trụ mới là những quốc gia sở hữu tên lửa liên lục địa.

Hệ thống phòng thủ tên lửa liên lục địa của Mỹ gồm hai phần:

- Phần trong không gian đang được nghiên cứu và triển khai.

- Phần trên mặt đất đang được triển khai và hoàn thiện. Phần này lại gồm 3 giai đoạn:

+ Đánh chặn giai đoạn cuối – đặt trên đất Mỹ: Không thành vấn đề

+ Đánh chặn giai đoạn giữa: Mỹ đã bố trí trên các hạm đội triển khai ra đại dương nên cũng không thành vấn đề

+ Đánh chặn giai đoạn đầu hay chí ít là cảnh báo sớm: Đang thành vấn đề.

Vì sao hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Bắc Á là vấn đề sống còn với Mỹ? - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) của Mỹ.

Mỹ phải tìm cách bố trí ở đâu cho tối ưu? Đối thủ tiềm năng phóng tên lửa đạn đạo vào đất Mỹ trước hết là Nga và sau là Trung Quốc.

Nga có thể phóng tên lửa đạn đạo vào Mỹ qua châu Âu, qua Bắc cực và qua bắcThái Bình Dương. Nhưng trong các hướng đó thì hướng nào được ưu tiên?

Nếu bắn qua bầu trời châu Âu thì sẽ bị các nước châu Âu phản đối mạnh mẽ. Ngoài ra, tên lửa muốn phóng lên để tiết kiệm năng lượng và thời gian thì bệ phóng cũng phải bố trí gần phần châu Âu của Nga nhưng như vậy, khi được phóng lên tên lửa sẽ bay trên bầu trời phần nhạy cảm nhất của Nga.

Nếu phóng thành công thì không sao, song nếu thất bại mà tên lửa lại mang đầu đạn hạt nhân thì hậu quả khôn lường.

Nếu Nga phóng qua Bắc Cực thì sao? Hướng này đối với Nga có nhiều lợi thế vì khi được phóng lên, tên lửa bay qua vùng dân cư thưa thớt ít nhạy cảm và khoảng cách từ các bệ phóng đặt ở Siberia đến Mỹ cũng không quá xa.

Mỹ cũng rất đề phòng hướng này nên đã lắp đặt hệ thống đánh chặn ở Alaska. Ở hướng này, Mỹ đang gặp khó khăn khi đặt hệ thống cảnh báo sớm gần Nga vì điều kiện khắc nghiệt ở Bắc Cực nhưng họ cũng đã bố trí trạm radar cảnh giới ở Greenland.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ hôm 30/5 phóng một tên lửa đánh chặn từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California, nhằm bắn một mục tiêu tên lửa đạn đạo liên lục địa giả định do Mỹ phóng trên biển Thái Bình Dương.

Mặc dù vậy, hệ thống này không cảnh báo sớm được việc Nga và Trung Quốc đánh vào đất Mỹ qua bắc Thái Bình Dương, nghĩa là hệ thống đó chưa phải tối ưu.

Tại sao Nga lại ưu tiên tấn công Mỹ qua Thái Bình Dương?

Tên lửa Nga có thể được phóng từ các bệ phóng đặt ở Siberia hay ở vùng Viễn Đông không xa đất Mỹ;

Tên lửa sau khi được phóng lên và bay thì không bay qua vùng quá nhạy cảm với Nga;

Yếu tố kỹ thuật về tiết kiệm nặng lượng và thời gian bay khi tên lửa được phóng từ Tây sang Đông.

Ta sẽ làm rõ yếu tố sau cùng. Ta biết rằng quả đất quay quanh mình một vòng mất một ngày đêm – 24h. Vậy tốc độ quay trên bề mặt của nó là bao nhiêu?

Ta biết chu vi xích đạo là 40.000 km. Vậy thì trên xích đạo tốc độ dịch chuyển là bao nhiêu? Tốc độ đó bằng V= 40.000/24h gần bằng 1.666 km/h, nghĩa là khi ta đứng trên mặt đất xích đạo thì ta đã di chuyển trong không gian nhanh hơn mọi loại máy bay dân dụng hiện nay.

Nếu ta đặt bệ phóng trên xích đạo và phóng tên lửa theo chiều quay của quả đất từ tây sang đông thì ta đã hành động giống lực sĩ ném đĩa, nghĩa là đã tận dụng được tốc độ quay của quả đất và điều này không hề ít, ta đã công thêm được vào tốc độ hơn chừng một nghìn rưỡi cây số giờ.

Tất nhiên nếu bệ phóng xa xích đạo thì tốc độ cộng thêm sẽ nhỏ hơn. Điều này lý giải tại sao nhiều nước tìm cách xây dựng hoặc thuê mướn địa điểm phóng gần xích đạo. Nhưng nếu buộc phải phóng ngược chiều quay quả đất thì sẽ bị thiệt hại về thời gian và năng lượng.

Tóm lại, từ những phân tích trên thì hướng ưu tên mà Nga và Trung Quốc có thể tấn công Mỹ là hướng bắn qua bắc Thái Bình Dương. Vì vậy trạm cảnh báo sớm ở đông bắc Á có lợi ích sống còn đối với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại