Vì sao Hàn Quốc không cho Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân?

Đức Dũng |

Đài KBS của Hàn Quốc mới đây đã trích dẫn lời của đại diện Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc về việc nước này sẽ không xem xét việc bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc để tránh gây ra cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Theo người đại diện này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục nhất quán nguyên tắc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và cho rằng việc Hàn Quốc để Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Hàn Quốc có thể là nhân tố kích động một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở khu vực Đông Bắc Á.

Tuyên bố của quan chức Hàn Quốc được đưa ra khi các phát thanh viên KBS đề nghị chính quyền bình luận thông tin mới được đăng tải trên kênh truyền hình NBC.

Theo đó, kênh NBC đã trích dẫn lời của đại diện chính thức Nhà Trắng về việc chính quyền Tổng thống Donald Trump không loại trừ khả năng sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc nếu như Seoul đưa ra lời đề nghị tương ứng.

Ngoài ra, ngày 10/9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quân sự thuộc Thượng viện Mỹ, thượng nghị sỹ John McCain đã tuyên bố trên kênh truyền hình CNN rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nghiêm túc xem xét vấn đề về bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc do mối đe dọa từ phía Triều Tiên đang gia tăng.

Theo ông John McCain, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo trước đó cũng đã nêu ra phương án này như là một trong các biện pháp kiềm chế mối đe dọa từ Triều Tiên.

Được biết, vấn đề về khả năng bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc được nhắc đến không phải lần đầu tiên. Hồi tháng 4/2017, chính quyền Mỹ đã tuyên bố rằng đang xem xét các biện pháp tương tự như là cách thức kiềm chế tham vọng từ Triều Tiên.

Trước đó, từ hồi cuối năm 2016, đề xuất về việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Hàn Quốc đã được Hội đồng Tư vấn quốc gia về thống nhất Triều Tiên một cách hòa bình và dân chủ đưa ra. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khi đó tuyên bố rằng Chính phủ Hàn Quốc vẫn nhất quán mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

KBS nhắc lại thông tin về việc vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ đã được đưa ra khỏi Hàn Quốc từ năm 1991 khi Seoul và Bình Nhưỡng thông qua một bản tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đây là loại vũ khí được sử dụng một cách hạn chế trong các cuộc chiến tranh cục bộ và có công suất hủy diệt ở mức vừa phải. Bom hạt nhân B-61 và đầu đạn W-80 được coi là nền tảng trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Vì sao Hàn Quốc không cho Mỹ bố trí vũ khí hạt nhân?  - Ảnh 1.

Bom B-61


B-61 có thể được thả từ máy bay tiêm kích-cường kích (Mỹ có khoảng 500 máy bay loại này và châu Âu có khoảng 180 chiếc). Còn đầu đạn W-80 được lắp trên tên lửa hành trình “không đối đất”. Nếu ý tưởng này được hiện thực hóa thì nhiều khả năng B-61 sẽ xuất hiện tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ phản đối việc từ bỏ nguyên tắc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vì kịch bản này sẽ khiến gia tăng đối đầu quân sự tại Đông Bắc Á.

Được biết, ngày 3/9, Triều Tiên đã tuyên bố về việc tiến hành thử nghiệm thành công loại bom H và đủ khả năng để lắp vào tên lửa đạn đạo liên lục địa, bất chấp việc nước này đang bị áp đặt các lệnh cấm vận. Trước đó 1 tuần, Bình Nhưỡng cũng đã tiến hành thử tên lửa đạn đạo và tên lửa này đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản.

Hành động này của Triều Tiên đã gây ra những phản ứng dữ dội của phương Tây và các nước láng giềng là Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhật và Mỹ sau đó đã thống nhất sẽ đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nghị quyết mới về việc siết chặt cấm vận chống Triều Tiên. Nghị quyết này ngày 12/9 đã được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với số phiếu tuyệt đối 15/15.

Do Triều Tiên liên tục tiến hành thử hạt nhân và tên lửa nên Hàn Quốc đã quyết định để Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này.

Theo KBS, ngày 8/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã khẳng định rằng việc bố trí hệ thống này chỉ mang tính chất tạm thời và là phương án tối ưu để giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc trong bối cảnh hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại