Vì sao Đức không thể quá nhượng bộ với Iran?

Xuân Hương |

Theo giới chuyên gia, chuyến thăm Iran của Ngoại trưởng Đức trong nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng khu vực vùng Vịnh Pepsic khó đem lại sự đột phá.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vào ngày 10/6 cho biết ông và người đồng cấp Đức Heiko Mas đã có cuộc hội đàm “thẳng thắn và nghiêm túc” về hiệp ước nguyên tử mà Iran đã ký với các cường quốc trên thế giới và “Tehran sẽ hợp tác với các bên tham gia ký kết của EU để cứu vãn hiệp ước này.”

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp ước nguyên tử Iran 2015 với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), đồng thời chỉ trích đây là “một thoả thuận tồi tệ” vì không kìm hãm được sự phát triển nguyên tử của Iran.

Sau khi Mỹ tái áp dụng lệnh trừng phạt đối với Iran, Tehran đe doạ sẽ thoái lui khỏi hiệp ước này trừ phi các bên ký kết có thể giúp đỡ Iran giảm thiểu ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vào tháng 5 vừa qua, Tehran tuyên bố có thể sẽ bắt đầu làm giàu uranium, bước quan trọng nhất để có thể chế tạo vũ khí, nếu tới ngày 7/7 châu Âu không tìm ra được hướng giải quyết mới cho hiệp ước này.

Trong bối cảnh này, ngoại trưởng Đức đang cố gắng cứu vãn thoả thuận Iran cắt giảm chương trình nguyên tử để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế. Và đây chinh là sứ mệnh ngoại giao lớn mà Đức đảm trách để làm dịu tình hình căng thẳng và có thể tránh một cuộc đối đầu quân sự tại Trung Đông trong chuyến công du 4 ngày tại Trung Đông của ông Maas.

Tại Tehran, ông Maas một lần nữa khẳng định lại tầm quan trọng của hiệp ước này và cho biết hiệp ước này “vô cùng quan trọng” đối với an ninh của châu Âu. Ông Maas cũng cho hay Đức và các nước đối tác châu Âu đã “nỗ lực hết mình để thực hiện đầy đủ cam kết đã đưa ra.”

Song Iran lại nghĩ khác. Như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nói: “Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy các đối tác châu Âu có những biện pháp nào thực tiễn và cụ thể nào để bảo đảm quyền lợi của Iran....Iran sẽ không thảo luận bất cứ vấn đề nào ngoài hiệp ước này...Điều chúng tôi kỳ vọng từ EU đó là họ thực hiện đúng cam kết của mình.”

Xung đột rộng hơn

Quan hệ căng thẳng giữa Washington và Tehran không chỉ dừng lại hiệp ước nguyên tử Iran. Mối quan hệ căng thẳng này leo thang đáng kể trong tháng qua khi Mỹ buộc tội Iran tiếp tục có hoạt động nham hiểm đe doạ đến Mỹ và các nước đồng minh. Washington còn tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực và gần đây nhât là điều động các chiến đấu cơ, tên lửa và đội máy bay ném bom B-52.

Theo nhận định của nhà báo Iran kiêm nhà phân tích chính trị, Mehdi Mahdavi Azad, “theo quan điểm của Iran, họ có thể mất đi toàn bộ lực đòn bẩy với Mỹ nếu từ bỏ Yemen và Syria cũng như từ bỏ chương trình tên lửa của mình.

Còn ông Maas coi đó chỉ là “những nhượng bộ nhỏ” song đối với Tehran, đó “chính là át chủ bài thật sự” để chống lại Washington, chuyên gia này nhận định. Làm sao dung hoà những lợi ích khác nhau là một “thách thức lớn” đối với ông Maas.

Ông Maas đang gánh vác một nhiệm vụ khó khăn. Trong khi các nhà chức trách Iran muốn chỉ đàm phán về hiệp ước nguyên tử, thì chương trình phát triển vũ khí của nhà nước Hồi giáo này và hoạt động hỗ trợ của nước này đối với các nhóm Shiite khắp Trung Đông vẫn là một vấn đề quan ngại không chỉ của Washington mà còn đối với các thủ đô châu Âu.

Trong chuyến thăm các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất vào ngày 9/6, ông Maas đã gọi chương trình tên lửa đạn đạo của Iran “có vấn đề”. Lời nhận này không dễ dàng bị bỏ qua tại Iran khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Mousavi nói “các quan chức châu Âu không thể bình luận về những vấn đề ngoài hiệp ước hạt nhân.”

Các quan chức Iran cũng buộc tội châu Âu thiếu sự nhất trí về cách ứng xử đối với Tehran.

Ngoại trưởng Đức một phần thừa nhận những hạn chế của EU và cho biết tại Tehran rằng các nước châu Âu khó có thể giúp đỡ Iran về mặt kinh tế nếu không có Mỹ.

“Song tôi nghĩ còn có mối quan tâm chính trị và mang tính chất chiến lược về việc duy trì thoả thuận này qua đối thoại với châu Âu. Điều này cũng cần phải được ghi nhận tại Tehran”, ông Maas nói.

Mối quan tâm chính của Đức là giảm căng thẳng tại vùng Vịnh Persic vì nhận thấy rằng nếu không đưa các bên tham gia vào bàn đàm phán về hiệp ước nguyên tử Iran thì nguy cơ đối đầu quân sư Mỹ - Iran có thể gia tăng.

Ông Zarif cũng khuyến cáo răng Mỹ “không thể mong đợi sẽ giữ được an toàn” sau khi tiến hành một cuộc “chiến tranh kinh tế” với Tehran. “Giải pháp duy nhất để giảm căng thẳng trong khu vực là ngừng cuộc chiến tranh kinh tế này”, ông Zarif tuyên bố tại cuộc họp báo với ông Maas vào ngày 10/06.

Sẽ có sự nhượng bộ với Iran?

Trả lời phỏng vấn hãng truyền thông quốc tế Đức (DW), ông Paulo Casaca, thành viên Nghị viện châu Âu người Bồ Đào Nha trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2009 và là một chuyên gia phân tích về Iran, cho hay hoạt động can thiệp ngoại giao của Đức trong cuộc khủng hoảng Iran ít có cơ hộị thành công.

Là sáng lập viên và giám đốc điều hành Diễn Đàn Dân chủ Nam Á (SADF) có trụ sở tại Brussels, ông Casaca cho biết: “Tôi nghĩ Đức không quá ráng sức để 'cứu' hiệp ước nguyên tử Iran mà thay vào đó tìm kiếm một giải pháp mới.”

“Hiện vẫn còn phải xem liệu một thoả thuận mới nếu đạt được có dẫn tới xoa dịu Tehran hay buộc nước này bước vào phòng đàm phán”, ông Casaca bổ sung.

“Chính quyền Trump đã ngỏ ý đàm phán vô điều kiện với Tehran song các nhà chức trách Iran đã từ chối. Chính quyền Iran kỳ vọng nhận được sự thoả hiệp hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ châu Âu để tác động đến công luận Mỹ”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Điều này làm nảy ra một câu hỏi quan trọng: Liệu những nỗ lực hoà bình của Đức có vô tình củng cố chính quyền Iran” Ông Casaca chỉ trích chính sách ngoại giao của Đức vì ông cho rằng nó gần giống như 'vỗ về' Iran.

Ông Casaca nhận định: “Mối đe doạ nguyên tử hiện hữu hơn bao giờ hết. Tôi cho rằng chính sách về Iran của Tổng thống Trump là niềm hy vọng thực tế duy nhất để kiểm soát tình hình này”

Quân bài để mặc cả

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào ngày 10/6 cho hay Iran đã đẩy mạnh sản xuất uranium được làm giàu.

Giám đốc IAEA Yukiya Amano phát biểu: “Tôi hy vọng rằng có thể tìm ra những phương cách để làm dịu tình hình căng thẳng hiện thời thông qua đối thoại...Điều quan trọng là Iran phải thực hiện đầy đủ những cam kết về nguyên tử theo thoả thuận JCPOA.”

Những diễn biến mới này đưa ra một thách thức lớn đối với Đức trong nỗ lực làm dịu tình hình.

Trước đó, ông Ali Vaez, Giám đốc phụ trách Dự án Iran thuộc tổ chức nghiên cứu International Crisis Group, cho hay Tehran có thể sử dụng việc làm giàu uranium như là quân bài để mặc cả với phương Tây.

“Iran có thể ngừng một phần cam kết của mình trong thoả thuận nguyên tử như là nỗ lực cuối cùng để có được sự cứu trợ kinh tế từ các bên kỳ kết hiệp ước còn lại. Đồng thời, sự đối đầu quân sự với Mỹ có thể là vận may đối với những người theo đuổi đường lối cứng rắn của Iran. Họ sẽ tận dụng điều đó để quân sự hoá hơn nữa phạm vi trong nước và thâu tóm mọi đòn bẩy sức mạnh”, chuyên gia này nhận định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại