Vì sao Công Phượng chững lại, Xuân Trường tiến bộ?

Nam Giao |

Công Phượng và Xuân Trường là hai tài năng có số phận đặc biệt. Riêng Công Phượng còn được kỳ vọng hơn nên việc tiền đạo này có màn trình diễn mờ nhạt trong trận gặp Malaysia thực sự khiến đau lòng nhiều người. Nhưng, chê trách Công Phượng xem ra chưa thỏa đáng.

Xuất phát điểm như nhau

Bước ra ánh sáng từ màn trình diễn chói sáng trong màu áo U19 Việt Nam cách đây 2 năm, Công Phượng lẫn Xuân Trường đều được xem là những hạt mầm tương lai của bóng đá nước nhà.

Sau năm 2015 đầy biến động khi cùng được đôn lên đội 1 HAGL tham dự sân chơi V-League, “bầu” Đức tạo cơ hội sang nước ngoài khoác áo cho các đội bóng ở nền bóng đá được đánh giá cao là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nói thế để thấy, xuất phát điểm cũng như con đường đi của Xuân Trường lẫn Công Phượng không hề xê dịch nhau là bao. Với tài năng của mình, họ được HLV Hữu Thắng gọi lên ĐTQG ở kỳ AFF Suzuki Cup lần này.

Tuy nhiên, nếu Xuân Trường vẫn thể hiện phong độ ổn định và đang là trụ cột nơi hàng tiền vệ thì Công Phượng lại đóng vai trò dự bị. Điều gì tạo nên sự khác biệt về sự phát triển đó?

Vì sao Công Phượng chững lại, Xuân Trường tiến bộ? - Ảnh 1.

Bản lĩnh quyết định thành công

HLV Võ Đình Tân, S.Khánh Hòa BVN, lý giải: “Khi ra nước ngoài thi đấu, Xuân Trường được ra sân nhiều hơn còn Công Phượng ít được thi đấu. Đó chỉ mới là một trong những nguyên nhân dẫn đến khác biệt đó”.

Bên cạnh đó, vị HLV của S.Khánh Hòa BVN còn phân tích thêm: “Cách vận dụng chiến thuật của mỗi HLV mỗi khác, có thể hợp với HLV này nhưng chưa hợp với HLV khác nên chuyện Phượng chưa thể tìm lại chính mình cũng không quá khó hiểu.

Họ vẫn là cầu thủ trẻ, có giai đoạn phát triển song có giai đoạn chững lại. Đó là điều bình thường. Nếu cầu thủ nào bản lĩnh thì vượt qua còn không thì sẽ tụt dần.

Có một điều bất di bất dịch là cầu thủ phải phục vụ cho đội bóng chứ đội bóng không thể phục vụ cho một cá nhân nào đó. Cầu thủ phải tự đi theo HLV. Tại sao Công Phượng đá không được? Câu hỏi này sẽ dành cho HLV cũng như BHL.

Họ sẽ tìm ra những điểm mạnh, yếu của cầu thủ đó để phục vụ cho đội bóng. Thời của HLV Graechen phát triển là một chuyện khi sang HLV khác lại là chuyện khác. Thi đấu ở đội trẻ nó khác so với ĐT và cũng khác khi đá ở CLB. Mỗi cấp độ đều khác nhau nên phải thích ứng.

Nguyên tắc là cầu thủ phải phục vụ ý đồ của HLV với mục đích dành chiến thắng. Trước đây, ở các đội trẻ, lối chơi được xây dựng xoay quanh Công Phượng song khi lên ĐT, Công Phượng phải phục vụ ý đồ, lối chơi của đội bóng. Bóng đá thời nay là phải thế”.

Có một nghịch lý đang tồn tại ở bóng đá Việt Nam là nhiều cầu thủ ở cấp độ trẻ lại chơi tốt song không thể giữ được sự phát triển bền lâu.

Bóng đá có quy luật riêng là sự đào thải. Một khi anh không tiến bộ, điều tất yếu, anh không còn là sự lựa chọn số 1. Không phải lúc trẻ là ngôi sao thì khi lớn lên cũng là ngôi sao. Đó là sự thật hiển nhiên.

Nếu ví cầu thủ như một vận động viên xe đạp thì có thể thấy rằng nếu anh ta đạp nhanh thì tiến bộ còn đạp chậm thì tiến bộ chậm mà không đạp thì bị chững lại, tụt lùi.

Bóng đá là cả quá trình phấn đấu liên tục, không ngừng. Chuyện Công Phượng, Xuân Trường cũng như vận động viên xe đạp vậy.

Ai đạp nhanh, ai đạp chậm, ai không đạp tự khắc sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Tuy nhiên, với tài năng đã bộc lộ, lại được đào tạo kỹ lưỡng từ nhỏ, chắc chắn Công Phượng sẽ tỏa sáng thời gian tới.

Vì sao Công Phượng chững lại, Xuân Trường tiến bộ? - Ảnh 2.

Chỉ cần nhìn tấm gương đàn anh Công Vinh, người có bản lĩnh và nghị lực bậc nhất trong giới cầu thủ hơn thập niên qua, Công Phượng và cả Xuân Trường sẽ học được nhiều điều cho sự nghiệp của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại