Vì sao bệnh nhân vẫn "sống ổn" với chiếc kéo bác sĩ bỏ quên trong bụng 18 năm?

Thu Nguyên |

Sự việc ông Ma Văn Nhật, 54 tuổi, ở Bắc Kạn bị bác sĩ bỏ quên chiếc kéo phẫu thuật tới hơn 18 năm khiến nhiều người thắc mắc. Vì sao bệnh nhân có thể chịu đựng “vật thể lạ” lâu đến thế?

Ông Ma Văn Nhật, 54 tuổi, ở Bắc Kạn vào Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên khám sau một lần thấy đau nhói ở bụng. Kết quả siêu âm phát hiện một chiếc kéo phẫu thuật bị bỏ quên trong bụng bệnh nhân, dài khoảng 15 cm.

Theo ông Nhật, trừ lần phẫu thuật cách đây 18 năm, ông chưa phải vào viện mổ lần nào nữa. Khi đó là tháng 6/1998, ông bị tai nạn giao thông khiến ghi đông xe đâm vào mạng sườn, được chuyển từ bệnh viện huyện ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn và được chỉ định phẫu thuật.

Sau mổ, ông vẫn ăn uống và sinh hoạt bình thường. Thi thoảng ông có thấy đau bụng nhưng vẫn chịu được, cộng thêm cứ 1-2 ngày là hết đau nên ông không đi khám.

Ngày 31/12/2016, ca mổ lấy chiếc kéo (panh phẫu thuật) bị bỏ quên diễn ra tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên với sự tham gia của các chuyên gia y học từ Hà Nội, trong đó GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức là phẫu thuật viên chính.

Ca mổ bắt đầu lúc 12h30 và kết thúc sau gần 3 tiếng đồng hồ. Chiếc panh được lấy ra dài khoảng 15cm, đã bị gãy và hoen gỉ một chút ở vị trí tay cầm. Panh nằm ở bên trái ổ bụng, sát đại tràng.

Hiện sức khoẻ ông Ma Văn Nhật đã ổn định và tỉnh táo. Bệnh nhân đang được chăm sóc hậu phẫu tại BV Gang thép Thái Nguyên.

Ngày 1/1, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đến Bệnh viện Gang Thép Thái Nguyên thăm bệnh nhân Nhật.

Thay mặt Bộ Y tế, PGS.TS Lương Ngọc Khuê chuyển quà của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đồng thời chia sẻ những rủi ro mà người bệnh gặp phải.

Lãnh đạo Cục quản lý Khám chữa bệnh chỉ đạo Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên tập trung những điều kiện chăm sóc tốt nhất phục vụ người bệnh. Sở Y tế Thái Nguyên, Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên, Sở Y tế Bắc Kạn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn tiếp tục theo dõi sát sức khoẻ người bệnh và báo cáo thường xuyên về sức khỏe của bệnh nhân lên Bộ Y tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định sự việc trên là bài học cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn nói riêng, các bác sĩ và các cơ sở khám chữa bệnh nói chung trong việc đảm bảo an toàn người bệnh.

Bệnh viện trước tiên phải là nơi an toàn cho người bệnh.

Theo TS Khuê, chiếc panh phẫu thuật đã bị gãy và hoen gỉ một chút ở vị trí tay cầm, một phần cơ thể có dấu hiệu ôm bám sát vào chiếc panh này, có lẽ đây là lý do làm chiếc panh không chạy lung tung trong cơ thể bệnh nhân.

Nhưng vì sao người bệnh dù có vật thể lạ trong bụng hơn 18 năm, nhưng lại có thể chịu đựng lâu đến thế mà không cảm thấy vướng, đau? Theo một bác sĩ ở Sở Y tế Bắc Kạn (xin được giấu tên), có thể sức chịu đựng đau của mỗi người khác nhau, do đó, nhiều năm qua bệnh nhân không cảm thấy quá bất thường.

Hơn thế, người bệnh này lại ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cao nên khó có điều kiện đi thăm khám, chụp chiếu sức khỏe.

Ngoài ra, ổ bụng thường rỗng, mềm, có thể co bóp, không phải phần cơ cứng nên bệnh nhân không cảm thấy đau khi chứa chiếc panh tới hơn 18 năm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại