Vì một lời hứa suông của Chu Đệ, hoàng tộc Minh triều phải đón nhận bi kịch đẫm máu

Trần Quỳnh |

Con phản cha, cháu giết chú chính là kết cục bi thảm mà hoàng tộc Minh triều phải chịu chỉ vì không thực hiện lời hứa này.

Nhìn lại lịch sử phong kiến Trung Hoa, không khó để nhận thấy các vị Hoàng đế thời xưa dường như không thiếu con trai, nhưng người được kế vị lại chỉ có thể chọn một.

Hoàng tộc Trung Hoa nhiều đời coi trọng quan niệm "lập trưởng không lập thứ", do đó cơ hội được sắc phong làm Thái tử của con trưởng thường rất lớn.

Tuy nhiên, những cuộc chiến tranh giành ngôi vị Đông cung của các vị Hoàng tử vốn chẳng còn là chuyện hiếm trong lịch sử Trung Quốc. Nhưng suy cho cùng, việc lập ai làm người kế vị vẫn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Hoàng đế.

Vào thời nhà Minh, một bi kịch đẫm máu đã xảy ra trong hoàng tộc họ Chu. Nguồn cơn của bi kịch ấy cũng bắt nguồn từ việc vua cha "nuốt lời" không phong con thứ làm Thái tử.

Người con thứ ngỗ ngược trời sinh của hoàng tộc họ Chu

Người con thứ trong bi kịch ấy không ai khác chính là Chu Cao Hú – một hoàng tử của Hoàng đế thứ ba thời nhà Minh là Chu Đệ. Mẹ ruột của Chu Cao Hú là Từ Hoàng hậu, vốn xuất thân là con gái đại thần Từ Đạt trong triều.

Có hậu thuẫn vững chắc từ gia tộc họ ngoại, lại kế thừa khả năng thiện chiến của cha, vị Hoàng tử này từ sớm đã không hứng thú với chữ nghĩa, nhưng lại sở hữu võ nghệ cao cường, tính cách cũng ngông cuồng không kém.

Vì một lời hứa suông của Chu Đệ, hoàng tộc Minh triều phải đón nhận bi kịch đẫm máu - Ảnh 1.

Hình tượng nhân vật Chu Cao Hú được xây dựng trong một tác phẩm truyền hình. (Ảnh: Nguồn Internet).

Khi mới lên 10 tuổi, Chu Cao Hú đã được ông nội là Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương phong làm Cao Dương quận vương, từ đó lại càng thêm phách lối.

Lúc Chu Nguyên Chương qua đời, Cao Hú trở về kinh thành tham dự tang lễ. Thấy cháu mình có thái độ hành xử không đúng mực, cậu ruột của ông đã bất mãn mà nói rằng: "Nếu cháu không sửa lại lời ăn tiếng nói, sau này dễ mang họa sát thân!"

Chu Cao Hú chẳng những đem lời khuyên của cậu ruột coi như gió thoảng bên tai, mà còn trộm đi ngựa chiến được cậu ruột coi như báu vật, trên đường rời kinh đô còn lạm sát người vô tội.

Bá quan văn võ trong triều đều bất bình trước những hành động này, đồng loạt dâng tấu mong vua (lúc bấy giờ là Kiến Văn Đế Chu Doãn Văn) trừng trị Cao Hú. Nhưng bản thân Kiến Văn Đế lại chẳng nỡ xuống tay với em họ.

Từ đó có thể thấy, tính cách phách lối, hung tàn, bạo ngược của vị Hoàng tử này một phần xuất phát từ thân phận cao quý, nhưng phần lớn lại do sự bao che của hoàng tộc mà thành.

Bi kịch gia đình bắt nguồn từ một lời hứa

Nói về gia đình Chu Cao Hú, huynh trưởng của ông là Chu Cao Sí vốn nho nhã, khiêm nhường, nhưng vì không thích luyện võ nên thân thể có phần mập mạp.

Trong lòng Yến vương Chu Đệ từ lâu đã coi người con trưởng này là kẻ tính cách nhu nhược chẳng giống ai, ngược lại còn hết sức tán thưởng sự thiện chiến của Chu Cao Hú.

Khi Kiến Văn Đế hạ lệnh bãi bỏ chế độ phiên vương, Chu Đệ vô cùng bất mãn, liền phát động cuộc binh biến mang tên "Tĩnh Nan chi dịch". Ông cùng con thứ Cao Hú đem quân chiến đấu với triều đình.

Mặc dù Chu Cao Hú tính cách ngông cuồng, ngang ngược, nhưng trên chiến trường lại vô cùng dũng mãnh, còn nhiều lần xả thân cứu cha ruột khỏi cảnh nguy nan.

Bản thân Chu Đệ biết rõ, khi đã phát động binh biến, cả gia đình vốn chẳng còn đường lui, hoặc là đem quân liều mình đánh chiếm kinh thành, hoặc là binh bại mà chết.

Vì vậy, để khích lệ ý chí chiến đấu của người con thứ vốn thiện chiến này, ông đã từng hứa hẹn với Chu Cao Hú:

"Huynh trưởng của con thân thể không tốt, ta lại vô cùng coi trọng con. Một khi có được thiên hạ, con chính là đại công thần lớn nhất của ta".

Chu Cao Hú nghe những lời ấy liền một mực tin rằng chỉ cần đánh thắng sẽ được cha phong làm Thái Tử. Lời khích lệ với hàm ý thâm sâu này đã khiến Cao Hú càng liều mạng trên chiến trường đẫm máu hết lần này tới lần khác.

Vì một lời hứa suông của Chu Đệ, hoàng tộc Minh triều phải đón nhận bi kịch đẫm máu - Ảnh 2.

Giang sơn Chu Đệ cất công cướp đoạt từ tay cháu ruột của mình có một phần không nhỏ công sức của người con thứ Chu Cao hú. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Trải qua ba năm binh biến đầy gian khổ, Chu Đệ cuối cùng cũng đạt được ý nguyện. Nhưng khi vừa có được ngai vị, ông lại phải đối mặt với một vấn đề cũng đau đầu không kém – sắc lập Thái tử.

Bản thân Chu Đệ và một số võ tướng cho rằng, Chu Cao Hú dù đã từng làm một vài chuyện xấu, nhưng lại lập được nhiều chiến công hiển hách. Hơn nữa Chu Đệ cũng từng cất lời hứa hẹn với chính con trai mình, vì vậy ông thật tâm muốn "phế trưởng lập thứ".

Tuy nhiên, phần lớn các đại thần quan văn lại một mực ủng hộ lập con trưởng là Chu Cao Sí lên làm Thái tử, bởi trước kia Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cũng từng sắc phong Cao Sí làm Vương Thế tử.

Sau nhiều lần cân nhắc, Chu Đệ quyết định tuân theo nguyên tắc "lập trưởng không lập thứ", phong Chu Cao Sí làm Thái tử, còn Chu Cao Hú chỉ được làm Hán vương. 

Quả nhiên, chuyện vua cha nuốt lời khiến Cao Hú vô cùng uất hận, từ đó hành xử càng thêm ngang ngược, thậm chí còn từng dấy binh tạo phản làm loạn.

Điều này khiến Chu Đệ hết sức phẫn nộ, quyết định giam lỏng người con thứ ngỗ ngược này, còn chuẩn bị phế Cao Hú làm thứ dân. 

May thay, Thái tử Chu Cao Sí đích thân ra mặt cầu xin cho em trai, Cao Hú nhờ vậy mới được thả ra ngoài nhưng bị đày tới Lạc An (Sơn Đông).

Khi Chu Đệ qua đời, Thái tử Cao Sí thuận lợi lên ngôi vua, Chu Cao Hú tưởng chừng như vẫn yên phận nơi thái ấp xa xôi.

Đến năm 1425, Chu Cao Sí bệnh nặng qua đời, con trai của ông kế thừa ngai vị, sử cũ gọi là Minh Tuyên Tông. Đúng lúc này, Chu Cao Hú dấy binh tạo phản với hy vọng cướp đoạt thiên hạ từ tay cháu ruột giống như những gì Chu Đệ đã làm với Kiến Văn Đế năm xưa.

Vì một lời hứa suông của Chu Đệ, hoàng tộc Minh triều phải đón nhận bi kịch đẫm máu - Ảnh 3.

Không cam lòng nhìn ngai vàng truyền sang tay người khác, Chu Cao Hú đã nổi binh tạo phản thêm một lần nữa. (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Chỉ tiếc rằng Cao Hú không có mệnh đế vương, đội quân làm phản nhanh chóng bị Tuyên Tông xuất binh đánh dẹp. Cuối cùng, Chu Cao Hú buộc phải ra đầu hàng.

Minh Tuyên Tông niệm tình Chu Cao Hú là chú ruột, chỉ đem ông giam vào ngục chứ không xử trảm. Sau này, nhà vua có vào ngục thăm hỏi, nhưng Cao Hú chẳng những không tạ ân mà còn đá ngã Hoàng đế.

Hành động này đã hoàn toàn chọc giận long nhan. Minh Tuyên Tông lập tức đem Cao Hú dùng cực hình thiêu đến chết. Tất cả thê thiếp, gia quyến của ông đều bị xử tử theo cách này.

Tới tận lúc cuối đời, Chu Cao Hú còn chưa một lần được chạm tay vào ngai vàng. Lời hứa "ngọt ngào" về ngôi vị Thái tử của vua cha trên chiến trường năm xưa chính là thứ đã đẩy cuộc đời ông vào bi kịch để rồi phải kết thúc bằng một kết cục đẫm máu.

Mỗi khi nhắc tới cuộc đời của người con thứ thiện chiến mà ngông cuồng ấy, hậu thế vẫn không khỏi lắc đầu than rằng: "Không cố ý tìm cái chết thì sẽ chẳng phải chết…"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại