Vén màn “Chiến dịch Popeye”

Hải Yến |

Quân đội của các cường quốc hàng đầu thế giới từ lâu đã tìm kiếm thứ vũ khí hoàn hảo mà không gây ra sự hủy diệt quá mức về con người. Họ nhận thức rõ cần hoạt động theo hướng nào, vũ khí địa vật lý khi tác động đến môi trường có thể gây ra nhiều thảm họa tự nhiên khác nhau: từ sóng thần và động đất đến lũ lụt và hạn hán.

Những dự án kiểm soát khí hậu

Để các yếu tố tự nhiên phụ thuộc vào ý muốn của mình, từ lâu con người đã thực hiện những bước đầu tiên nhưng chắc chắn. Trước hết điều này liên quan đến những thử nghiệm về việc điều khiển thời tiết. Con người đã học cách kích thích nhân tạo sự hình thành những đám mây và sương mù, gây mưa tại một địa điểm và phân tán các đám mây đến nơi khác.

Lúc đầu, những thử nghiệm như vậy được người ta đặt ra một mục tiêu: không để cho mưa đá hoặc mặt trời phá hủy mùa màng.

Thế nhưng khi quân đội quan tâm đến vũ khí khí hậu thì việc phát triển các chương trình như vậy đã không còn mang ý nghĩa hòa bình. Không ai được biết chắc là các nhà phát triển đã đạt được những thành tựu nào trong lĩnh vực này, vì những lý do rõ ràng là những hoạt động của họ được giữ bí mật ở mức tuyệt đối.

Vén màn “Chiến dịch Popeye” - Ảnh 1.

Lực lượng thực hiện “vũ khí khí hậu” của quân đội Mỹ.

Có một giả thuyết cho rằng sức nóng dị thường nhấn chìm phần châu Âu của nước Nga vào mùa hè năm 2010 là một trong những điều khẳng định về việc sử dụng vũ khí khí hậu.

Xảy ra điều này được cho là bởi khu phức hợp HAVD (chương trình nghiên cứu tần số cao) nằm ở Alaska, cách Anchorage 250km về phía đông bắc. Chính quyền Mỹ tuyên bố rằng trạm HAVD có chức năng đặc biệt để nghiên cứu cực quan, mặc dù nhà nghiên cứu khoa học Georgy Vasilyev tại khoa Vật lý của Đại học Quốc gia Moscow tỏ ra ngờ vực lời nói của các quan chức.

Theo ông, thực tế về việc khu phức hợp trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói lên nhiều điều. Các dữ liệu khác cũng đáng báo động: để xây dựng HAVD mất 20 năm và hơn 250 triệu USD, công suất nguồn phát của nó lên đến 3600 kW, khiến chúng trở thành thiết bị mạnh nhất thế giới về tác động đối với tầng điện ly.

Nhiều chuyên gia nghi ngờ về mối liên quan giữa việc hoàn thành xây dựng HAVD vào năm 1997 với sự khởi đầu của một loạt các thảm họa quét qua hành tinh trong những năm sau đó. Sức tàn phá lớn nhất trong số đó là trận động đất mạnh 9 độ richter năm 2004 ở bờ biển Sumatra, gây ra một trận sóng thần khổng lồ, có hơn 300 nghìn người đã trở thành nạn nhân.

Còn một tổ hợp khác gây nghi vấn về sự tham gia của những thử nghiệm về khí hậu - đó là “Sura” được đặt tại khu vực của Viện nghiên cứu khoa học Vật lý vô tuyến Vasilsursk gần Nizhny Novgorod của Nga.

Nhiệm vụ chính của dự án “Sura” được lập ra ngay từ thời Xôviết là tìm ra những phương pháp bảo vệ hành tinh của chúng ta khỏi khí thải bao trùm trong bầu khí quyển, bởi điều này thường dẫn đến sự gián đoạn trong hoạt động của các thiết bị điện và thiết bị liên lạc.

Tuy nhiên, như trong trường hợp của HAVD, không có sự khẳng định nào cho thấy “Sura” được sử dụng vào mục đích quân sự. Hơn nữa, theo tuyên bố của các chuyên gia Nga và Mỹ thì họ thường xuyên liên lạc và tiến hành nghiên cứu chung.

“Chiến dịch Popeye” của Mỹ tạo những cơn mưa lớn ở Việt Nam

Cho đến nay, việc duy nhất được khẳng định về sự sử dụng vũ khí khí hậu là Chiến dịch Popeye, được quân đội Mỹ thực hiện trong Chiến tranh Việt nam.

Thực tế tầm quan trọng của chiến dịch này được chứng minh rằng nó được điều khiển bởi Tiến sĩ Horgins, cố vấn ủy quyền của Tổng thống Mỹ về khoa học và công nghệ.

Với mục đích tăng số lượng và kéo dài những cơn mưa trên bầu trời miền Bắc Việt nam, các phi công Mỹ được giao việc phun các hạt iod bạc, điều mà họ thường xuyên thực hiện từ đầu năm 1967 cho đến giữa năm 1975.

Thực chất của phương pháp này thật đơn giản: một đám mây chứa các hạt iod bạc làm ngưng tụ hơi nước khi rơi xuống sẽ gây ra lượng mưa dồi dào.

Bộ Quốc phòng Mỹ hy vọng rằng những cơn mưa lớn kéo dài sẽ làm tăng đáng kể mực nước trên các con sông, dẫn đến sự gián đoạn nguồn tiếp tế của “Việt cộng” cũng như gây ra nạn đói quy mô lớn.

Và họ cũng phần nào đạt được mục tiêu: ngoài việc tạo ra khó khăn trong việc vận chuyển dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, những trận mưa lớn chưa từng thấy đã hủy hoại các cánh đồng trồng trọt ở miền Bắc Việt Nam thời bấy giờ.

Tuy nhiên, chiến dịch Popeye đã làm tiêu tốn ngân sách Mỹ một khoản tiền khá lớn: khoảng 15 triệu USD trong 5 năm thực hiện chương trình này. Trong thời gian này, các phi công Mỹ đã thực hiện hơn 2 nghìn chuyến bay và phun khoảng 5,4 nghìn tấn iod bạc trên bầu trời Việt Nam.

Nhà văn-nhà khí tượng học Mỹ James Roger Fleming thông báo rằng công chúng không biết những kết quả chính xác của chiến dịch Popeye từ quan điểm quân sự, nhưng theo một số dữ liệu thì lượng mưa trong khu vực trong những năm chiến tranh Việt Nam đã tăng khoảng 7 lần.

Có ý kiến rằng, quân đội Mỹ cũng đã sử dụng các phương pháp tương tự ở Cuba, dẫn đến việc phá hủy những vụ thu hoạch mía.

Trong những năm 60-70, người Mỹ không chỉ đã thử nghiệm với những đám mây gây mưa mà còn cố gắng điều khiển những cơn bão.

Đối với một số tiểu bang của Mỹ, lốc xoáy hàng năm đã biến thành một thảm họa thực sự. Các nhà khoa học đã đau đầu không chỉ làm cách nào để ngăn chặn tác động tàn phá của các cơn lốc xoáy, mà còn tìm cách sử dụng thiên nhiên vào những mục đích quân sự.

Mặc dù chính quyền Nixon một mực phủ nhận cáo buộc về việc sử dụng vũ khí khí hậu, đặc biệt là trong chiến dịch Popeye, cuộc điều tra báo chí của Jack Anderson cho tờ The Washinton Post năm 1971 đã gây chấn động dư luận và có tiếng vang chính trị rộng rãi.

Năm 1972, Lầu Năm Góc đã buộc phải cắt giảm tất cả các chương trình thử nghiệm vũ khí khí hậu và 6 năm sau đó Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết về việc không được sử dụng vũ khí khí hậu trong các cuộc xung đột quân sự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại