Văn phòng bí ẩn của Triều Tiên

Đỗ Quyên |

Một tập đoàn bảo hiểm Triều Tiên từng mang về khoản ngoại tệ 53 triệu USD sau vụ chiếc trực thăng rơi vào kho hàng cứu trợ ở Bình Nhưỡng.

Các lệnh trừng phạt quá hời hợt, chưa bao giờ gây thương tích nào cho làm ăn thương mại của Triều Tiên.

Cỗ máy kiếm tiền

Đó là lời của ông Ri Jong-ho, nhân vật một thời là "ngôi sao" tại Văn phòng 39 - bộ phận của Đảng Lao động Triều Tiên chịu trách nhiệm kiếm tiền cho lãnh đạo nước này. Người đàn ông 59 tuổi, hiện cùng gia đình sinh sống tại bang Virginia - Mỹ sau khi đào thoát khỏi Triều Tiên năm 2014, từng là người kiếm tiền hàng đầu tại Văn phòng 39.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của tờ The Washington Post (Mỹ) gần đây, ông Ri tiết lộ nhiều chi tiết không khỏi gây sửng sốt về văn phòng nhiều bí ẩn mà ông từng có khoảng 3 thập kỷ gắn bó.

Nhân vật này kể ông có thể gửi hàng triệu USD cho Triều Tiên chỉ đơn giản bằng cách trao một bịch tiền mặt cho thuyền trưởng của chiếc tàu từ TP Đại Liên - Trung Quốc (nơi ông làm việc) đến cảng Nampo ở Triều Tiên hoặc đưa cho ai đó lên tàu lửa qua biên giới.

Trong 9 tháng đầu năm 2014, trước khi đào tẩu vào tháng 10 cùng năm, ông Ri nói đã gửi khoảng 10 triệu USD về Bình Nhưỡng theo cách này.

Khi còn làm việc cho Văn phòng 39, ông Ri từng là lãnh đạo một công ty vận tải và là chủ tịch Tập đoàn Korea Kumgang có liên doanh với Sam Pa, doanh nhân Trung Quốc, để phát triển một công ty taxi ở Bình Nhưỡng. Vị trí cuối cùng ông nắm giữ là điều hành chi nhánh Đại Liên của Daeheung, một công ty chuyên chở than, thủy sản xuất khẩu và dầu nhập khẩu.

Đổi lại cho sự tháo vát đó, ông từng được chính quyền Bình Nhưỡng trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2002, được trọng thưởng một cuộc sống xa xỉ mà phần lớn người dân trong nước lúc bấy giờ không dám mơ tới - với xe hơi, tivi màu cùng tiền bạc rủng rỉnh.

Những người đào tẩu Triều Tiên cho biết Văn phòng 39 được ông Kim Jong-il, cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, thành lập vào tháng 5-1974.

Theo lời ông Ri, Văn phòng 39 liên quan tới hàng trăm ngàn người và người đứng đầu hiện là ông Chon Il-chun - người bạn của cố lãnh đạo Kim Jong-il. Cơ quan này có 5 nhóm trung tâm chuyên thu hút ngoại tệ một cách có hệ thống bằng cách xuất khẩu lao động, khai thác các mỏ vàng và tiến hành nhiều hoạt động xuất khẩu.

Trong số này, nhóm Daehung kiếm tiền thông qua xuất khẩu nông nghiệp và vận tải biển, nhóm Kumgang phụ trách xuất khẩu vàng, nhóm Daesong liên quan tới vận chuyển hàng chế biến và thương mại trung gian ở nước ngoài, Daesong Bank chịu trách nhiệm các hoạt động ngân hàng và một nhóm chuyên xuất khẩu lao động.

Đủ chiêu né trừng phạt

Cho tới nay, Liên Hiệp Quốc đã 9 lần ban hành nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này. Văn phòng 39 thường xuyên là đối tượng bị Mỹ và các nước phương Tây trừng phạt bởi cáo buộc dính líu tới các hoạt động kinh tế bất hợp pháp và điều hành quỹ đen cho giới lãnh đạo Triều Tiên.

Sờ gáy hàng loạt doanh nghiệp đình đám của Triều Tiên, lệnh trừng phạt đưa ra hồi tháng 8 vừa qua được cho là đã động chạm sâu tới nhiều "cỗ máy kiếm tiền" của Bình Nhưỡng có liên quan đến Văn phòng 39.

Theo Bloomberg, trong số đó phải kể tới Tập đoàn Bảo hiểm quốc gia Triều Tiên (KNIC). Báo cáo năm 2016 của Bộ Tài chính Mỹ gọi tập đoàn này là đầu tàu quan trọng về doanh thu ngoại tệ cho Triều Tiên.

KNIC nổi lên từ vụ tranh chấp chấn động với các hãng tái bảo hiểm nước ngoài, bao gồm Lloyds of London và Allianz SE, đòi 57 triệu USD sau vụ trực thăng cứu trợ y tế của Triều Tiên rơi xuống một nhà kho chất đầy thực phẩm và các hàng cứu trợ nhân đạo khác ở Bình Nhưỡng năm 2005.

Tại tòa án ở London, các hãng tái bảo hiểm cáo buộc vụ tai nạn trực thăng là dàn dựng và KNIC muốn đưa ngoại tệ về nước cho nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là ông Kim Jong-il. Vụ việc ngã ngũ vào năm 2008 khi các hãng nói trên chấp thuận trả 53 triệu USD cho KNIC và rút mọi cáo buộc chống Bình Nhưỡng.

Cũng là một bộ phận chủ lực hút ngoại tệ bị trừng phạt lần này, Tập đoàn Mansudae, ra đời năm 1959, có các mối quan hệ làm ăn vươn xa từ châu Phi đến Đông Nam Á. Bộ Tài chính Mỹ chỉ rõ công ty này dính líu tới hoạt động xuất khẩu lao động mang lại nguồn thu cho Bình Nhưỡng.

Theo chuyên gia nghiên cứu Lim Soo-ho thuộc Viện Chính sách Kinh tế quốc tế tại Hàn Quốc, lệnh trừng phạt có thể gây ảnh hưởng nhưng Triều Tiên có thể đổi tên cho Mansudae hoặc chuyển các hợp đồng sang một công ty nhà nước khác.

Thừa nhận thủ thuật né trừng phạt này, ông Ri Jong-ho còn cho biết thêm Văn phòng 39 từng đề nghị các đối tác phía Trung Quốc và Nga cho phép dùng tên của họ để mở tài khoản ngân hàng cho các thương vụ.

Tới nghị quyết mới nhất trong tháng 9, các lệnh trừng phạt đã nhắm trực tiếp vào dòng chảy dầu mỏ từ Trung Quốc vào Triều Tiên - được giới chuyên gia cho là sơ hở của các trừng phạt trước đó. Thế nhưng, chia sẻ với hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản), ông Ri khẳng định nếu thế giới tưởng rằng Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc thì đó là sai lầm lớn.

Ông tiết lộ Triều Tiên phụ thuộc vào Nga hơn là Trung Quốc về nhiên liệu để duy trì sức sống cho nền kinh tế, mỗi năm khoảng 300.000 tấn các sản phẩm dầu mỏ "chảy" vào Bình Nhưỡng từ Nga, thông qua các nhà buôn ở Singapore.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại