Vẫn cần hoan hô bầu Đức...

Hoàng Giang |

“Mâu thuẫn là động lực cho sự phát triển”. Có thể nhiều người không đánh giá cao cách mà bầu Đức đấu tranh với cái sai, nghi ngờ tiêu cực trước thềm Đại hội VFF, nhưng nhìn vào thực tế những gì ông bầu quyền lực này làm được cho bóng đá Việt Nam, việc dám ra mặt “chiến đấu” rồi gây áp lực kể cả tuyên bố sẵn sàng bỏ bóng đá, vẫn cần hoan hô bầu Đức…

Không “nhắm mắt” với cái sai

Đúng Ngày Thể thao Việt Nam 27.3, cổng trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam rải truyền đơn trắng xóa, với nội dung “VFF chơi trò bẩn HAGL. 27 Tết âm lịch gửi công văn, 29 Tết yêu cầu trả lời”. Nội dung nhạy cảm và ở thời điểm nhạy cảm, tất nhiên số truyền đơn này bị tiêu hủy nhanh chóng.

Trước thềm Đại hội nhiệm kỳ mới VFF với cuộc đua vào những chiếc ghế lãnh đạo, một scandal ầm ĩ đã nổ ra. Nó bắt đầu từ một phát hiện bất ngờ, khi Tiểu ban nhân sự Đại hội VFF đưa ra quy định mới với các chức danh lãnh đạo khóa VIII phải “có bằng đại học”.

Không thể không thắc mắc, khi tiêu chí này bỗng nhiên được đưa vào dự thảo đề án nhân sự Đại hội VFF khóa VIII dù các khóa trước không hề có, chưa kể nó được gửi email cho các thành viên VFF cầm phiếu đề cử bằng email với quy định sau 2 ngày nếu không có phản hồi nghĩa là đồng ý. Đặc biệt, thời điểm gửi đi là cận Tết âm lịch khi tất cả đã nghỉ Tết.

Vì sao làm quan chức VFF cần phải “có bằng cử nhân trở lên”? Khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, thì nhiều người giật mình: Ở VFF cũng như bóng đá Việt Nam bao năm qua và cả bây giờ, duy nhất Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức là không học đại học.

Ai cũng biết bầu Đức là doanh nhân đi lên từ 2 bàn tay trắng, không có bằng cử nhân và không loại trừ tiêu chí “độc lạ” này là để nhắm vào ông Đức để “loại khỏi vòng chiến đấu”. Điều đáng nói hơn, nếu đối chiếu với Điều lệ VFF thì rõ ràng, quy định mới được “sáng chế” này là vi phạm và được chính một ủy viên đang là ứng viên đề cử cho vị trí Chủ tịch VFF khóa mới, nguyên Giám đốc Trung tâm HLTTQG TPHCM ông Lê Quý Phượng đứng lên phản đối.

“Cái sảy nảy cái ung”. Ở hội nghị BCH VFF chuẩn bị cho các vấn đề quan trọng của đại hội, một cái sai nữa được khui ra: Bầu Đức ngã ngửa khi biết mình không có tên trong danh sách đề cử. Dù tuyên bố rút lui khỏi VFF nhưng ông bầu này vẫn nhận được nhiều đề cử nhưng Tiểu ban nhân sự VFF đã âm thầm gạch tên ông.

Bị động chạm và là người trong cuộc nên hiểu các ngóc ngách của cuộc đua lấy ghế VFF, bầu Đức “nổi tam bành”. Ông liên tục gây sốc khi lên báo chỉ trích, đả kích ông Trần Anh Tú khi giữ rất nhiều ghế và một mình ứng cử chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính. Ông ra mặt đấu tranh chống tiêu cực, chống lại vấn nạn “chia ghế” và nguy cơ “mafia thao túng” rồi tuyên bố nếu đấu tranh đến cùng vẫn không ăn thua thì sẵn sàng rút CLB HAGL khỏi V.League rồi bỏ luôn bóng đá.

Vẫn cần hoan hô bầu Đức... - Ảnh 1.

Bầu Đức ra mặt tranh đấu với tiêu cực. Ảnh: H.A

Cũng may là... “cần có bầu Đức” (?!)

Cách đây gần 7 năm, ở lễ tổng kết V.League 2011, mùa giải với quá nhiều bê bối và đỉnh điểm là sự uất ức của CLB Hòa Phát Hà Nội trước tiêu cực tràn lan nên bầu Long giải tán đội bóng nghỉ chơi luôn, bầu Kiên đã “nổ bom”. Ông bầu này gây chấn động với những tố cáo nhắm thẳng quan chức VFF, Ban trọng tài và sau đó đứng lên “cầm cờ” để đấu tranh, thay đổi thực trạng thối nát.

Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF ra đời và hàng loạt cải cách được tiến hành. Một trang mới cho bóng đá Việt Nam được mở ra với rất nhiều hy vọng, thế nhưng rất tiếc do vướng vào vòng lao lý nên những kế hoạch cùng ước vọng mang tên bóng đá của bầu Kiên dang dở. Để rồi sau đó, mọi thứ “đâu lại vào đó” khi bóng đá Việt Nam không có người cầm chịch.

Bóng đá cần những ông bầu dám nói, dám làm. Với bóng đá Việt, sau thành công vang dội ở VCK U23 Châu Á 2018 cùng những gì U23 Việt Nam có thể mang lại cho bóng đá cũng như cả xã hội, rất nhiều người tin rằng đây sẽ là cơ hội, thời cơ để thay đổi, chấn chỉnh và phát triển lên một tầm cao mới.

Thế nhưng trước thềm Đại hội VFF với những cuộc đấu đá, chiêu trò và cái sai rõ ràng ngay ở khâu chuẩn bị nhân sự của những người có trách nhiệm nhưng đa phần chấp nhận đồng lõa, thỏa hiệp, rất khó để hy vọng.

Đó có lẽ chính là lý do khiến bầu Đức đứng ra đấu tranh, kể cả khi đã nhiều lần xin rút khỏi VFF. Ông đấu tranh vì cái chung, vì sự phát triển của cả nền bóng đá và không chấp nhận “nhắm mắt, bịt tai” trước những nguy cơ.

Tất nhiên, có nhiều cách để đấu tranh với cái sai, tiêu cực và không nên dùng cách tiêu cực, khi biến cả HAGL cũng như cả nền bóng đá ra làm “con tin” như nhiều ý kiến nhận định thế trước phản ứng, phát ngôn và những động thái quyết liệt quá mức của bầu Đức. Tuy nhiên, đặt trường hợp không có một người xung phong và cả chấp nhận “hy sinh” như ông bầu quyền lực này, rồi mọi chuyện sẽ đi về đâu?

Đừng trách hay bắt lỗi bầu Đức, cần hoan hô ông chủ của HAGL. Phải cảm ơn bầu Đức, sau những gì làm cho bóng đá Việt Nam và cả việc phát động một “cuộc chiến” mà gần như ở đó “một mình chống lại VFF”…

Sau khi tuyên bố sẵn sàng rút HAGL khỏi V.League và cho những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh… “về đá phong trào”, bầu Đức xóa tên mình khỏi danh sách đề cử chức danh Chủ tịch lẫn Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ mới. HAGL của ông rút tên Trưởng đoàn Tấn Anh khỏi đề cử ủy viên BCH khóa VII với tuyên bố “có lộ trình rút khỏi bóng đá”. Đó là thông điệp, cũng là lời tuyên chiến với tiêu cực của bầu Đức.

Không phải tất cả đều đúng và nhiều điều bầu Đức nói hay làm vẫn gây tranh cãi nhưng nhìn lại thì đúng là bóng đá Việt mấy chục năm qua không có mẫu ông bầu nào "nói được, làm được" như doanh nhân Đoàn Nguyên Đức với bóng đá. Thậm chí, ông bầu này còn luôn là người đi tiên phong, mở ra những hướng mới cho cả nền bóng đá. Dream Team với dàn sao và "Zico" Thái Kiatisak của gần 20 năm trước biến Gia Lai từ một đội bóng tỉnh lẻ đi từ hạng Nhất lên V.League rồi vô địch, thống trị bóng đá nội; Bỏ không tập trung đội 1 đá chuyên nghiệp, xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG rồi sau nhiều năm bỏ công sức tâm huyết, tiền bạc đầu tư đã trình làng lứa cầu thủ tài năng tạo nên cả một hiện tượng xã hội khi khoác áo U19 Việt Nam. Trong chiến công của U23 Việt Nam tại VCK Châu Á gây chấn động mới đây, bầu Đức cũng để lại dấu ấn và chiến tích lịch sử này có công đầu của ông, từ việc đóng góp quân số đến việc một tay đứng ra chọn, thuê rồi thay VFF trả lương cho HLV Park Hang-seo.

Có thể ông Đức "nổ" và hay nói quá, nhưng xét ở khía cạnh dám làm, dám mạnh dạn mới những đột phá cùng cách nghĩ, cách làm bóng đá đi trước thiên hạ, ông xứng đáng được trân trọng sau những gì cống hiến, đóng góp. Và bóng đá Việt Nam sẽ còn cần ông đóng góp nhiều hơn nữa, khi đang đứng trước cơ hội để thay đổi, phát triển như tiềm năng đang có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại