Uống 19 viên hạ sốt trong 2 ngày rồi tử vong: Đừng vội đổ tội cho viên thuốc Paracetamol!

Dược sĩ Trần Thanh Cảnh |

Trước thông tin bệnh nhân tử vong do ngộ độc thuốc Paracetamol, đã có nhiều ý kiến khác nhau được các chuyên gia đưa ra. Đây là ý kiến dược sĩ Trần Thanh Cảnh giúp bạn đọc rõ hơn.

Một thanh niên ở Sơn La uống 19 viên hạ sốt rồi tử vong khiến nhiều tờ báo, trang mạng vội vàng cho rằng cái chết này là do ngộ độc Paracetamol. Bài viết dưới đây của Dược sĩ Trần Thanh Cảnh sẽ cho chúng ta một cái nhìn bình tĩnh và khách quan với loại thuốc vốn rất "hiền lành" này.

Hàng nghìn biệt dược - một mẫu số chung: Rất "lành"!

Có lẽ trên thị trường dược phẩm thế giới hiện nay, không một loại thuốc nào có nhiều tên gọi khác nhau (tên biệt dược) như Paracetamol hay còn gọi là Acetaminophen.

Ngay như tại nước ta, cũng phải có đến hàng ngàn loại biệt dược mà thành phần cơ bản của nó là một loại hoạt chất có tác dụng hạ nhiệt, giảm đau Paracetamol! Nào là: Paracetamol, Panadol, Paradol, Efferalgan, Tylenol, Typhy, Decolgen...

Paracetamol có công thức hóa học là C8H9NO2. Tên khoa học khá rậm rì rắc rối nên tôi không đưa ra đây làm gì cho nhức đầu các bạn. Được phát hiện từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 nhưng mãi đến năm 1955 mới chính thức được dùng làm thuốc hạ nhiệt giảm đau ở Mỹ.

Việc tổng hợp ra Paracetamol khá đơn giản và rẻ tiền, chất gốc để tạo ra chỉ là Benzen, một loại phụ phẩm của công nghệ chưng cất dầu mỏ. 

Sinh viên trường Đại học Dược Hà Nội khi học môn Công nghiệp Dược vẫn phải thực hành bài này ở quy mô phòng thí nghiệm: từ cái thứ quỷ quái độc hại Benzen, sau quá trình phản ứng với các hóa chất khác nhau, chưng cất, tinh lọc... cuối cùng cho ra Paracetamol tinh khiết đem dập viên, dùng được cho người.

Người viết bài này khi là sinh viên, đi thực tập bài đó, sau hai ngày vất vả lăn lộn ở phòng thí nghiệm đã thu được 200 gam Paracetamol, đem lên trình thầy hướng dẫn thực tập và hỏi, thầy ơi, Paracetamol ngoài kia rẻ như bèo, thầy bắt chúng em lăn lộn mất ăn mất ngủ hai ngày đêm để làm ra từng này, thì đáng bao nhiêu tiền hả thầy?

Các bạn biết thầy tôi đã làm gì không? Lập tức cho tôi 0 điểm và bắt hôm sau đến phòng thí nghiệm làm bài khác, cho nhớ đời!

Tất nhiên là tôi nhớ đời và rất nhớ thầy. Sau này ra nghề rồi, thỉnh thoảng thày trò rủ nhau đi bia hơi, vẫn nhắc lại vụ này...

Paracetamol khá lành tính, ở liều điều trị hầu như nó không có tác dụng xấu nào với cơ thể con người. Thế nên ngành dược đã xếp nó vào nhóm thuốc "KHÔNG KÊ ĐƠN", nghĩa là bán tự do thoải mái tại nhà thuốc mà không cần phải có đơn bác sĩ.

Tất nhiên, dược sĩ bán thuốc thì vẫn luôn phải tư vấn và hướng dẫn cách sử dụng. Tại các đơn vị đóng gói nhỏ nhất hoặc trên nhãn bao bì vẫn luôn in theo hướng dẫn sử dụng. Và nhắc lại cái câu "ĐỌC KỸ HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG TRƯỚC KHI DÙNG, NẾU GẶP VẤN ĐỀ GÌ HÃY HỎI BÁC SĨ HAY DƯỢC SĨ CỦA BẠN" thiết tưởng cũng không thừa...

Uống 19 viên hạ sốt trong 2 ngày rồi tử vong: Đừng vội đổ tội cho viên thuốc Paracetamol! - Ảnh 1.

Với Paracetamol, hầu như chỉ dùng đường uống, bởi khi uống thuốc được hấp thu vào máu rất cao: 90-95%! Với dạng viên sủi hoặc gói sủi thì sự hấp thu gần như đạt tới 100%. Thế cho nên chỉ với người không uống được hoặc trẻ nhỏ, người ta mới sử dụng dạng thuốc là viên đặt hậu môn mà thôi. Có dạng thuốc tiêm tĩnh mạch nhưng ít dùng.

Vào máu, bạn Paracetamol không cần ai chỉ dẫn hay chuyên chở, bạn ấy tự động đến làm nhiệm vụ ở các vị trí mà cơ thể đang cần hạ nhiệt giảm đau. Xong thời gian thực thi công vụ (thường là 8 tiếng) Paracetamol lại theo đường máu trở về gan. 

Tại gan của chúng ta, nó có sẵn một hoạt chất để kết hợp với Paracetamol thành ra một chất vô hại, tiễn xuống thận và thải ra ngoài qua đường nước tiểu. Đó là kết thúc một chu kỳ hoạt động của Paracetamol trong cơ thể.

Nhân đây xin nói qua với các bạn về một bộ phận cực kỳ quan trọng và tinh vi, có thể gọi đó là nhà máy tổng hợp hóa chất trong cơ thể là lá gan.

Thật ra cho đến giờ phút này, sự hiểu biết về các cơ chế sinh hóa điều khiển mọi hoạt động sống trong cơ thể chúng ta của y học hầu như chưa được bao nhiêu mà nhiều khi chỉ ở mức phỏng đoán.

Tại sao mọi loại hóa chất, thức ăn... khi cơ thể hấp thu vào lại đều qua gan xử lý? Và tại gan luôn có đủ các loại hoạt chất để xử lý các thứ mà chúng ta nạp vô tội vạ vào cơ thể? Tại sao...? Rất nhiều câu hỏi tại sao chưa có lời giải rõ ràng.

Thế nhưng có một cái rất rõ ràng là để cho một cơ thể khỏe mạnh thì lá gan phải khỏe mạnh! Nhưng vì gan là nơi xử lý rất nhiều các chất ngoại lai nhập một cách chủ động như thuốc, thức ăn, đồ uống vào cơ thể và cả các thứ chả ai mong như khói bụi, hóa chất độc hại, vi trùng, vi rút... nên nó cũng rất dễ bị tổn thương. Thế nên việc bảo vệ, tăng cường chức năng gan là rất cần thiết đấy các bạn nhé!

Uống 19 viên hạ sốt trong 2 ngày rồi tử vong: Đừng vội đổ tội cho viên thuốc Paracetamol! - Ảnh 2.

Đừng vội đổ tội cho viên thuốc Paracetamol

Mấy ngày vừa qua, cư dân mạng xôn xao về vụ một thanh niên trên Sơn La uống 19 viên Paracetamol 500 mg liền trong hai ngày rồi tử vong. Thật là một sự việc đáng tiếc.

Trong thực tế điều trị, suy gan hoặc xơ gan là hai trường hợp cần thận trọng nhất với Paracetamol (bệnh nhân này không xơ gan, nhưng bị suy gan do viêm gan B tiến triển).

Theo dược điển, liều tối đa của Paracetamol với người bình thường là 4g trong 24 giờ, nghĩa là trong 24 giờ chỉ được phép dùng tối đa là 8 viên (hàm lượng 500mg/viên). Với người đã suy gan, liều tối đa là 2g/ngày.

Trong trường hợp này, người thanh niên này đã dùng 19 viên trong 2 ngày, tương đương 9,5g, hay 4,75g/ngày, gấp hơn hai lần liều tối đa với người suy gan.

Khi chức năng gan yếu đi, cái hoạt chất để xử lý Paracetamol thành chất trơ, không có hoạt tính sinh học để rồi thải qua thận không đủ. Ông bạn Paracetamol dư thừa lang thang trong gan bèn bám luôn vào các protein trong tổ chức tế bào gan. 

Thế là, gan vốn đã suy càng suy, không hoạt động được, bao nhiêu chất độc hại trong quá trình sống của cả cơ thể không được xử lý, nó làm ngộ độc máu, suy thận, suy các phủ tạng và hôn mê, tử vong.

Uống 19 viên hạ sốt trong 2 ngày rồi tử vong: Đừng vội đổ tội cho viên thuốc Paracetamol! - Ảnh 3.

Dược sĩ Trần Thanh Cảnh

Các bạn có thể tưởng tượng thế này, một bộ máy đang hoạt động tốt, có dầu nhờn đủ bôi trơn, bụi bặm lẫn vào bị cuốn theo dầu tống ra ngoài theo khí thải. 

Thế nhưng máy ít dầu mà bụi bặm nhiều, nó làm đóng cặn máy móc khô cứng không hoạt động nổi, thì tan máy là chuyện tất nhiên thôi...

Trong trường hợp kể trên, không phải là anh ta "tử vong vì ngộ độc Paracetamol" như có những tít báo thiếu chính xác gây hoảng sợ, mà phải nói chính xác là "tử vong vì suy gan cấp". 

Paracetamol không phải là yếu tố nguyên phát gây tử vong mà chỉ là yếu tố thứ phát sau khi kết hợp với nhiều yếu tố không thuận lợi khác.

Ở đây lại phải nhắc lại một điều muôn năm không cũ: Tri thức là sức mạnh! Tại thời buổi thông tin tràn ngập toàn cầu, đến tận từng hang cùng ngõ hẻm này mà chúng ta không chịu cập nhật những kiến thức cơ bản nhất, hoặc là đơn giản chỉ là một câu hỏi với người có kiến thức về thuốc, là có thể tránh được thảm họa!

Thật ra, không cần phải là người học ngành dược, chỉ cần những người chịu cập nhật những kiến thức tối thiểu về kỹ năng sống đều biết rằng, ngay cả với những loại thuốc bổ, dùng quá liều cũng gây ra độc hại khôn lường. Paracetamol trong câu chuyện trên đây không là nguyên nhân, nhưng cũng đừng vì thế cứ uống vô tội vạ.

Xin nhắc lại điều đó để các bạn cứ tin tưởng dùng Paracetamol, tất nhiên bao giờ cũng nên dùng với sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiêu đề trong bài do Tòa soạn đặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại