Ứng dụng thay đổi cuộc đời của các lái xe tải Trung Quốc

Bảo Nam |

Giống như Uber hay Grab của cánh xe tải đường dài, Manbang cho phép kết nối nhanh giữa chủ hàng với các tài xế, có khả năng xử lý khối lượng hàng hóa trị giá 100 tỷ USD mỗi năm.

Zheng, 26 tuổi, bỏ học cấp ba để đảm nhận một trong những nghề thuộc hàng nguy hiểm nhất thế giới nhằm có tiền trả học phí cho các em của mình. Đôi khi anh mất 2 ngày hoặc hơn để tìm được một đơn hàng. Một tấm biển "cho thuê" dán trên thân xe là cách quảng cáo chính của anh về dịch vụ của mình, chuyên chở hàng hóa quanh khu vực phía đông nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

"Không biết khi nào xe tải của tôi mới có thể được lấp đầy hàng", anh nói. "Việc chờ đợi cũng mệt mỏi như khi lái xe vậy".

Nhưng tới năm 2016, mọi chuyện thay đổi. Một người bạn đã giới thiệu cho Zheng một ứng dụng của tập đoàn Manbang, cho phép kết nối lái xe tải với các chủ hàng có nhu cầu. Nhờ nó, anh cắt giảm được thời gian xe trống và chờ hàng tới 87%, giúp cải thiện đáng kể thu nhập.

Ứng dụng thay đổi cuộc đời của các lái xe tải Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp hậu cần ở Trung Quốc tăng trưởng như vũ bão qua từng năm.

Trung Quốc ước tính có khoảng 8 triệu tài xế xe tải và sự ra đời của các ứng dụng vận chuyển giống như một cuộc cách mạng hóa, thay đổi hoàn toàn hình thức kinh doanh của ngành thương mại dịch vụ mang tính xương sống trong nền kinh tế này. Trước đây, 95% tài xế làm việc cho các công ty nhỏ và chỉ có 1% các công ty vận tải đường bộ sử dụng hơn 50 nhân viên.

Ngày nay, hơn 1,8 triệu chủ hàng đã đăng ký và 6,7 triệu tài xế xe tải đã sử dụng ứng dụng Manbang để tìm và đặt dịch vụ vận chuyển tại Trung Quốc. Ứng dụng này xử lý lượng hàng hóa trị giá khoảng 101 tỷ USD mỗi năm. Hơn 70% tài xế xe tải nhận đơn đặt hàng trong vòng 20 phút đầu tiên sau khi đăng ký.

Manbang Group được đầu tư bởi SoftBank, quỹ Alphabet’s CapitalG và có sự hậu thuẫn của Quỹ cải cách Trung Quốc. Công ty khởi nghiệp này có trụ sở tại Quý Châu, một trong những tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, được định giá 9 tỷ USD sau vòng tài trợ mới nhất năm ngoái. Công ty này cũng được thành lập từ sự hợp nhất của hai công ty vận tải là đối thủ truyền kiếp của nhau là Huochebang và Yunmanman, trong một cuộc "hôn nhân" được môi giới bởi các nhà đầu tư ở cả hai bên, sau nhiều năm cạnh tranh khốc liệt.

Ứng dụng thay đổi cuộc đời của các lái xe tải Trung Quốc - Ảnh 2.

Zhang Hui, CEO của ứng dụng vận tải Manbang.

Theo Zhang Hui, giám đốc điều hành của công ty, ứng dụng này gần như đã bùng nổ trong năm nay khi tích hợp các dịch vụ mới như thu phí điện tử, bán xe tải, bảo dưỡng xe, tài chính và bảo hiểm. "Thu nhập của chúng tôi đến từ nhiều nguồn khác nhau", ông cho biết. "Một số hạng mục mới như bán xe tải đã qua sử dụng đòi hỏi phải tiếp tục đầu tư, nhưng về cơ bản không có bất kỳ dịch vụ nào thua lỗ".

Hiện Manbang đang tập trung vào việc tăng sự trung thành của người dùng. Công ty không có ý định tăng áp lực để tạo thêm doanh thu từ các dịch vụ của mình, theo Zhang. Còn theo ước tính của một viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đây là công ty dẫn đầu thị trường trong ngành công nghiệp hậu cần với tổng giá trị 280 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 40 nghìn tỷ USD. Trên thế giới, một số công ty cũng đang đi theo mô hình vận tải đường bộ này như Convoy ở Mỹ, OnTruck và Convargo ở châu Âu hay Rivigo và Blackbuck ở Ấn Độ.

Nhưng theo ông Zhang, dù Manbang có thể so sánh với Uber nhưng thực chất nó lại có nhiều nét giống với Taobao của Alibaba hơn. Bởi không có một tiêu chuẩn cụ thể, các tài xế và chủ hàng có thể thương lượng giá cả với nhau tùy thuộc vào nhu cầu và nguồn cung của thị trường tại từng thời điểm. Các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến giá bao gồm kích thước của xe, độ sạch của hàng hóa hay thời gian chờ để bốc dỡ hàng.

"Các thuật toán và khả năng phân tích Big Data đóng một vai trò quyết định trong việc tính toán giá tối ưu cho các dịch vụ không chuẩn như vận tải đường dài", ông nói. "Với những người lái xe tải, chúng tôi có thể dự đoán đại khái về biến động giá trong những ngày tiếp theo. Thuật toán cũng cho phép minh bạch khi xếp hạng các chủ hàng và đơn đặt hàng bằng cách phát hiện và ngăn chặn gian lận".

Ứng dụng thay đổi cuộc đời của các lái xe tải Trung Quốc - Ảnh 3.

Tài xế có thể kết nối trực tiếp với khách hàng, thương lượng giá không cần qua trung gian.

Tuy nhiên, để đối phó với các tài xế xe tải và chủ hàng, công ty cũng phải sử dụng một chiến lược khác với các ngành dịch vụ truyền thống. Những ngày đầu khi muốn lôi kéo các tài xế tham gia ứng dụng, nhân viên của công ty phải giả trang và trà trộn vào những nơi mà cánh lái xe hay lui tới. Đôi khi, họ cũng bị đe dọa đánh đập hoặc đuổi khéo khỏi các khu công nghiệp. Công ty cũng luôn phải đối mặt với sự kháng cự từ các đại lý vận chuyển, những người sợ rằng nền tảng này sẽ cắt đứt vị trí trung gian của họ trong tương lai.

Sự xuất hiện của ứng dụng này cũng xóa bỏ đặc quyền của một bộ phận tài xế, những người thích hét giá cắt cổ cho các đơn hàng vận chuyển. Năm ngoái, một nhóm tài xế "truyền thống" này đã tổ chức một cuộc biểu tình ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Trùng Khánh để phản đối.

Zhang cho biết công ty ông chỉ là một phần nhỏ trong ngành công nghiệp dịch vụ hậu cần và phần lớn các hoạt động vẫn còn ngoại tuyến. Với sự tăng trưởng GDP của Trung Quốc, nhu cầu vận chuyển ngày một tăng và hiện tượng thiếu hụt xe liên tục xảy ra. Nhưng giống như Uber hay Grab, nhiều người thấy lợi và bắt đầu vay tiền mua xe tải. Nhưng nó đồng nghĩa với việc khiến cho giá dịch vụ giảm xuống. "Nhiều người bị áp lực trả nợ và quay sang chỉ trích nền tảng", ông chia sẻ.

Qu Bo, tài xế lái xe tải 57 tuổi, đã ký hợp đồng với nền tảng này vào năm 2016. Ông cho biết thời điểm tốt nhất để sử dụng ứng dụng này đã qua, nhưng so với các giải pháp thay thế khác nó vẫn có những ưu thế vượt trội.

"Tôi vẫn còn 2 năm và 8 tháng nữa trước khi nghỉ hưu. Tôi đoán mình sẽ tiếp tục lái xe cho đến ngày cuối cùng", ông chia sẻ.

Tham khảo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại