Tuyên bố "cánh cửa TQ không đóng lại", Tập Cận Bình quyết đòi vị trí bị Ấn Độ tước mất

Hải Võ |

Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ mở cửa nền kinh tế "chưa từng có", trong bối cảnh Trung Quốc đối diện với sụt giảm dự trữ ngoại hối và cạnh tranh gia tăng từ các nước.

Báo Times of India (ToI) cho hay, Trung Quốc đã và đang thử nhiều biện pháp nhằm giữ nền kinh tế phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Bắc Kinh đã điều chỉ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2017 về mức "khoảng 6.5%" so với mục tiêu 6.7-7% mà nước này đặt ra hồi năm ngoái.

Chỉ tiêu tăng trưởng 2017 thấp hơn kỳ vọng và cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận kiểm soát rủi ro về tăng trưởng ngắn hạn. Tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2016 đạt 6.7%, thấp nhất kể từ thập niên 1990.

Theo ToI, tình trạng khó khăn của nền kinh tế đặt ra cho Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều thách thức, đặc biệt ông sắp kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo đầu tiên của mình khi Đại hội khóa XIX của đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức vào mùa thu năm nay.

Tham gia phiên thảo luận với Đoàn đại biểu Thượng Hải dự kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh hôm 5/3, ông Tập nói với các nhà lập pháp rằng "Cánh cửa đã mở ra của Trung Quốc sẽ không đóng lại". Ông cam kết Trung Quốc tiếp tục mở cửa trên mọi phương diện, tiếp tục "tự do hóa, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư" - hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.

Tuyên bố của ông Tập Cận Bình được đánh giá là tín hiệu quan trọng, hé lộ Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng sự kiểm soát đối với dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, giảm các biện pháp hạn chế và mở cửa ở nhiều khu vực.

Tuyên bố cánh cửa TQ không đóng lại, Tập Cận Bình quyết đòi vị trí bị Ấn Độ tước mất - Ảnh 1.

Ông Tập Cận Bình tham gia phiên thảo luận với Đoàn đại biểu Thượng Hải dự kỳ họp Quốc hội ở Bắc Kinh (Ảnh: Xinhua)

Báo cáo công tác chính phủ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước Quốc hội vào sáng mùng 5 nhấn mạnh các biện pháp mở cửa "chưa từng có" với thế giới bên ngoài "dưới ngọn cờ sáng kiến 'Made in China' (sản xuất ở Trung Quốc".

"Các doanh nghiệp ngoại sẽ được đối xử như doanh nghiệp Trung Quốc trong những vấn đề như xin giấy phép, áp đặt các tiêu chuẩn, hợp tác với chính phủ... và được hưởng các chính sách ưu đãi theo Sáng kiến Made in China 2025," ông Lý phát biểu.

Nói cách khác, các công ty nước ngoài có cơ hội niêm yết trên sàn chứng khoán của Trung Quốc và phát hành trái phiếu. Họ sẽ được phép tham gia vào các dự án khoa học công nghệ tầm cỡ quốc gia của Trung Quốc - theo ông Lý.

Những bước cải tổ quan trọng được thực hiện nhằm tạo ra một môi trường tối ưu cho đầu tư nước ngoài. Các ngành dịch vụ, sản xuất và khai khoáng sẽ cởi mở hơn. Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc có thể, trong phạm vi thẩm quyền theo pháp luật, tự ban hành chính sách ưu đãi để thu hút nguồn vốn.

Theo ToI, với các tuyên bố rất rõ của ông Tập và ông Lý, thể hiện sự chuyển dịch trọng tâm nền kinh tế về đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment, viết tắt là FDI), Trung Quốc đang cố gắng cạnh tranh quyết liệt để tranh giành vốn với Ấn Độ.

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, với quy mô lớn nhất thế giới, đã tụt xuống dưới 3 nghìn tỉ USD, làm dấy lên quan ngại của các nhà lập pháp nước này.

Trong vài năm qua, Ấn Độ đã trở thành điểm đến chủ yếu của FDI nhờ chính quyền Thủ tướng Narendra Modi vận hành hiệu quả sáng kiến "Make In India" từ năm 2014, với mục tiêu thay thế "con Voi" với những bước đi chậm chạp, bệ vệ bằng một "con Sư Tử" có cú phi nhanh và mạnh.

Theo báo cáo của Financial Times (Anh), "trong năm 2015 Ấn Độ lần đầu tiên dẫn đầu thế giới về thu hút FDI (63 tỉ USD), chiếm vị trí của Mỹ (có 50.6 tỉ USD đầu tư mới) và Trung Quốc (56.6 tỉ USD)".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại